07/12/2013 - 09:39

Đờn ca tài tử Nam bộ
Di sản của nhân loại

Trong chương trình phiên họp của UNESCO về các vấn đề Di sản Văn hóa Phi vật thể diễn ra tại Baku, nước Cộng hòa Azerbaijan, ngày 5-12, UNESCO đã chính thức công nhận Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ- Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là tin vui với người dân Nam bộ mà còn là tin vui của cả dân tộc Việt Nam. Loại hình nghệ thuật đậm chất tài tử miệt vườn sông nước Nam bộ tồn tại suốt hàng trăm năm qua, nay đã được vinh danh khắp thế giới.

Trăm năm tiếng đờn, lời ca

Đến nay, chưa có công trình, tài liệu nghiên cứu nào xác định chính xác thời gian và địa điểm ra đời của ĐCTT của Nam bộ. Trong một số tài liệu của các nhà nghiên cứu như: Sơn Nam, Vương Hồng Sển… chỉ xác định: ĐCTT có trên mảnh đất phương Nam vào khoảng cuối thế kỷ 19, xuất phát từ các nhạc sĩ, nhạc quan của triều đình Huế trong quá trình Nam tiến đã mang theo những điệu thức của nhã nhạc, ca Huế…

Ban đầu, ĐCTT Nam bộ còn khá đơn giản về hơi điệu và bài bản, chủ yếu là những bài bản đặc trưng của nhạc lễ cung đình như: Long Đăng, Long Ngâm, Vạn giá… Đến những năm đầu thế kỷ 20, ĐCTT Nam bộ được đông đảo người dân ưa thích. Một số nhóm ĐCTT nổi danh thời ấy như ban ĐCTT Vĩnh Kim, Cái Thia, Vĩnh Long hay ở Bạc Liêu, Long An, Thủ Dầu Một… Căn cứ vào vị trí địa lý, những năm đầu thế kỷ 20, hình thành 2 nhóm ĐCTT rõ rệt là nhóm ĐCTT miền Đông do nhạc sư Nguyễn Quang Đại (tức Ba Đợi) quy tụ và nhóm ĐCTT miền Tây do nghệ nhân Trần Quang Quờn (tự Thầy Ký Quờn) làm trưởng nhóm. Cả hai nhóm này sau khi đã quy tụ đông đảo người mộ điệu thì quan tâm đến việc viết lời mới, sáng tác những bài bản mới dựa trên những bài bản nhạc lễ và truyền bá ĐCTT sâu rộng trong công chúng.

ĐCTT đang phát triển mạnh trong đời sống người dân Nam bộ. Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt của CLB ĐCTT xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Cốt lõi của nghệ thuật ĐCTT là 20 bài bản Tổ gồm: 3 Nam (Nam Xuân, Nam Ai + Nam Ai Lớp Mái , Đảo Ngũ Cung + Song Cước), 6 Bắc (Lưu Thủy, Xuân Tình, Phú Lục, Bình Bán, Tây Thi, Cổ Bản), 7 Lễ (Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Ðối Hạ, Long Ðăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc), 4 Oán (Tứ Ðại Oán, Giang Nam, Phụng Cầu Hoàng, Phụng Hoàng; 4 bài Oán phụ gồm: Văn Thiên Tường, Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên, Xuân Nữ). Dù nói ĐCTT có nguồn gốc từ nhạc lễ triều đình nhưng khi vào đến miền Nam thì tiếng đờn đã thay đổi, một số bài bản tuy cùng tên nhưng khác chữ nhạc, cung phím. Tính cách hào sảng, phóng khoáng, cảnh vật trù phú của đất và người Nam bộ đã giúp cho các bài bản tài tử "thêm hoa thêm lá" - chữ dùng của Giáo sư Trần Văn Khê - tạo nên một "đặc sản âm nhạc" của Nam bộ. Đặc biệt, sự biến chuyển trong cách ca diễn và môi trường diễn xướng đã làm nên nét dân dã mà bác học của ĐCTT. ĐCTT không còn trình diễn nơi cung vua, phủ chúa mà được tài tử Nam bộ mang ra ngoài đồng ruộng, bên lũy tre làng và trở thành "tiếng lòng của người phương Nam".

Nhạc cụ dùng trong đờn ca tài tử thường gồm: đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn tỳ bà, đờn sến, đờn độc huyền... và gõ nhịp song lang.Vào khoảng năm 1930 có thêm cây đờn ghi ta phím lõm, Hạ Uy Di được cải biên đưa vào nhạc tài tử. Các tài tử đờn thường ngồi cùng nhau trên bộ ván hoặc chiếu để biểu diễn với phong cách đờn ca thảnh thơi, "rỉ rả", dựa trên cái khung bài bản cố định gọi là "lòng bản".

Mới đây, hai nhà nghiên cứu người Úc gốc Việt- Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp vừa cho ra mắt quyển sách "Hát bội, đờn ca tài tử, cải lương cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20". Trong đó, hai tác giả đã thông tin về ban ĐCTT Nam bộ đầu tiên Việt Nam biểu diễn nước ngoài vào đầu thế kỷ 20. Đó là ban ĐCTT của ông Nguyễn Tống Triều ở Mỹ Tho, tham gia Hội chợ đấu xảo thuộc địa Marseille và đệm đờn tài tử cho vũ công Pháp múa "Vũ khúc Đông Dương" ("Danse de Indo-chine"). Đến khoảng đầu những năm 1960, một đĩa thu âm nghệ thuật ĐCTT đã được Giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu với UNESCO. Sau đó không lâu, dưới thương hiệu "Tuyển tập UNESCO", đĩa thu âm của nghệ nhân dân gian Bạch Huệ gồm 11 bài bản ĐCTT có tiêu đề "Viet Nam traditions of the South" cũng được phát hành trên thế giới và được yêu thích.

Giữ gìn và phát huy

Theo hồ sơ quốc gia trình UNESCO, hiện cả nước có 21 tỉnh, thành ở Nam bộ có ĐCTT với hơn 2.000 CLB, đội, nhóm sinh hoạt đều đặn và có hoạt động truyền nghề, dạy nghề. Trong đó, một số địa phương như: Bạc Liêu, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… có phong trào ĐCTT phát triển mạnh. Cụ thể, ở Bạc Liêu, tính đến đầu năm 2013, toàn tỉnh có 227 CLB ĐCTT với hơn 2.000 thành viên: gần 500 nghệ nhân đờn và hơn 1.500 nghệ nhân ca. Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 199 CLB, đội, nhóm ĐCTT đang sinh hoạt đều đặn.

Một gia đình 3 thế hệ ĐCTT tại Liên hoan ĐCTT Nam bộ 2012 được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long.

Một tín hiệu đáng mừng là trong những năm gần đây, phong trào ĐCTT ở Nam bộ phát triển mạnh và lực lượng tài tử ngày càng trẻ hóa. Điều đó được thể hiện qua các kỳ liên hoan ĐCTT. Theo thống kê, hiện có hơn 20 liên hoan ĐCTT của các tỉnh, thành phố được tổ chức hằng năm hoặc cách năm. Điển hình như tại Liên hoan ĐCTT TP Cần Thơ năm 2013, 9 ban ĐCTT của các quận, huyện với hàng trăm nghệ nhân đờn, ca đã mang đến nhiều tiết mục đặc sắc. Một số thí sinh chỉ mới lên 10 nhưng có chất giọng và vận dụng điệu thức một cách rành rọt. Hay như ở Liên hoan ĐCTT Nam bộ năm 2012 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức có sự tham gia của 16 tỉnh, thành với hơn 500 nghệ nhân. Rất nhiều tiết mục do các thành viên trong gia đình, ông bà - con cháu cùng nhau "lên Xang xuống Xự" mang đến niềm tin về sự tồn tại của ĐCTT.

Trên con đường tiến tới danh hiệu "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ngành văn hóa các địa phương đã có nhiều hoạt động quảng bá ĐCTT với người mộ điệu trong và ngoài nước. Một số hoạt động đáng chú ý trong nước như: trình diễn ĐCTT tại Quốc giỗ Hùng Vương, Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng- Hải Phòng 2013 và mới đây nhất là ĐCTT được giới thiệu tại Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong chương trình "Tái hiện chợ nổi Nam bộ"… Nhưng có lẽ, 3 sự kiện quan trọng nhất trong lộ trình quảng bá ĐCTT trong năm 2013 là việc đoàn nghệ nhân ĐCTT TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bạc Liêu tham gia trình diễn, giới thiệu về Nghệ thuật ĐCTT tại "Diễn đàn Đối thoại liên văn hóa thế giới lần thứ 2" tổ chức tại Baku, Azerbaijan vào tháng 6; đoàn nghệ nhân ĐCTT TP Hồ Chí Minh trình diễn tại Hội nghị của Hội đồng Âm nhạc truyền thống thế giới lần thứ 43 tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc vào tháng 7; và vào đầu tháng 11 này, các nghệ nhân ĐCTT xứ Bạc Liêu đã trình diễn, quảng bá về ĐCTT tại Mỹ.

Một vấn đề đáng chú tâm trong việc bảo tồn ĐCTT là nghệ nhân đờn. Ngoài những nhạc sư thượng thặng như: nhạc sư Vĩnh Bảo, danh cầm Ba Tu, danh cầm Văn Vỹ… còn có lực lượng kế thừa khá dồi dào, như: Hai Lợi (Cần Thơ), Hai Quýt (Vĩnh Long), Tư Loan (Bạc Liêu)… Có nghe nghệ nhân Tư Loan độc tấu đờn kìm bản Nam Ai hay tiếng đờn tranh trầm bổng của nghệ nhân Hai Lợi mới cảm nhận được hết sức hấp dẫn của ĐCTT. Hiện nay, những nghệ nhân này vẫn đang cố gắng truyền nghề, đào tạo lớp kế thừa. Nghệ nhân Tư Loan nói: "ĐCTT có sức hút mạnh đối với tôi. Lao động mệt mỏi mà đờn vài câu là nhẹ lòng liền. Học trò của tôi nhiều đứa giờ cũng đờn giỏi lắm!".

* * *

Đầu năm 2014, Festival ĐCTT Nam bộ lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu. Ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho biết: "Tỉnh đang gấp rút chuẩn bị các công việc tổ chức festival, trong đó chú trọng đến việc duy trì, thành lập thêm nhiều CLB ĐCTT và quảng bá ĐCTT trong và ngoài nước. Qua festival này, chúng tôi mong muốn ĐCTT sẽ đi sâu vào lòng của người dân Nam bộ nói riêng, cả nước nói chung". ĐCTT Nam bộ- di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại- sẽ trổi lên những khúc nhạc vui, tạo sức sống mới để loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian này phát triển. Mong rằng tiếng đờn, lời ca của nghệ thuật ĐCTT sẽ còn ngân mãi trong đời sống đương đại.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

 

Chia sẻ bài viết