29/10/2017 - 16:46

Đồng hành cùng vợ chồng hiếm muộn 

Hơn 15 năm đồng hành cùng các cặp vợ chồng hiếm muộn, Khoa Hiếm muộn Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ tạo được sự tin cậy của người bệnh. BV từng bước triển khai kỹ thuật cao trong nhiều lĩnh vực, nhiệt tâm, san sẻ những áp lực, khó khăn của các cặp đôi trong hành trình tìm con.

Nâng tỷ lệ thành công

Bác sĩ CKII Nguyễn Việt Quang, Trưởng Khoa Hiếm muộn BV Phụ sản TP Cần Thơ chia sẻ, BV triển khai kỹ thuật điều trị hiếm muộn từ năm 2001 đến nay, với mong mỏi mang lại tin vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Riêng kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng bằng phương pháp lazer được Khoa Hiếm muộn BV Phụ sản TP Cần Thơ triển khai thực hiện từ năm 2014. Đến nay, gần 300 trường hợp điều trị hiếm muộn tại BV, với tỷ lệ thành công khoảng 42%, so với trước đây khi chưa thực hiện kỹ thuật này, tỷ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn chỉ khoảng 30%.

Cán bộ y tế khoa Hiếm muộn tư vấn cho khách hàng. 

Từ thực tế điều trị cho các cặp vợ chồng với kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng bằng phương pháp lazer, các bác sĩ Khoa Hiếm muộn của BV thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng bằng phương pháp laser trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tại BV Phụ sản TP Cần Thơ”. Qua công trình này, các bác sĩ mong muốn đánh giá khoa học hơn hiệu quả của ứng dụng kỹ thuật đối với quá trình điều trị tại đơn vị. 

Ngoài ra, một trong những kỹ thuật nổi trội khác mang lại niềm vui cho các cặp vợ chồng trong điều trị hiếm muộn, nhất là trong trường hợp hiếm muộn do người vợ, là kỹ thuật TTTON - xin noãn. Các bác sĩ chuyên khoa chia sẻ, những trường hợp vô sinh do vợ mắc phải tình trạng giảm khả năng dự trữ buồng trứng, suy buồng trứng sớm, sẽ được thực hiện kỹ thuật TTTON - xin noãn: lấy noãn của người cho kết hợp với tinh trùng của người chồng, sau đó chuyển phôi vào buồng tử cung của người vợ. Bác sĩ Nguyễn Việt Quang cho biết, nhiều trường hợp chị em lớn tuổi, lập gia đình muộn hoặc thời gian vô sinh lâu mới tìm đến Khoa Hiếm muộn, nếu không có kỹ thuật trên, thì khả năng có con xem như bế tắc. Áp dụng TTTON - xin noãn, về mặt di truyền, đứa trẻ mang gen bố, còn người vợ cũng hài lòng vì có được niềm vui mang nặng, đẻ đau.

Từ năm 2011 đến nay, Khoa đã có 9 trường hợp có thai trong tổng số 15 trường hợp thực hiện TTTON xin noãn. Ca đầu tiên được áp dụng kỹ thuật này là chị Ng. Th. U. (41 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) sinh được 2 bé với cân nặng lần lượt là 2,6kg và 2,9kg. Mới đây, vợ chồng chị Ng. K. L. (1970, Bình Tân) được tận hưởng niềm hạnh phúc sau 3 năm mong con. Chị L. điều trị tại Khoa Hiếm muộn, được các bác sĩ tư vấn kỹ thuật TTTON - xin noãn, chuyển 2 phôi, có 2 thai, sinh được 2 bé gái với cân nặng lần lượt 2,2kg và 2,3kg. Chị L. chia sẻ: “Hai bé đã hơn 2 tháng tuổi, tăng cân đều, khỏe mạnh. Ngắm các con lớn từng ngày, tôi rất cảm ơn các lương y Khoa Hiếm muộn đã nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ tinh thần cho vợ chồng tôi suốt quá trình điều trị”.

Bác sĩ Trần Ngọc Thảo, Khoa Hiếm muộn chia sẻ, nhiều năm qua, chị và các đồng nghiệp đồng hành, vui với niềm vui mà cũng buồn với nỗi buồn của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Nhiều cặp dù cơ hội thấp, nhưng rất quyết tâm vì khao khát có con. “Chúng tôi rất cảm thông, san sẻ với những khó khăn, áp lực, thậm chí đau đớn trong quá trình điều trị hiếm muộn. Đổi lại, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều niềm vui từ các cặp vợ chồng điều trị thành công. Thỉnh thoảng, họ dẫn các em bé đến thăm cô chú cán bộ y tế của Khoa”, chị Thảo kể.

Ứng dụng kỹ thuật mới

Khoa Hiếm muộn BV Phụ sản TP Cần Thơ đã triển khai tốt các kỹ thuật: tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), với tỷ lệ thành công tốt hơn TTTON cổ điển; TTTON - xin noãn; hỗ trợ phôi thoát màng bằng lazer; trữ phôi. Riêng kỹ thuật trữ phôi, trước đây, khi chưa thực hiện được kỹ thuật trữ phôi đông lạnh, số phôi dư sau khi chuyển phôi sẽ bị hủy; nay số phôi dư được trữ đông lạnh, nếu lần đầu chuyển phôi không thành công, lần sau bệnh nhân có thể tiếp tục chuyển phôi với phôi đã được trữ, giúp giảm chi phí cho người bệnh. Kỹ thuật còn giúp nâng tỷ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn. Bởi lẽ, trong quá trình kích thích, gây xâm lấn, cùng với việc dùng thuốc, bệnh nhân đau đớn, stress cũng ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển phôi của lần đầu tiên. Lần sau bệnh nhân quay lại, với cơ thể đã hồi phục, tâm lý ổn định thì tỷ lệ đậu thai sẽ cao hơn.

Bên cạnh đó, kỹ thuật giảm thai cũng góp phần nâng tỷ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn, cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh. Sau khi chuyển phôi TTTON, có thể chuyển từ 2 – 3 phôi. Các bác sĩ kiểm soát, nếu trên tam thai sẽ can thiệp bằng kỹ thuật giảm thai. Qua kết quả nghiên cứu của các trung tâm điều trị hiếm muộn trong cả nước, những trường hợp đa thai thường sinh non tháng, với nhiều bệnh lý kèm theo, trẻ lớn lên có thể trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Việt Quang, Trưởng Khoa Hiếm muộn BV Phụ sản TP Cần Thơ, việc khám hiếm muộn tương đối đơn giản, với người vợ chỉ cần sàng lọc ban đầu qua khám phụ khoa, siêu âm và xét nghiệm máu, còn chồng thì xét nghiệm tinh dịch đồ. Qua đó, giúp các cặp đôi biết được tình trạng sức khỏe sinh sản, phát hiện sớm nếu có bệnh, điều trị kịp thời, hiệu quả, giảm thời gian và chi phí.

Khoa Hiếm muộn BV Phụ sản TP Cần Thơ là đơn vị duy nhất hiện nay của TP Cần Thơ có Ngân hàng tinh trùng, giải quyết khó khăn trong việc điều trị cho các cặp vợ chồng có nguyên nhân hiếm muộn do người chồng không có tinh trùng. Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc BV Phụ sản thành phố chia sẻ: Khoa Hiếm muộn là khoa mũi nhọn thực hiện nhiều kỹ thuật do BV tuyến trung ương triển khai và được đầu tư trang bị nhiều thiết bị hiện đại. Đây là đơn vị triển khai TTTON đầu tiên của khu vực ĐBSCL, được Đoàn thẩm định Bộ Y tế dánh giá đủ điều kiện về cơ sở, trang thiết bị và trình độ chuyên môn kỹ thuật, tiền đề cho việc triển khai mang thai hộ sắp tới ở Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, nguyên nhân hiếm muộn do chồng không có tinh trùng ngày càng nhiều; họ hầu như không có khả năng có con.

BV Phụ sản TP Cần Thơ xin được cấp phép hoạt động và tìm nguồn hiến tinh trùng cho Ngân hàng tinh trùng. Mẫu huy động từ người hiến tự nguyện, được xét nghiệm các bệnh lây truyền và bệnh di truyền cho thế hệ sau. Khi mẫu đủ điều kiện, sẽ được trữ, sau 3 tháng khi người hiến quay lại để xét nghiệm HIV, nếu âm tính, thì mẫu sẽ được sử dụng. Mẫu đảm bảo tính chất vô danh.

Các cặp vợ chồng muốn xin tinh trùng, có thể đến Ngân hàng tinh trùng của Khoa Hiếm muộn, với điều kiện phải giới thiệu một người hiến khác để bù vô mẫu đã cho, để duy trì nguồn mẫu của Ngân hàng tinh trùng.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết