16/09/2017 - 22:52

Đồng bằng sông Cửu Long: Tiếp cận tổng hợp, liên vùng ứng phó với biến đổi khí hậu 

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh).

Thực trạng cách tiếp cận tổng hợp, liên vùng

Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng, Viện Địa lí nhân văn - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trước những ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong thời gian qua 13/13 tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương. Tuy vậy, việc tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động của các tỉnh chưa có sự gắn kết, liên kết trong việc đánh giá tác động, cũng như xây dựng giải pháp đầu tư công trình mang tính liên vùng. Bên cạnh, các hành động ứng phó của các địa phương, Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế, tổ chức NGOs đã bước đầu hỗ trợ xây dựng các nghiên cứu, dự án, giải pháp mang tính chất liên vùng, liên ngành trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lực lượng cứu hộ quận Bình Thủy diễn tập công tác cứu hộ nhà dân bị sập do bão gây ra. Ảnh: VĂN THỨC

Cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ xây dựng Quy chế thí điểm liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2014-2019, trong đó tập trung vào các lĩnh vực liên kết chính như đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng liên kết toàn vùng; sản xuất, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp, thủy hải sản; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; liên kết quốc phòng, an ninh chính trị.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã có những hoạt động khá tích cực trong việc chỉ đạo đôn đốc và tham mưu, trong việc xây dựng các dự án mang tính liên vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực này. Đó là phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các dự án thuộc Danh mục ưu tiên của Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, tập trung nguồn vốn đầu tư  các dự án cấp báp. Trong đó, tập trung vào các dự án phục hồi phát triển rừng ven biển, quản lý tài nguyên nước, các dự án đê biển gắn với hệ thống giao thông ven biển, rừng phòng hộ ven biển. Phối hợp với các tổ chức quốc tế về triển khai các dự án biến đổi khí hậu, quản lý nước, phục hồi rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học trong vùng như tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy chế phối hợp thực hiện Chương trình CCCEP tại các tỉnh: Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang và Cà Mau. Đồng thời, đề xuất, xây dựng bộ phận quản lý, liên kết các tiểu dự án trong vùng đặt tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Vấn đề biến đổi khí hậu đã được lồng ghép trong các quy hoạch thủy lợi, giao thông, xây dựng, của vùng. Như Quyết định số 1397 QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Song việc triển khai quy hoạch, kiểm tra, giám sát thực hiện tại các địa phương chưa có tổ chức nào đứng ra thực hiện, mà mỗi tỉnh vẫn thực hiện theo quy hoạch riêng.

Chính phủ Việt Nam cùng với Cơ quan phát triển quốc tế Úc và Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức thông qua cơ quan Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ), đã thực hiện Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái ven biển (CCCEP) ở 5 tỉnh: Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang và Cà Mau. Chương trình đã tập trung vào các hợp phần Phát triển năng lực và thể chế cho việc quản lý tổng hợp hệ sinh thái ven biển trong bối cảnh BĐKH; Bảo tồn và phát triển các vùng trọng điểm trữ lượng sinh quyển ở tỉnh Kiên Giang; Quản lý bền vững hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển ở tỉnh Bạc Liêu, bảo vệ tài nguyên nước…

Chính phủ Hà Lan và Chính phủ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cấp cao về phối hợp hỗ trợ phát triển tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long tháng 6-2014, đã thống nhất một số tuyến vấn đề quan trọng liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu như chủ trương ứng phó và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; có các giải pháp chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Tiếp cận tổng thể mang tính chất liên vùng và liên ngành trong phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, hình thành cơ chế phối hợp đồng bộ theo chiều ngang giữa các địa phương và theo chiều dọc giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.

Trên cơ sở đó một số địa phương bước đầu ký kết các quy chế về bảo vệ tài nguyên nước mang tính liên vùng. Ví dụ An Giang và Kiên Giang xây dựng quy chế quản lý tài nguyên nước Vùng Tứ giác Long Xuyên. Trong đó tập trung vào vấn đề quản lý tài nguyên nước, kiểm soát lũ, kiểm soát xâm nhập mặn.

Xây dựng cơ chế, chính sách liên vùng

Trong 2 ngày 26 và 27-9, tại thành phố Cần Thơ dự kiến  sẽ diễn ra Hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Đây được xem là “Hội nghị Diên Hồng” cho khu vực này, nhằm huy động sự hỗ trợ Chính phủ và các địa phương nơi đây xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn đến năm 2100.  

Để xây dựng chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu mang tính tổng hợp, bền vững, liên vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo đề xuất của các nhà khoa học tại Viện Địa lí nhân văn - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam: Trong thời gian tới cần phải tập trung củng cố và cải thiện các cơ chế thể chế, cho phép phối hợp liên tỉnh và liên ngành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với biến đổi khí hậu cần phải lồng ghép vấn đề liên kết vùng trong các văn bản pháp quy liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu trong chiến lược quốc gia, kế hoạch hành động thực hiện chiến lược, xây dựng các chương trình dự án mục tiêu quốc gia...

Về bộ máy tổ chức thực hiện liên kết vùng: Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu xem xét đặt một bộ phận của Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ để làm nhiệm vụ giúp việc, phối hợp các nhà khoa học trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phía Nam. Đồng thời thành lập cơ quan chuyên trách chỉ đạo về ứng phó với biến đổi khí hậu và liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đôn đốc giám sát các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các dự án liên vùng, liên tỉnh. Phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai các công trình xây dựng phát triển giao thông, thủy lợi kết hợp đê bao, kè sông, biển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mặt khác hình thành các dự án tổng hợp, liên vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phải xác định ra những đầu tư ít hối tiếc nhất và những chính sách ứng phó thông minh phù hợp với những khuyến nghị trong Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành khác liên quan tiến hành rà soát các dự án biến đổi khí hậu và thiên tai đang thực hiện trên toàn vùng. Đề xuất chương trình ứng phó biến đổi khí hậu tổng thể cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo định hướng tiếp cận tổng hợp, bền vững, liên vùng, dựa trên các khuyến nghị và tầm nhìn dài hạn. Trong đó cần xác định các dự án ưu tiên thực hiện những “giải pháp mềm”, phi công trình, như hệ sinh thái rừng ngập mặn và đảm bảo an ninh nguồn nước, nông nghiệp thông minh, năng lực của cộng đồng, bảo hiểm nông nghiệp… Chỉ xây dựng các “giải pháp cứng”, công trình khi bắt buộc phải sử dụng, xây dựng hệ thống đê ven biển, công trình thủy lợi điều tiết, phân lũ. Cũng như chủ động huy động được các nguồn lực để thiết lập một cơ chế tài chính cho Đồng bằng sông Cửu Long, cho phép và thúc đẩy đầu tư chiến lược đối với phát triển và biến đổi khí hậu.

Theo tính toán dựa theo kịch bản Biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu nước biển dâng 1m, có tới 38,29% diện tích đất tự nhiên và 32,16% diện tích đất nông nghiệp ở đây bị ngập.

Kết quả ước tính thiệt hại tiềm ẩn do mất đất sản xuất nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, đến năm 2100 nếu nước biển dâng 1m, vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng. Mặt khác, theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014 của Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đến năm 2030, nếu không có giải pháp ứng phó quyết liệt, khoảng 45% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn cục bộ, gây thiệt hại khoảng 17 tỉ USD trong nông nghiệp do lũ lụt và ngập úng.

 VĂN HÀO (TTXVN)

Chia sẻ bài viết