21/11/2015 - 14:17

CHƯƠNG TRÌNH “GIAO LƯU VĂN HÓA VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - NHẬT BẢN”

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG MỜI GỌI ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

Ngày 20-11, trong khuôn khổ Chương trình "Giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam-Nhật Bản" tại TP Cần Thơ năm 2015, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với Câu lạc bộ các Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch vùng ĐBSCL (gọi tắt là Mekong PC) tổ chức Hội nghị đầu tư vào vùng ĐBSCL thường niên lần thứ 3 năm 2015. Với chủ đề "Kinh tế ĐBSCL sau năm 2015-Tương lai kinh doanh và đầu tư ngành chế biến thực phẩm", hội nghị mở ra cơ hội xúc tiến quan trọng của vùng với nhiều đoàn đầu tư đến tìm hiểu thông tin, trao đổi cơ hội hợp tác đầu tư vào ĐBSCL.

Sức hút ĐBSCL

Hội nghị đầu tư vào vùng ĐBSCL ngày 20-11 thu hút hơn 80 đại biểu đại diện cho các tổ chức xúc tiến, tập đoàn, các công ty tư vấn tài chính, quỹ đầu tư đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đức, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Singapore... Gần 100 doanh nghiệp trong vùng cũng đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư với doanh nghiệp các nước. Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đánh giá: "ĐBSCL nằm ở trung tâm khu vực kinh tế ASEAN, có ưu thế về địa lý, nhiều khả năng, cơ hội thu hút đầu tư. Vùng ĐBSCL đồng thời nằm giữa Hồng Kông và Singapore nên cũng có khả năng phát triển thành trung tâm hậu cần trong tương lai. Một số doanh nghiệp Nhật Bản chọn ĐBSCL làm điểm đến do có lợi thế lớn về đất đai và nhân công rẻ. Hạ tầng giao thông của vùng ngày càng hoàn thiện, các địa phương trong vùng cũng chú trọng phát triển các khu công nghiệp để thu hút đầu tư". Còn ông Christop Lam, Quản lý dự án Công ty Tư vấn BDG (Cộng hòa Liên bang Đức), khẳng định: "ĐBSCL tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển này. Sự phát triển của ngành nông nghiệp thời gian qua nhất là ở lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản chứa đựng nhiều rủi ro nhưng vẫn có cơ hội để phát triển trong tương lai. Các địa phương ĐBSCL phải cung cấp cho được những thông tin tích cực để nhà đầu tư sẵn sàng chọn đây là điểm đến trong tương lai".

Các gian hàng trưng bày giới thiệu văn hóa, ẩm thực Nhật Bản thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: MINH HUYỀN

Theo đánh giá của nhiều tổ chức xúc tiến đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài, thời gian gần đây, ĐBSCL đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách trong thu hút đầu tư. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: "Những nút thắt về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh của vùng đã được cải thiện đáng kể. Môi trường kinh doanh đã cải thiện thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của cả vùng đã được cải thiện mạnh từ năm 2010, trung bình có 2-3 tỉnh trong vùng nằm trong tốp 5, có từ 4-5 tỉnh nằm trong tốp 10 cả nước". Những thay đổi này, cùng với tiềm năng sẵn có của ĐBSCL, nếu được khai thác tốt thì ĐBSCL sẽ có vị thế khác trong tương lai.

Hợp tác để giảm rủi ro

Nông nghiệp là ngành gắn liền với sự phát triển chung của toàn vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, nông nghiệp được xem là ngành dễ bị tổn thương do biến động thị trường, tác động của biến đổi khí hậu, khả năng đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc JETRO, cho rằng: "Trong quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam về nông nghiệp, Chính phủ 2 nước cần thắt chặt quan hệ hợp tác thông qua ký kết các biên bản ghi nhớ để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã giảm bớt rủi ro khi đầu tư sản xuất; tổ chức các hoạt động chuyển giao kỹ thuật trên cơ sở tận dụng các nghiên cứu về nông lâm thủy sản tại Nhật Bản, phổ biến kỹ thuật canh tác để áp dụng vào thực trạng sản xuất của vùng ĐBSCL".

Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, kinh tế của vùng ĐBSCL có thể tăng trưởng tốt trong thập kỷ tới và có thể ngang bằng với mức tăng trưởng chung của quốc gia. "Vấn đề là ĐBSCL phải phát triển nông nghiệp trên nền tảng vững chắc, các địa phương có thể đầu tư phát triển những ngành phái sinh từ nông nghiệp như: công nghệ sinh học, cơ khí và dịch vụ nông nghiệp, chế biến thực phẩm"- ông Dũng nói. Cùng quan điểm này, ông Kim Chan Young, Phụ trách Tư vấn đầu tư của Tổ chức Xúc tiến Đầu tư Hàn Quốc, cho biết: "Các địa phương muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư cần cung cấp thông tin đầy đủ và chi tiết hơn nữa, phải nhấn mạnh vào lĩnh vực địa phương có thế mạnh. Thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến là thế mạnh của vùng cũng phải xác định rõ là địa phương cần mời gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào công đoạn nào, nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ ra sao. Có như vậy mới thu hút được những nhà đầu tư thực sự quan tâm và có nhu cầu hợp tác". Thực tế, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư vào ĐBSCL rất quan tâm đến hạ tầng kết nối giữa các địa phương với TP Hồ Chí Minh do yêu cầu cao về tiêu thụ nhanh các sản phẩm hàng hóa xuất nhập khẩu đòi hỏi phải có hạ tầng giao thông kết nối thông suốt, rút ngắn thời gian và các chi phí vận chuyển.

Nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, để ĐBSCL thật sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, ngoài đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, còn đòi hỏi sự quyết tâm của chính quyền các địa phương trong vùng ĐBSCL. Đồng thời, có nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với xu thế phát triển mới và để đánh giá đúng tiềm năng của vùng, phát huy thế mạnh đưa ĐBSCL phát triển vững chắc hơn.

MINH HUYỀN - MỸ THANH

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Võ Thành Thống: Hội nghị đầu tư vào vùng ĐBSCL thường niên lần thứ 3 năm 2015 chính là cơ hội trao đổi 2 chiều giữa các địa phương với các nhà đầu tư. Các tỉnh thành vùng ĐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ sẽ cung cấp thông tin về định hướng phát triển và giới thiệu các dự án đang có nhu cầu mời gọi, hợp tác đầu tư. Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành cũng rất mong muốn lắng nghe những thông tin quý báu và ý kiến chân thành của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh chung của toàn vùng và của từng địa phương.

Chia sẻ bài viết