23/06/2018 - 06:15

Đối tác, đồng minh đồng loạt “trả đũa” Mỹ 

Kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 3,3 tỉ USD chính thức có hiệu lực từ hôm qua 22-6. Đây là diễn biến mới nhất trong loạt hành động “trả đũa” có nguy cơ leo thang thành cuộc chiến thương mại giữa Washington và các đối tác.

Rượu whisky cùng nhiều mặt hàng tiêu biểu của Mỹ sẽ bị đánh thuế cao khi xuất khẩu sang EU. Ảnh: AP
Rượu whisky cùng nhiều mặt hàng tiêu biểu của Mỹ sẽ bị đánh thuế cao khi xuất khẩu sang EU. Ảnh: AP

Theo đó, EU sẽ áp mức thuế 25% lên một số hàng hóa của Mỹ chẳng hạn thuốc lá, rượu whisky, xe máy Harley Davidson và các nông sản như bắp, trái nam việt quất, nước cam và bơ đậu phộng. Riêng ngành may mặc với sản phẩm gồm giày dép, quần áo hoặc thiết bị điện tử như máy giặt sẽ chịu mức thuế 50%. Ngoài ra, EU cũng đánh thuế một số mặt hàng mỹ phẩm cùng những sản phẩm công nghiệp như thép cán và thép không gỉ.

Động thái này của châu Âu, theo Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom, là do khối 28 quốc gia “không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc áp thuế đáp trả quyết định “đơn phương và bất công” của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Diễn biến này dấy lên quan ngại căng thẳng thương mại có thể leo thang thành cuộc chiến thật sự trong bối cảnh quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương vốn đang ở mức thấp nhất do bất đồng quan điểm trong hàng loạt vấn đề từ thuế quan, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran đến việc Mỹ dời đại sứ quán ở Israel tới Jerusalem. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu về thương mại Jyrki Katainen, việc EU áp thuế lên những mặt hàng này là do người dân vẫn có thể chọn những sản phẩm khác thay thế trên thị trường. Mặt khác, ông cho rằng đánh thuế các sản phẩm kể trên sẽ tác động mạnh mẽ về mặt chính trị. Được biết, xe máy Harley Davidson, bơ đậu phộng và rượu whisky đều là những sản phẩm chủ lực tại những bang có tỷ lệ ủng hộ cao dành cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Theo BBC, quan điểm của ông Trump cho rằng xảy ra tình trạng thâm hụt thương mại đồng nghĩa Mỹ đang bị thiệt hại. Ông chủ Nhà Trắng đặc biệt không hài lòng trước con số thâm hụt thương mại nặng nề của nước này với Trung Quốc và Mexico. Do đó, Tổng thống Trump vào tháng 3 đã ký sắc lệnh đánh thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhằm ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào tiếp tục “lợi dụng” Washington về thương mại. Trung Quốc và Mỹ đang bên bờ vực chiến tranh thương mại khi hai bên liên tục áp thuế cao lên hàng nhập khẩu của nhau trị giá hàng trăm tỉ USD.

Theo các nhà kinh tế, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng trong những năm gần đây. Nhưng nó cũng có thể là kết quả của phát triển kinh tế với sức mua của người tiêu dùng Mỹ mạnh hơn. Mục tiêu mà chính quyền Trump đưa ra biểu thuế mới là nhằm điều chỉnh sự mất cân bằng, nhưng giới tài chính quan ngại nó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại trên toàn cầu khi các nền kinh tế lớn khác bắt đầu lên tiếng thách thức chính sách thuế quan của Mỹ.

Ngoài EU, Nga cách đây 2 ngày đã áp thuế nhập khẩu trả đũa Mỹ sau khi một số doanh nghiệp trong nước yêu cầu chính phủ hỗ trợ do ảnh hưởng bởi thuế nhôm và thép. Trước đó, Canada và Mexico cũng công bố các biện pháp “ăn miếng trả miếng” nhắm vào hàng tỉ USD hàng hóa Mỹ. Ấn Độ gần đây có động thái tương tự khi công bố áp thuế đối với 20 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 240 triệu USD. Theo thông báo của Bộ Tài chính Ấn Độ, thuế áp lên đậu xanh nhập khẩu từ Mỹ sẽ tăng lên 60% trong khi đậu lăng là 30%. Một số mặt hàng khác cũng chịu mức thuế cao hơn gồm táo, quả óc chó, tôm cùng các sản phẩm ngành hóa chất và công nghiệp... Thực tế, mức thuế trả đũa này có thể áp dụng ngay lập tức nhưng việc Ấn Độ dời ngày có hiệu lực đến tháng 8 cho thấy New Delhi hy vọng có thể đạt tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Washinton dự kiến bắt đầu vào cuối tháng này.

Mới đây nhất, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara từ ngày 21-6 bắt đầu áp thuế nhập khẩu cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 267 triệu USD. Nằm trong danh mục bị áp thuế bao gồm than, giấy, quả óc chó, hạnh nhân, thuốc lá, gạo chưa qua chế biến, rượu whisky, ô tô, mỹ phẩm, thiết bị máy móc, sản phẩm hóa dầu cùng hàng loạt mặt hàng khác. Theo Bộ trưởng Kinh tế Nihat Zeybekci, tổng số thuế mà nước này áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu Mỹ tương đương “phí bổ sung” Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh do thuế nhập khẩu nhôm và thép mà Washington đặt ra.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết