06/04/2018 - 19:51

Đồng hành cùng học sinh “cá biệt” 

Chuyện học sinh “cá biệt” với đủ trò quậy phá trong lớp đến “cúp” học, đánh lộn, mê game... không hiếm ở lứa tuổi đang phát triển về tâm sinh lý. Việc giáo dục học sinh “cá biệt” vào nề nếp, khuôn phép rất cần sự thấu hiểu, bao dung, tình thương bên cạnh những quy định kỷ luật của người đứng trên bục giảng.

Học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa tham gia trồng hoa khuôn viên trường. 

Bước vào năm học đầu tiên bậc THPT, Đỗ Hùng Anh nổi danh với tên gọi “Anh nổi loạn” của lớp 10A5 Trường THPT Thới Lai. Không những chọc phá, giấu tập, đồ dùng cá nhân của bạn, Hùng Anh còn nói leo với giáo viên trong tiết học. Đồng phục đến trường của Hùng Anh bao giờ cùng kèm những phụ kiện hình thù kỳ quái. Chưa hết, ngôn từ trong giao tiếp của Hùng Anh với bạn, giáo viên đậm chất “dân game”. Trong tháng đầu năm học, Hùng Anh 7 lần đến lớp trễ và hay ngủ gật trong tiết học. Dù biết thông tin này từ đồng nghiệp, nhưng giáo viên chủ nhiệm vẫn “sốc”. Những lần sinh hoạt cuối tuần, Hùng Anh im lặng khi giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở về thái độ học tập, tác phong, nhưng mọi chuyện vẫn như cũ.

Trong lần hẹn người bạn ở quán nước, giáo viên chủ nhiệm thấy Hùng Anh ngồi góc khuất trong quán, miệng phì phà khói thuốc lá. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm nhờ học sinh chung xóm trò chuyện, tìm hiểu gia cảnh Hùng Anh. Mẹ Hùng Anh quản lý cửa tiệm kinh doanh game, cha lái xe tải đường dài nên thường xuyên vắng nhà. Hùng Anh không thiếu thốn về vật chất, nhưng cha mẹ ít có thời gian gần gũi, dạy bảo. Giáo viên chủ nhiệm quan tâm thăm hỏi, trò chuyện với Hùng Anh nhiều hơn; giảng thêm những bài Hùng Anh chưa hiểu. Đồng thời, đến nhà, thường xuyên gọi điện cho gia đình thông báo tình hình học tập để cha mẹ quan tâm Hùng Anh nhiều hơn. Giáo viên cũng khuyên các bạn không nên né tránh, xa lánh mà hòa đồng, giúp Hùng Anh không cảm thấy áp lực khi đi học. Đến nay, sau gần năm học, Hùng Anh luôn đạt điểm số các môn học từ trung bình khá đến khá. Hùng Anh cũng ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô, không còn “cúp” tiết hay đi học trễ.

Gia cảnh Nguyễn Duy Phong, học sinh lớp 11A3, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa đặc biệt hơn. Cha mẹ bỏ đi, Phong sống với ông bà nội từ nhỏ. Năm học lớp 10, giáo viên chủ nhiệm phát hiện Phong nghiện game. Vào lớp học, Phong lầm lì, không chơi giỡn với bạn. Ngoài thời gian đi học, về nhà, Phong chơi ở các tiệm game online. Bên cạnh việc đến nhà động viên ông bà nội, cô giáo chủ nhiệm trò chuyện nhiều hơn, khuyến khích Phong tham gia hoạt động, phong trào ở trường. Cô Nguyễn Thị Cẩm Nhung, giáo viên chủ nhiệm của Phong, cho biết: “Tôi vận động Phong tham gia Ban chấp hành Đoàn trường. Hằng tuần, các thành viên Ban chấp hành rủ Phong đi uống trà sữa, trò chuyện, tham gia câu lạc bộ thể thao của trường. Lúc đầu, Phong chần chừ, không hứng thú nhưng sau đó nhiệt tình tham gia”. Không chỉ giáo viên chủ nhiệm, mà Ban Chấp hành Đoàn trường đều phấn khởi trước thay đổi tích cực của Phong. Không chỉ bỏ được game, Phong còn là vận động viên cầu lông thường được trường cử đại diện thi đấu với các trường bạn. Kết quả học tập của Phong tiến bộ nhiều so với trước đây.

Cô Cẩm Nhung chia sẻ thêm: Khi phát hiện lớp có học sinh “cá biệt”, giáo viên cần tìm hiểu hoàn cảnh và nguyên nhân. Các em đều muốn là học sinh ngoan nhưng đôi khi do gia cảnh, tâm sinh lý, dẫn đến hành động tiêu cực ở vài học sinh. Học sinh cấp 2 và cấp 3 khá nhạy cảm, có những phản ứng nổi loạn do không thể kiềm chế, kiểm soát. Điều quan trọng là giáo viên, phụ huynh phải quan tâm, trò chuyện để các em tin tưởng và cởi mở hơn. Khi được quan tâm, thấu hiểu và yêu thương, tự khắc các em dần nhận ra hành vi không tốt và thay đổi. Bên cạnh đó, cần có những hình thức kỷ luật dành cho học sinh “cá biệt” nhưng hạn chế sử dụng thường xuyên.

Bài, ảnh: Thảo Mộc

Chia sẻ bài viết