01/07/2018 - 10:19

Đội quân robot đe dọa việc làm của lao động Trung Quốc 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2014 đã kêu gọi nước này triển khai một “cuộc cách mạng robot” trong sản xuất. Hiện cuộc cách mạng này đang được tiến hành, giúp thúc đẩy năng suất sản xuất nhưng đồng thời nó cũng mang lại nhiều  hệ lụy.

Robot nhảy múa tại một triển lãm ở Trung Quốc gần đây. Ảnh: CNBC

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng, mức lương tại Trung Quốc ngày một gia tăng. Chẳng hạn, mức lương hàng tháng tối thiểu của lao động ở Thượng Hải là 2.420 nhân dân tệ (khoảng 366,62 USD), cao nhất ở Trung Quốc, gấp 2,5 lần so với mức lương cách đây 1 thập kỷ, trong khi dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) của Trung Quốc hiện chỉ là 998 triệu người và dự kiến giảm còn 800 triệu người vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc hồi năm 2016 đã triển khai một “đội quân” gồm 87.000 robot công nghiệp. Với lượng robot “khủng” này, tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng thêm 20% cho đến năm 2020.

Với khả năng phun sơn, nén khí, lắp ráp, tháo rời, hàn, đóng gói và theo dõi hàng hóa, robot có thể làm việc 24/7, không nghỉ lễ, phép, làm tăng hiệu quả, cải thiện chất lượng và giảm thiểu rủi ro. Các công ty Trung Quốc hiện không chỉ sử dụng robot như là công cụ sản xuất mà họ còn có thể chế tạo chúng theo tinh thần của chiến dịch quốc gia “Made in China 2025” (sản xuất tại Trung Quốc 2025) vốn được đưa ra nhằm khuyến khích các quy trình tự động và sản xuất thông minh.

Theo CNBC, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi mùa hè năm ngoái đã kêu gọi các công ty trong nước sản xuất ra nhiều robot hơn. Và với sự tài trợ và chính sách hỗ trợ của chính quyền trung ương và địa phương, khoảng 3.000 nhà sản xuất robot hoặc các nhà cung cấp giải pháp đã được triển khai trong giai đoạn 2014-2016. “Trọng tâm hiện nay của Trung Quốc là khuyến khích đổi mới, khuyến khích phát triển công nghệ hóa và robot, đồng thời khuyến khích các công ty sản xuất áp dụng robot trong dây chuyền sản xuất” - Jing Bing Zhang, Giám đốc nghiên cứu lĩnh vực robot của công ty tư vấn IDC, nhận định.

Đến nay, robot đã mang lại nhiều lợi nhuận cho các công ty trung Quốc. Theo đó, lợi nhuận trên mỗi công nhân robot tại các công ty tự động Trung Quốc trong năm 2016 là 48.000 USD. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tự động hóa có thể đe dọa 77% công ăn việc làm của người dân Trung Quốc. Song, một cuộc khảo sát mới đây của tổ chức truyền thông Dentsu Aegis Network, công dân Trung Quốc là những người lạc quan nhất thế giới trước tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với cuộc sống và công việc của họ, khi mà 2/3 số người được hỏi tin rằng robot và AI sẽ tạo ra thêm việc làm cho họ. Trong bối cảnh này, Jenny Chan, Phó giáo sư tại Đại học Bách khoa Hồng Công, cho rằng công tác đào tạo sẽ đóng vai trò cần thiết để tạo ra công ăn việc làm cũng như kỹ năng mới. Theo Phó giáo sư Chan, Trung Quốc đang rơi vào tình trạng bất bình đẳng thu nhập, tình trạng này sẽ trở nên trầm trọng thêm khi robot đóng vai trò chính trong sản xuất, từ đó tạo ra sự bất ổn định.

Để hạn chế tình trạng trên, Cai Fang, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng chính phủ nên đánh thuế các lao động robot để tài trợ cho các chương trình an ninh xã hội của người lao động bị ảnh hưởng. “Chúng ta phải giới hạn tốc độ và hạn chế hướng phát triển của robot để tránh bất kỳ tác động xấu nào đối với con người” – ông Fang nói. Trong khi đó, ông Zhang yêu cầu chính phủ Trung Quốc cần phải hành động sớm để suy nghĩ và lên kế hoạch cho xã hội, đất nước, đồng thời phải có kế hoạch giúp đỡ những người đang bị mất việc làm.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
robot