19/08/2017 - 20:27

Đổi mới tư duy để tận dụng các cơ hội AEC 

Vừa qua, UBND TP Cần Thơ tổ chức tọa đàm “Cộng đồng kinh tế ASEAN- cơ hội mang lại cho người dân và doanh nghiệp”. Hiện nay, mỗi nước trong khối đang thực thi một chính sách thương mại riêng sẽ là thách thức trong hình thành thị trường chung.

Còn nhiều rào cản

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng, hội nhập không chỉ là cơ hội cho người dân và doanh nghiệp. Đó cũng là cơ hội cho các cơ quan hành chính công thay đổi cung cách phục vụ. Đồng thời, thúc đẩy sửa đổi cơ chế chính sách của mình để hội nhập bền vững. TP Cần Thơ là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều thuận lợi trong phát triển thương mại, dịch vụ với cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện. Do đó, các thông tin về thị trường AEC được các chuyên gia, diễn giả phân tích đầy đủ sẽ giúp doanh nghiệp (DN) và địa phương ĐBSCL nắm bắt, tận dụng tốt các cơ hội phát triển.

Đại biểu tham dự tọa đàm.

Đại biểu tham dự tọa đàm.

ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Các đại biểu dự tọa đàm cho rằng, Việt Nam dù đã vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp, nhưng trong tiến trình hội nhập vào ASEAN vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 là sự tích tụ kết quả hợp tác ASEAN trong 5 thập kỷ qua, phản ánh mức độ liên kết của ASEAN. Về kinh tế, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là không gian kinh tế trên nền tảng của khu vực mậu dịch tự do (AFTA) được mở rộng cả về phạm vi và nâng cao về mức độ tự do hóa. Song, AEC vẫn còn nhiều việc phải làm để thực sự trở thành một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất như mục tiêu đề ra. 

Một số ý kiến cho rằng, trước khi gia nhập ASEAN, Việt Nam có trên 10.000 dòng thuế, khi gia nhập ASEAN (năm 1995), Việt Nam còn khoảng 1.078 dòng thuế. Theo cam kết hiệp định ATIGA, đến năm 2018 nhiều dòng thuế về mức 0%. Do vậy, để tận dụng tốt ưu đãi thuế quan trong khối ASEAN, các DN cần thay đổi tư duy từ sản xuất đến phân phối. Bởi sự khác biệt trong phát triển, nhất là khác biệt về thể chế chính trị, trình độ phát triển, tay nghề lao động… đang là những thách thức cho tiến trình hội nhập. Việc mở cửa thị trường cũng tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt ngay chính trên sân nhà. Bằng chứng là chỉ trong 2 năm (2015-2016), chỉ riêng Thái Lan đã có những thương vụ mua bán chuỗi siêu thị Big C, Metro, mua các cổ phần của DN Việt Nam… với tổng giá trị chuyển nhượng, mua bán lên đến hàng tỉ đô la Mỹ.

Tính đến ngày 20-3-2017, các nước ASEAN có 3.219 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký 62,65 tỉ USD. Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO của TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, Việt Nam quá phụ thuộc vào xuất nhập khẩu của DN khối FDI. Đây là thách thức lớn cho sự phát triển của DN nội địa. Do đó, cần thay đổi tư duy để phát triển vững chắc hơn.

Dùng tư duy mới tiếp cận thị trường

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), cho biết thời gian qua, nhiều DN thành phố đã nhận biết biết rõ thế yếu của mình để có thay đổi trong hội nhập. Đặc biệt là thay đổi trong các quan hệ làm ăn với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, DN Việt Nam nói chung và DN Cần Thơ nói riêng yếu về tài chính, nhân lực, quản trị DN và thiếu cả thông tin thị trường… làm cho DN gặp khó trong đổi mới tư duy cũng như cách hoạt động của mình. DN rất cần được cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường để hội nhập tốt hơn.

Một số gợi ý của các chuyên gia đến từ Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao), Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tại tọa đàm cho rằng, để tận dụng các cơ hội từ AEC, các DN phải đầu tư chiến lược dài hạn. Chính quyền đóng vai trò hỗ trợ và có sự phân vai, hợp tác hiệu quả. Thiết lập các kênh kết nối với DN, ưu tiên hỗ trợ các DN chủ động và thành công. Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đặt vấn đề: “Hội nhập, chiến lược nào cho ĐBSCL? Cần Thơ với vai trò trung tâm vùng cần đóng vai trò kết nối. Các giải pháp phải là nghiên cứu khoa học và thực tiễn mang tính then chốt để đạt được tiêu chí “thành phố công nghiệp”, tạo lập cộng đồng DN đủ sức cạnh tranh với sân chơi lớn trong khu vực AEC”…

Một số ý kiến cho rằng, các nước ASEAN đều đang trong quá trình công nghiệp hóa. Mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia đều chú trọng đến những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh để tận dụng nguồn nguyên liệu nông nghiệp, sử dụng nhiều lao động. Do đó, việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường kinh doanh minh bạch là điều kiện tiên quyết tiếp thêm động lực cho DN trong sân chơi AEC. 

Bài, ảnh: Gia Bảo

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế quốc gia:

Cần cái nhìn đa chiều về hội nhập

Xét về tương quan của Việt Nam trong ASEAN, thì năng lực cạnh tranh của chúng ta đang thấp hơn Thái Lan, Philippines… Dù vậy, Việt Nam cũng có những DN thể hiện năng lực của mình trong cạnh tranh. Bằng chứng là hiện nay chúng ta có rất nhiều mặt hàng có vị thế cạnh tranh trong khối. Và năm 2018 tới đây, khi thuế suất về 0%, các mặt hàng có khả năng cạnh tranh tốt như: vật liệu xây dựng, kính, bánh kẹo, đồ uống…

Thị trường chung AEC, mở ra cơ hội rất lớn. Tuy nhiên, trình độ phát triển thấp hơn, năng suất lao động thấp hơn khiến chúng ta đối mặt với rất nhiều cạnh tranh. Về thị trường bán lẻ, các DN nước ngoài đầu tư vào hệ thống bán lẻ của Việt Nam, sẽ tạo ra kênh phân phối hàng hóa của cả Việt Nam và của họ trong chuỗi bán lẻ, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm với giá cạnh tranh. Đồng thời khi các DN FDI đầu tư hệ thống bán lẻ sẽ kết nối với hệ thống bán lẻ của nước họ, hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội xuất hiện trong hệ thống bán lẻ của họ. Đánh giá cơ hội và thách thức cần nhìn một cách hài hòa, không nên quá lo ngại.

Khi thị trường được dở bỏ mọi rào cản về thuế, thủ tục hải quan giữa các nước được đơn giản hóa. Sự dịch chuyển hàng hóa trong khu vực sẽ không khác nhiều với sự dịch chuyển hàng hóa trong quốc gia. Bởi vậy, tận dụng cơ hội thuế quan là tư duy của từng DN phải thay đổi. Phải có tư duy của khu vực, chứ không phải là tư duy của quốc gia nữa. Để có cơ hội khai thác thị trường chung, DN phải có cách tiếp cận từ sản xuất đến tiêu thụ mang tầm khu vực để cạnh tranh.

Thu Hà (ghi)

Chia sẻ bài viết