28/07/2016 - 21:58

Donald Trump lại “gây bão” dư luận

Mặc dù Nga đã bác bỏ cáo buộc xâm nhập mạng điện tử của đảng Dân chủ Mỹ, nhưng ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump (ảnh) trong phát ngôn gây sốc đã "khuyến khích" Nga truy tìm hàng chục ngàn "email còn mất dấu" trong thời gian đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton làm Ngoại trưởng Mỹ…

Mục đích làm mất uy tín đối thủ

Vấn đề ông Trump đề cập hôm 27-7 liên quan email riêng không được bà Clinton công bố khi còn làm Ngoại trưởng giai đoạn 2009-2013. Hồi năm 2015, bà Clinton đã nộp cho giới chức Mỹ dữ liệu hàng ngàn email đã gửi đi. Tuy nhiên, cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ được cho đã xóa khoảng 30.000 email mà bà nói là "cá nhân và không liên quan công việc".

Trong tuyên bố mang tính khiêu khích, ông Trump hy vọng Nga có thể tìm ra 30.000 email trên và rằng truyền thông Mỹ có thể thưởng hậu hĩnh nếu họ làm được điều này. Theo ông Trump, dù "Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác" có được "email mất dấu" của bà Clinton thì ông cũng rất muốn nhìn thấy chúng. Ngoài ra, ứng viên đảng Cộng hòa cũng lên tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng WikiLeaks công bố email về vụ lãnh đạo đảng ưu ái bà Clinton so với đối thủ là được sự chỉ đạo của Nga để can thiệp vào bầu cử ở Mỹ.

Phát ngôn gây sốc của tỉ phú 70 tuổi đã dấy lên làn sóng tranh cãi, đặc biệt tại hội nghị đảng Dân chủ với cáo buộc từ chiến dịch của bà Clinton rằng ông Trump "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và âm mưu với thế lực đối kháng của Mỹ". Phát ngôn viên Jason Miller của ông Trump đã cố gắng áp chế làn sóng phản đối khi cho rằng ý kiến trên không phải đốc thúc Nga tấn công email bà Clinton mà chỉ kêu gọi ai sở hữu chúng có thể giao nộp cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Ông Trump trong thông điệp trên Twitter cũng có lời kêu gọi tương tự, rằng nếu ai sở hữu email của bà Clinton thì nên chia sẻ với FBI.

Nhưng xem ra đã "phản tác dụng"

Có thể nói, mục đích tuyên bố của ông Trump là nhằm tấn công bà Clinton và khuấy động thêm chỉ trích tại đại hội đảng Dân chủ sau bê bối gần đây. Tuy nhiên, ý kiến của ông ngược lại hứng chịu làn sóng phản đối từ dư luận, bao gồm giới quan chức tình báo. Diễn biến này cũng tạo điều kiện để chiến dịch tranh cử của bà Clinton lật ngược tình huống, xoa dịu mâu thuẫn nội bộ và khắc họa sự tương phản trong chính sách đối ngoại của bà Clinton so với chiến lược được cho là "thiếu kiến thức, cách tiếp cận không ổn định, không thích hợp và nguy hiểm" của ứng viên đảng Cộng hòa.

Theo cố vấn chính sách cấp cao Jake Sullivan của bà Clinton, đây là lần đầu tiên một ứng viên tổng thống "tích cực" khuyến khích thế lực nước ngoài tiến hành hoạt động gián điệp chống lại đối thủ chính trị của mình. "Nó không còn là vấn đề hiếu kỳ hay chính trị, mà trở thành vấn đề an ninh quốc gia" – ông Sullivan nhấn mạnh. Trong khi đó, Michael Hayden – cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dưới thời Tổng thống George Bush cho rằng nhận xét của ông Trump là "có vấn đề".

Trả lời phỏng vấn CNN trước khi đăng đàn phát biểu tại hội nghị đảng Dân chủ, cựu Giám đốc CIA Leon Panetta cũng lên án phát ngôn của ông Trump "vượt giới hạn cho phép". Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng nhận xét của ông Trump làm người ta nghi ngờ về lòng trung thành với tổ quốc, bởi không có ứng viên nào lại yêu cầu quốc gia khác tiến hành tấn công mạng hoặc gián điệp chống lại nước Mỹ để lấy thông tin ứng viên khác, gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Theo ông Panetta, điều này nằm ngoài sự hiểu biết về "những trách nhiệm mà ứng cử viên phải trung thành với đất nước" và ông Trump "không đủ tư cách để trở thành tổng thống".

MAI QUYÊN (Theo Reuters, CNN)

Chia sẻ bài viết