28/07/2016 - 21:03

ĐỔI MỚI TƯ DUY SẢN XUẤT CỦA NÔNG DÂN

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đang phối hợp với huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" cho nông dân; nhất là nông dân tham gia sản xuất trong các cánh đồng lớn, tổ hợp tác sản xuất đang được định hướng nâng lên hợp tác xã. Nông dân Vĩnh Thạnh đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa hàng hóa, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận và cải thiện đời sống.

Sạ hàng là một phần quan trọng của kỹ thuật canh tác "3 giảm 3 tăng" giúp nông dân giảm chi phí canh tác, tăng hiệu quả kinh tế. Trong ảnh: Nông dân huyện Vĩnh Thạnh dùng công cụ sạ hàng trên đồng ruộng.

* Đào tạo nông dân

Trong năm 2016, Dự án VnSAT TP Cần Thơ tập trung đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, nông dân. Trong đó, chú trọng đến liên kết theo nhóm nông dân, theo vùng sản xuất, từ đó nâng chất và hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Theo Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Vĩnh Thạnh, toàn huyện có 4.190 hộ nông dân ở 4 xã và thị trấn (Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Lợi và thị trấn Thạnh An) tham gia Dự án VnSAT, với diện tích canh tác 10.246 ha. Chi cục Bảo vệ Thực vật TP Cần Thơ đã phối hợp với huyện Vĩnh Thạnh tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân tham gia dự án trong 2 vụ lúa hè thu và thu đông 2016 về kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng" (giảm lượng giống gieo sạ; giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh; giảm lượng phân đạm. 3 tăng là: tăng năng suất lúa; tăng chất lượng lúa gạo; tăng hiệu quả kinh tế) và "1 phải, 5 giảm" (phải dùng giống lúa xác nhận; giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón). Trong đó, vụ hè thu 2016 đã tổ chức được 15 lớp "3 giảm, 3 tăng" cho 750 nông dân và 7 lớp "1 phải, 5 giảm" cho 350 nông dân. Còn vụ thu đông 2016 đang triển khai, dự kiến có 10 lớp "3 giảm, 3 tăng" và 5 lớp "1 phải, 5 giảm".

Bà Trần Thị Yến Phượng, Trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Thời gian qua, nhiều nông dân địa phương đã áp dụng kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng" nhưng chưa được triệt để theo quy trình sản xuất, do còn khó khăn về mặt bằng ruộng không bằng phẳng và điều kiện thời tiết mưa bão nên khó gieo sạ thưa đạt theo yêu cầu "3 giảm, 3 tăng"... Bây giờ nông dân đã giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trước đây nông dân sạ 30-35 kg/công tầm lớn, giờ cao nhất là 25 kg, còn trung bình 15-20 kg/công; phân bón từ mức 70-75 kg/công giảm còn 50-60 kg/công.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, áp dụng "3 giảm, 3 tăng", nông dân giảm lượng giống gieo sạ, lượng phân bón cũng giảm và nhất là phân Urê, lúa cũng ít sâu bệnh hơn, giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe người nông dân và giảm ô nhiễm môi trường. Năng suất lúa của ruộng sạ thưa và sạ dày tương đương nhau, nhưng sạ thưa thì chi phí đầu tư thấp và lợi nhuận tăng lên đáng kể. Do đó, rất cần đẩy mạnh tuyên truyền và tập huấn cho nông dân áp dụng thật hiệu quả "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" trong thời gian tới.

* Thay đổi tập quán sản xuất

Trước khi có Dự án VnSAT TP Cần Thơ, nhiều nhóm nông dân đã tiếp cận kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng" và cho biết hiệu quả mang lại rất khả quan, do giảm được chi phí sản xuất và tăng thêm thu nhập. Ông Nguyễn Ngọc Liêm có 3 ha canh tác theo "3 giảm, 3 tăng" từ năm 2013, Ông Liêm cho biết: "Tôi áp dụng thử nghiệm "3 giảm, 3 tăng" trên diện tích nhỏ trong vụ đầu tiên, thấy được hiệu quả kinh tế nên đã mạnh dạn áp dụng diện tích lớn ở vụ tiếp theo. Ở khu vực này, nông dân sản xuất cánh đồng lớn với diện tích lên đến 1.200 ha, gồm 3 ấp (G2, H2, F2) của xã Thạnh An, nhiều nông dân đã áp dụng "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" trong sản xuất lúa hàng hóa". Qua 3 năm áp dụng kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng" đã giúp ông Liêm giảm chi phí trong sản xuất. Trước đây, ruộng của ông Liêm sạ dày hơn 30 kg/công tầm lớn thì giờ còn 18-22 kg/công, phân giảm được 5-10 kg/công xuống còn trung bình 60 kg/công. Lúa sạ thưa ít đổ ngã và còn góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch.

Nhóm nông dân sản xuất trong cánh đồng lớn ở ấp C2, xã Thạnh Lợi, cũng đang sản xuất lúa theo "3 giảm, 3 tăng". Theo nông dân Nguyễn Duy Linh, 3 ha lúa của ông đã áp dụng "3 giảm, 3 tăng" được 3 năm. Cuối tháng 6-2016, ông được tham dự lớp tập huấn mới "1 phải, 5 giảm" do Dự án VnSAT tài trợ. Bây giờ ông chỉ sạ thưa với khoảng 150 kg/ha và sử dụng giống xác nhận, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm lại ít nhất 1/3 so với trước đây. Qua tính toán của ông Linh, với 3 ha, hiện nay mỗi vụ lúa ông tiết kiệm chi phí hơn 5 triệu đồng. Cánh đồng lớn ở ấp C2 có diện tích hơn 210 ha, nhiều nông dân đã tham gia các lớp tập huấn và đang áp dụng "3 giảm, 3 tăng", nên sản xuất cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số nông dân ở đây chưa mạnh dạn áp dụng "3 giảm, 3 tăng", nhiều nông dân cũng đề nghị Nhà nước đầu tư trạm bơm điện, kho bãi, lò sấy để nông dân an tâm sản xuất, cũng như có điều kiện đẩy mạnh áp dụng "3 giảm, 3 tăng"...

Cùng với việc thay đổi tập quán sản xuất, nhiều nông dân đã cùng nhau liên kết trong sản xuất với mong muốn có đầu ra ổn định. Vừa qua, một nhóm nông dân sản xuất trong cánh đồng lớn của xã Thạnh An đã thành lập HTX Nông nghiệp Hiếu Bình. Ông Nguyễn Cao Khải, Chủ tịch HĐQT-Giám đốc HTX, cho biết: "HTX gồm 20 thành viên, diện tích sản xuất 170 ha nằm trong cánh đồng lớn ở 3 ấp (G2, H2, F2). HTX không chỉ đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ lúa cho các xã viên mà còn tiêu thụ lúa cho nông dân bên ngoài HTX đang sản xuất trong cánh đồng lớn này". Vụ hè thu 2016, HTX làm dịch vụ tiêu thụ lúa cho nông dân bên ngoài HTX với sản lượng 1.700 tấn, diện tích khoảng 300 ha. Việc nông dân áp dụng "3 giảm, 3 tăng" sẽ sử dụng giống xác nhận, sạ thưa chất lượng lúa tốt hơn nên cũng thuận lợi hơn trong ký hợp đồng tiêu thụ lúa với doanh nghiệp. Tính ra mỗi vụ lúa chi phí giống và phân bón đã giảm khoảng 2 triệu đồng/ha so với canh tác theo tập quán cũ, trong khi năng suất từ bằng đến hơn. Tới đây, HTX sẽ tiếp tục tác động cho nông dân nắm bắt kỹ thuật sản xuất mới để giảm chi phí, đồng thời kết hợp với ngành nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn cho xã viên.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết