20/05/2018 - 10:12

Đối phó với viêm mũi dị ứng mùa hè 

Viêm mũi dị ứng là tình trạng thường gặp ở những người có cơ địa nhạy cảm với các tác nhân gây dị ứng điển hình như phấn hoa, bụi, bào tử nấm mốc... phát tán trong không khí và xuất hiện nhiều vào mùa hè khi thời tiết khô, nóng, nhiều gió. Khoảng 10-25% dân số thế giới bị viêm mũi dị ứng dạng này, với các triệu chứng phổ biến như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mắt, ngứa tai, da nổi mẩn ngứa... Để giảm thiểu những tác động khó chịu vừa nêu, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp sau:

Phấn hoa là tác nhân lớn nhất gây viêm mũi dị ứng. Ảnh: Ctidoma.cz

Tắm gội thường xuyên

Hãy nhớ tắm gội sạch sẽ sau khi về đến nhà nhằm rũ bỏ các tác nhân gây dị ứng có thể bám vào tóc, da và quần áo trong thời gian rong ruổi ngoài đường. Nên giặt sạch ga trải giường, áo gối và phơi dưới ánh nắng mỗi tuần.

Giữ không khí trong nhà sạch

Hạn chế mở cửa nhà để tránh phấn hoa và bụi lọt vào bên trong, nếu có điều kiện thì nên trang bị máy hút ẩm để giữ cho không khí trong nhà luôn khô ráo, chống nấm mốc. Thường xuyên hút bụi, vệ sinh nhà cửa nhằm bảo đảm môi trường trong nhà luôn sạch sẽ.

Cẩn thận khi phơi quần áo và làm vườn

Tránh phơi quần áo ở những không gian có khả năng xuất hiện nhiều phấn hoa và bụi. Ngoài ra, người dễ bị dị ứng cũng nên đeo khẩu trang để tránh hít phải phấn hoa trong lúc làm việc ngoài vườn.

Hạn chế các thực phẩm làm tăng dịch nhầy

Các chế phẩm từ sữa và thực phẩm nhiều đường có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm mũi dị ứng như nghẹt mũi, vì chúng làm tăng sản xuất chất nhầy trong đường hô hấp. Thay vào đó, hãy dùng các thực phẩm thay thế như sữa hạnh nhân và sữa gạo, cũng như bổ sung vào chế độ ăn uống hằng ngày các thực phẩm có đặc tính kháng histamin (giữ vai trò quan trọng trong phản ứng dị ứng) tự nhiên như bông cải xanh, măng tây, hành tây, tỏi, anh đào, khóm và kiwi.

Uống trà thảo mộc

Các loại trà thảo mộc như cam thảo, trà xanh, gừng và mật ong có thể giúp giảm các triệu chứng nghẹt mũi và ngứa mũi, nhờ tác động làm giảm viêm đường hô hấp. Để đảm bảo rằng các thành phần quan trọng hiện diện trong nước trà ở nồng độ cao hơn, cần hãm thảo mộc trong nước sôi ít nhất 8 phút.

Dùng thuốc

Nếu biết bản thân sắp đối mặt với môi trường có nhiều tác nhân gây dị ứng, hãy dùng thuốc trước khi các triệu chứng xuất hiện. Các loại thuốc kháng histamin là dược phẩm điều trị dị ứng phổ biến nhất, trong đó những loại thuốc mới như cetirizine, loratadine và fexofenadine được cho ít gây tác dụng phụ (buồn ngủ) hơn.

Lưu ý, người bị dị ứng cũng cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất cho mình.

Cẩn thận với phấn hoa

Đối với những người đặc biệt dị ứng với phấn hoa - tác nhân dị ứng phổ biến nhất và thường xuất hiện nhiều trong không khí vào những ngày nóng và có gió - các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo nên hạn chế đi ra ngoài, nhất là khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ hằng ngày vì đây là khung giờ cao điểm phấn hoa phát tán trong không khí. Thời điểm tốt nhất để ra ngoài là sau khi tạnh mưa, bởi nước mưa đã giúp cuốn trôi hầu hết phấn hoa trong không khí.

Trong trường hợp buộc phải ra khỏi nhà, hãy chủ động áp dụng các biện pháp đề phòng – chẳng hạn như bôi sáp dầu xung quanh lỗ mũi để ngăn phấn hoa xâm nhập, đeo kính râm ôm sát 2 mắt để phấn hoa không bay vào mắt. 

 

 

 

Chia sẻ bài viết