26/09/2017 - 22:05

Đồng bằng sông Cửu Long cần cuộc chuyển đổi lớn 

Các đại biểu tham dự “Hội nghị Diên Hồng” về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), đã tập trung luận bàn về chiến lược phát triển bền vững cho ĐBSCL.

Thách thức nội tại

 Các chuyên gia chỉ ra ĐBSCL hiện không chỉ đối mặt với nhiều thách thức từ điều kiện tự nhiên, BĐKH và nước biển dâng mà còn chịu các tác động kép từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong và các hoạt động nhân sinh khác, cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý Nhà nước còn bất cập.

Thời gian qua, nông dân tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL chuyển đổi từ canh tác lúa sang trồng các loại cây ăn trái giúp mang lại hiệu quả cao và thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: KHÁNH TRUNG

BĐKH, nước biển dâng cùng sự thay đổi dòng chảy và lượng phù sa, bùn cát từ sông Mekong đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển bền vững của vùng ĐBSCL. Các  nước ở thượng nguồn sông Mekong đã và đang xây dựng nhiều hồ thủy điện, thủy lợi và công trình chuyển nước, làm lượng nước và phù sa, bùn cát bị giảm mạnh gây nhiều hệ quả xấu cho ĐBSCL. Mức độ và cường độ xảy ra xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún đất đang báo động, suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản, gia tăng các điều kiện khí hậu cực đoan và thiên tai...

ĐBSCL cũng đang chịu áp lực gia tăng nguy cơ khan hiếm nước, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước do tăng dân số và phát triển các hoạt động sản xuất, đất sản xuất nông nghiệp cũng ngày càng bị thu hẹp. Theo các chuyên gia, trong tương lai không xa, khoảng 40% diện tích đất tại ĐBSCL có thể bị ngập vĩnh viễn do nước biển dâng, đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân.

Theo Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tại vùng ĐBSCL đã tăng khoảng 0,50C, nước biển dâng khoảng 20cm, dự kiến đến cuối thế kỷ này có thể lên 75cm.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại ĐBSCL đã hiện hữu và sẽ còn tiếp tục xảy ra nghiêm trọng trong thời gian tới, nhất là các tháng mùa khô. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước còn chưa hợp lý và còn thiếu các chiến lược mang tính tổng thể, bền vững lâu dài.

Hiện nay, ĐBSCL chưa có quy hoạch tài nguyên nước toàn vùng, cũng như chưa kiểm soát, giám sát chặt các hoạt động khai thác, sử dụng nước và kiểm soát tình trạng ô nhiễm nguồn nước, nhất là các kênh rạch nhỏ. Các quy hoạch chuyên ngành có sử dụng nước như: chống lũ, thủy lợi và các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thiếu thống nhất, chưa phù hợp với các yêu cầu chung để quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước cho toàn vùng.

Cần quyết sách kịp thời

 Thời gian qua, các cấp chính quyền ở Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong ứng phó BĐKH và đã triển khai nhiều chương trình, dự án về phát triển và bảo vệ ĐBSCL. Tuy nhiên, những nỗ lực này còn nhỏ lẻ, thiếu động bộ, thiếu liên kết và còn mang tính ngắn hạn.

Giáo sư Trần Thục cho rằng, cần có một định hướng tổng thể cho sự chuyển đổi trong phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ĐBSCL trước các thách thức và các tác động. Chuyển đổi phải là kế hoạch dài hạn và ở quy mô lớn về không gian cũng như đối tượng cần chuyển đổi. Trong đó, việc thực hiện liên kết vùng đóng một vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của chuyển đổi.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể, nêu đề xuất, BĐKH và nước biển dâng đang đe dọa sinh kế của người dân và ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống dựa vào nước ngọt. Chính phủ cần có các cơ chế chính và giải pháp hỗ trợ người dân về vốn, khoa học kỹ thuật. Đồng thời thông tin, dự báo tình hình, hỗ trợ đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng… để ứng phó BĐKH và chuyển đổi sản xuất hiệu quả.

Về cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, nêu quan điểm: “ĐBSCL có nhiều cơ hội để chuyển đổi sản xuất, nhất là chuyển đổi từ cây lúa sang phát triển các loại thủy sản, hoa màu, cây ăn trái giúp mang lại giá trị cao và thích ứng BĐKH. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần phải kịp thời giúp nông dân khắc phục các hạn chế trong quá trình sản xuất, nhất là việc tiếp cận các nguồn cây con giống đảm bảo chất lượng và đảm bảo đầu ra sản phẩm”.

Theo ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc quản lý, sử dụng nguồn nước ĐBSCL trong tương lai cần đặt trong bối cảnh mới. Cần quy hoạch tài nguyên nước vùng ĐBSCL theo hướng sử dụng tổng hợp nguồn nước, hài hòa với các hệ sinh thái chủ đạo lũ-ngọt-mặn ở từng vùng và phải với tầm nhìn đến hết thế kỷ này.

Ông Hoàng Văn Bẩy cũng cho rằng các quy hoạch phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản đối với từng tiểu vùng: sống chung với lũ-tại vùng trên; bảo đảm nước ngọt, chống lũ an toàn-tại vùng giữa; sống chung với mặn, lợ ở vùng ven. Đồng thời xây dựng các hệ thống giám sát, dự báo cảnh báo sớm diễn biến nguồn nước, thiên tai để chủ động ứng phó.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết