15/04/2009 - 21:42

Đôi vợ chồng già bệnh tật chỉ sống nhờ... dừa!

Trong căn chòi lá nhỏ, chỉ nhỉnh hơn 4m2, vách và trần nhà rất nhiều lỗ thủng “tài sản” gồm 1 cái chõng ọp ẹp, 2 cái lò, vài cái nồi, ít chén đũa cũ kỹ, vợ chồng ông Lê Văn Tiểu đang ngồi xổm dưới nền đất nứt nẻ ăn cơm trưa với nồi canh khổ qua, chảo cá kho ăn suốt mấy ngày được bày ra không cần mâm, dĩa. Ông lo lắng: “Vợ chồng tui sống qua ngày nhờ nghề bẻ dừa mướn nhiều năm qua. Nhờ trời, tuy đã già nhưng tui còn khỏe lắm, đám trẻ chưa chắc leo giỏi bằng tui. Vậy mà lần này, bệnh “vật” tui quá xá, nằm ở nhà mà phập phồng lo: không đi làm, tiền đâu xoay xở.

Năm nay, ông Tiểu ở ấp Thới Xuân, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), đã gần 60 tuổi, với trên 40 năm sống nghề bẻ dừa mướn. Cha mẹ qua đời, để lại cho ông và em trai 2,5 công ruộng, ông nhường cho em trai làm, còn mình thì giong ruổi làm mướn khắp nơi, tự kiếm tiền nuôi vợ và hai con. Quần quật làm mướn nhưng cuộc sống cứ luôn thiếu hụt, lâm nợ nần, ông Tiểu đành phải bán căn nhà đang ở để trả nợ, che chòi ở tạm. Ông Tiểu buồn bã, nói: “Thấy tui cực khổ quá nên bà con trong xóm cho ở nhờ trên đất họ đến nay”. Chuyên ở trần dưới nắng gắt, mưa dầm, làn da ông Tiểu đen nhẻm, khô cháy bao bọc thân hình gầy guộc, nhỏ thó, nhưng ông leo dừa nhanh thoăn thoắt, chỉ trong nháy mắt đã đến ngọn, bẻ gọn từng trái dừa.

Có được bữa ăn đạm bạc như thế này đối với vợ chồng ông Tiểu đã là may mắn! 

Ông buồn xo, uể oải, trợn trạo nuốt cơm, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn quanh căn nhà trống hoác, thở dài thườn thượt. Ngồi cạnh bên, vợ ông, bà Nguyễn Thị Út Em lặng lẽ và cơm, chốc chốc gắp cho ông Tiểu miếng cá, giọng ngọng nghịu bảo cố ăn cho lại sức. Người dân ở đây cho biết: Vợ trước của ông Tiểu đã qua đời gần 20 năm nay. Hai người con của ông Tiểu đã có gia đình, ở TP Hồ Chí Minh làm công nhân, thu nhập chỉ đủ trang trải chi tiêu. Ông Tiểu sống trong cô quạnh đến khi gặp và gá nghĩa vợ chồng với bà Út Em cho đến nay. Bà Út Em nghễng ngãng, lúc nhớ, khi quên, không làm được việc gì. Chỉ mỗi việc cơm nước, giặt quần áo hàng ngày, ông Tiểu cũng phải dặn dò cẩn thận. Mỗi khi đi làm, ông cứ lo canh cánh sợ bà lơ đễnh, sơ suất lửa củi làm cháy nhà thì sẽ khổ thêm. Ông Tiểu bảo bà Út Em lo ăn cơm, đừng gắp thức ăn cho ông nữa, rồi nói: “Hồi trước, tui mà hổng đưa bà ấy về nhà, bà đi lang thang khắp nơi, chẳng biết giờ ra sao...”.

Thương hoàn cảnh nghèo khó, bà con trong xóm cần bẻ dừa bán là gọi ông Tiểu và giới thiệu thêm nhiều mối quen, xa mấy ông cũng tìm tới, không nệ hà xa xôi, vất vả. Giá bẻ một chục dừa là 5.000 đồng, thu nhập khi vầy khi khác nên ông Tiểu phải tranh thủ làm mướn, kiếm thêm. Gần đây, sức khỏe có phần suy giảm, ông Tiểu không thể cắt lúa mướn được nữa nên cuộc sống thêm phần chật vật. Chưa kể, đôi khi ông Tiểu vô ý làm nứt trái dừa, chảy nước, ông phải bồi thường, hết cả tiền công. Bị ong chích là chuyện thường, trên mình ông Tiểu còn lưu lại nhiều vết sẹo, không may gặp phải ong vò vẽ, bị hành nóng lạnh, nghỉ mấy ngày xem như nhịn đói. Giọng ông dàu dàu: “Tui đang nghĩ đến ngày không còn sức khỏe để leo bẻ dừa thì biết làm nghề gì sống đây. Dù tiền công kiếm được không bao nhiêu, nhưng có còn hơn không”.

Đáng ngại nhất là vợ chồng ông Tiểu đều có bệnh trong người nhưng không có tiền đi khám bệnh, chỉ uống thuốc Nam rồi thuốc Tây qua loa mỗi khi trở bệnh. Ngoài bệnh trĩ kinh niên, thường xuyên đi tiêu ra máu, gần đây ông Tiểu thường bị đau lói hai bên hạ sườn, ăn ít và tiêu hóa chậm. Ông sợ đi khám bệnh và lo phải nghỉ làm nên cố chịu đựng, chỉ uống thuốc giảm đau qua cơn. Bà Út Em thì uống thuốc Nam trị bệnh đau bao tử dây dưa bao năm nay. Theo ông Tiểu, trước mắt, ông cố làm và dành dụm 500.000 đồng để mua lá lợp lại căn chòi trước khi mùa mưa đến, không dám nghĩ đến việc điều trị bệnh và thôi thì “đến đâu hay đến đó”...

Chỉ chúng tôi mấy thùng các tông xin ở chợ để khi hết bệnh sẽ chèn đỡ vào các chỗ thủng trên mái nhà trước khi mùa mưa đến, ông Tiểu ước có được món tiền để lợp lại mái nhà, khám và điều trị bệnh, nhanh chóng phục hồi sức khỏe, tiếp tục cuộc mưu sinh. Rất mong sự tiếp giúp của các nhà hảo tâm xa gần để vợ chồng ông Tiểu có cơ hội thực hiện ước muốn.

Bài, ảnh: KỲ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết