21/11/2008 - 22:05

TP Cần Thơ

Động lực mới trong thu hút đầu tư

Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TP Cần Thơ năm 2008 vừa diễn ra ngày 16-11 là hội nghị kêu gọi đầu tư lớn nhất kể từ khi Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương. Qua hội nghị này, nhiều tập đoàn kinh tế, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có nguyện vọng đầu tư xây dựng dự án, công trình,... hứa hẹn góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội thành phố ngày càng phát triển.

Triển vọng thu hút đầu tư

Sau gần 5 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, TP Cần Thơ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao (bình quân 16,09%/năm), thu nhập bình quân đầu người tăng 19,23%/năm, nhiều công trình hạ tầng kinh tế – xã hội quan trọng được đầu tư xây dựng đồng bộ... Với vị trí địa lý quan trọng, giao thông thủy, bộ thuận lợi và những kết quả đạt được từ khi thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, TP Cần Thơ đã và đang từng bước thể hiện được vai trò, vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL, trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư. Từ Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TP Cần Thơ năm 2008, nhiều tập đoàn, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước bày tỏ mong muốn đầu tư vào nhiều dự án phát triển TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Quang Khải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (VINASHIN), cho biết: “Chúng tôi xem sự phát triển của TP Cần Thơ là động lực phát triển kinh tế cảng. Hai đơn vị của VINASHIN là cảng Cần Thơ và cảng Cái Cui đang hoạt động trên địa bàn thành phố rất hiệu quả. Đặc biệt, đến thời điểm này, lượng hàng hóa thông qua 2 cảng đã lên đến 4 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong khi đó, theo quy hoạch, chỉ ở mức 500.000 tấn hàng hóa/năm”. Chính vì lẽ đó, trong năm 2009, VINASHIN sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng dự án cảng Cái Cui giai đoạn II. VINASHIN cũng đang có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống cảng cạn ở khu vực ĐBSCL mà sự lựa chọn ưu tiên đầu tư sẽ là TP Cần Thơ.

Hạ tầng Khu công nghiệp Trà Nóc II (TP Cần Thơ) đang được xây dựng ngày càng hoàn thiện.
Ảnh: NHẬT CHÁNH 

ĐBSCL là vựa lúa gạo của cả nước. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa gạo ở đây còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II), nhận định: “TP Cần Thơ là trung tâm phục vụ cho việc sản xuất, thu mua, chế biến và tồn trữ lúa gạo để xuất khẩu. Đây cũng là nơi tập trung lượng lương thực lớn của Vinafood II. Theo tính toán của Vinafood II, nếu xuất khẩu gạo trực tiếp tại Cần Thơ, mỗi năm ĐBSCL tiết kiệm hàng chục triệu USD nhờ tiết giảm chi phí vận chuyển từ ĐBSCL lên Cảng Sài Gòn. Vì vậy, ngoài việc mở rộng hệ thống kho tại cảng Trà Nóc, Vinafood II cũng đang hướng đến việc đầu tư vào TP Cần Thơ hệ thống kho dự trữ mới. Và một trong những dự án mà Vinafood II hướng đến là dự án chợ chuyên doanh lúa gạo trên địa bàn huyện Thốt Nốt”.

Được xác định là trung tâm ĐBSCL, nhưng một trong những yếu kém mà TP Cần Thơ gặp phải chính là nguồn nhân lực có tay nghề cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Ông Trần Quang Nghị, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) phản ánh: “TP Cần Thơ, cũng như các tỉnh ĐBSCL, chúng tôi chỉ có thể giao sản xuất những đơn hàng có thời gian dài. Một trong những nguyên nhân chính là lao động nơi đây chưa chuyên nghiệp và tỷ lệ biến động rất cao. Đây là một khó khăn chung không riêng gì ngành may mặc”. Từ yêu cầu bức xúc này, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) cùng một số tập đoàn đang nghiên cứu đầu tư một trường cao đẳng đào tạo kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật trên địa bàn TP Cần Thơ. Về kế hoạch này, ông Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lilama 2, thuộc Lilama, cho biết: “Để thu hút được vốn đầu tư, nguồn nhân lực là rất quan trọng. Dự án này được thực hiện giúp TP Cần Thơ và cả các tỉnh ĐBSCL nâng cao chất lượng lao động, đồng thời hỗ trợ cho các nhà đầu tư nguồn nhân lực có chất lượng cao để thực hiện các dự án phát triển TP Cần Thơ”.

Cải thiện chính sách, hài hòa lợi ích

Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TP Cần Thơ năm 2008, lãnh đạo TP Cần Thơ cùng các tập đoàn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã ký kết 18 bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư vào thành phố. Các bản ghi nhớ đầu tư này thuộc các dự án xây dựng khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng bưu chính viễn thông, xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, khu dân cư, nhà máy điện, trường dạy nghề,....

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án là vấn đề khá nan giải. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư phát triển TP Cần Thơ, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, cho biết: “BIDV sẽ thu xếp, hỗ trợ tài chính và cung ứng một gói dịch vụ ngân hàng hoàn chỉnh như tín dụng, thuê tài chính, bảo lãnh, thanh toán, tài trợ xuất nhập khẩu, bảo hiểm... cho các chủ đầu tư có dự án đầu tư vào TP Cần Thơ. Từ nay đến năm 2010, BIDV sẽ dành 7.000 – 8.000 tỉ đồng cho hoạt động này. Ngoài ra, BIDV sẽ chủ động làm đầu mối thu xếp vốn đồng tài trợ cùng các tổ chức tín dụng trong nước khác và kêu gọi, tìm kiếm các nguồn vốn từ các tập đoàn tài chính toàn cầu, nhất là trong khu vực, để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong thời gian tới”. Những cam kết này đã được BIDV ký kết ghi nhớ với lãnh đạo TP Cần Thơ, với một số tập đoàn, doanh nghiệp tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ năm 2008.

Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp: cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (trong đó đặc biệt là hệ thống cảng) chưa đồng bộ; nguồn nhân lực còn yếu về trình độ, về chuyên môn... để đạt thỏa thuận với các nhà đầu tư, TP Cần Thơ phải nỗ lực rất lớn giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Tạo, nói: “TP Cần Thơ hiện còn nhiều dự án chưa có quy hoạch về sử dụng đất, cũng như quy hoạch chi tiết về dự án. Ngoài ra, nhiều dự án gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đền bù giải tỏa, các thủ tục giấy tờ liên quan đến việc triển khai các quyết định đầu tư còn phức tạp... Điều này gây nhiều cản trở, khó khăn cho các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư hoặc có dự án đầu tư tại TP Cần Thơ”. Đây cũng là bức xúc nhiều doanh nghiệp đề đạt và mong lãnh đạo TP Cần Thơ sớm có giải pháp khắc phục. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng yêu cầu thành phố có cơ chế, chính sách thông thoáng hơn, cụ thể hơn trong ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hoạt động có hiệu quả.

Ông Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết: “Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành có quy chế, quy hoạch cụ thể đối với các dự án kêu gọi đầu tư, ưu đãi đầu tư hợp lý hơn. Thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính. Thành phố đã chỉ đạo các sở ngành hữu quan, sẵn sàng ngồi lại cùng các nhà đầu tư bàn bạc, thỏa thuận đi đến thống nhất các quan điểm, hình thức đầu tư trên cơ sở các bên tham gia cùng có lợi”.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết