13/06/2014 - 09:42

Đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị trên địa bàn Tây Nam bộ

"Mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị trên địa bàn một số tỉnh Tây Nam bộ - Kinh nghiệm và vấn đề đặt ra" là chủ đề của tọa đàm khoa học vừa được tổ chức tại Học viện Chính trị khu vực IV (HVCT IV), TP Cần Thơ. Các tham luận, ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học ở một số tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ trình bày tại tọa đàm đều khẳng định: giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế (ĐMKT) và đổi mới chính trị (ĐMCT) là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện, thực hiện thắng lợi mục tiêu của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL hiện nay.

"ĐMKT" ở nước ta được hiểu là quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, căn bản dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và tập thể sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là bước chuyển từ nền kinh tế khép kín là chủ yếu sang nền kinh tế "mở" đối với khu vực và thế giới. Còn "ĐMCT" được hiểu là đổi mới tư duy chính trị về chủ nghĩa xã hội, đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh.

Nghiên cứu về quá trình ĐMKT, ĐMCT trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL hiện nay, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nghĩa và Trần Hoàng Hiểu (HVCT IV) khẳng định: Nhờ thực hiện những chủ trương về ĐMKT, ĐMCT của Đảng và Nhà nước, trong gần 30 năm qua CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL đã đem lại nhiều thành tựu đáng kể, đưa ĐBSCL trở thành một trong những vùng kinh tế quan trọng và là vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo, trái cây nhiệt đới, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Nguyên nhân của những thành tựu này, một mặt, là do quá trình ĐMKT, ĐMCT đã tạo ra được những điều kiện và tiền đề căn bản để giải phóng sức sản xuất và sức sáng tạo của người nông dân từ việc đổi mới quan hệ sản xuất trong nông nghiệp ở ĐBSCL, dẫn đến người nông dân có điều kiện được tự do suy nghĩ và hành động trên thửa đất của mình và được làm chủ các sản phẩm do chính mình làm ra, từ đó họ được làm chủ trong các quá trình sản xuất và tái sản xuất. Mặt khác, do các quy luật kinh tế thị trường bắt đầu vận động trở lại, trở thành sức sống mới cho nền sản xuất nói chung, cho CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL nói riêng.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại tọa đàm.

Đi sâu phân tích thực trạng giải quyết mối quan hệ giữa ĐMCT và ĐMKT ở TP Cần Thơ thời gian qua, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc HVCT IV, cho thấy mối tương quan: "Trên cơ sở dân chủ hóa trong hoạt động kinh tế, hệ thống chính trị thành phố cũng được từng bước đổi mới theo hướng dân chủ hóa, đồng thời ĐMCT đã góp phần thúc đẩy việc ĐMKT ở thành phố, giúp Cần Thơ có sự phát triển khá nổi trội thời gian qua". Ông dẫn chứng: chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần được thực hiện nhất quán trên tất cả các địa phương, trong đó có Cần Thơ, đã tạo ra một môi trường dân chủ trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy, nguồn vốn đầu tư cho phát triển của thành phố không ngừng gia tăng qua các năm. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội của Cần Thơ trong giai đoạn 2005 - 2010 đạt 92.412 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 36,36%/năm. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư giai đoạn 2005-2010 bằng 55,43% GDP, tăng từ 34,81% năm 2004 lên 59,5% năm 2010... Việc dân chủ hóa trong kinh tế đặt ra đòi hỏi hệ thống chính trị được đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ hơn, gần dân và phục vụ nhân dân tốt hơn, huy động sự tham gia của nhân dân vào mọi hoạt động của hệ thống chính trị; phát huy được quyền làm chủ của nhân dân tham gia quản lý nhà nước, tham gia kiểm tra giám sát các hoạt động của chính quyền, khắc phục phần lớn tệ quan liêu, mất dân chủ xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ công chức nhà nước. Bên cạnh đó, việc ĐMCT ở thành phố cũng góp phần ban hành được các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp cận đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo hướng xóa bỏ những thủ tục rườm rà không cần thiết và thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 rút ngắn thời gian và chi phí đi lại cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh… đã góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng và động lực để thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển…

Tương tự, thực tiễn ở Đồng Tháp, ĐMKT luôn gắn với ĐMCT; là nhu cầu nội tại trong sự phát triển của địa phương - tham luận của Tiến sĩ Trương Quang Khải và Phạm Ngọc Hòa (HVCT IV) - khẳng định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2005-2010 đạt 14,12%/năm. Tổng giá trị sản phẩm nội tỉnh năm 2010 ước đạt 14.362 tỉ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2005. Hiện tỉnh đã xây dựng thành công mô hình cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại "cánh đồng mẫu lớn". Từ chỗ chưa có khu công nghiệp, đến nay đã hình thành và phát triển một số khu vực sản xuất công nghiệp tập trung ven sông Hậu, sông Tiền, kinh xáng Lấp Vò và một số xã thuộc Tháp Mười, Tam Nông, Tân Hồng... Cùng với đổi mới kinh tế, trong lĩnh vực chính trị, Đồng Tháp đã tập trung đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Trong thực hiện cải cách hành chính, Đồng Tháp được xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố và thuộc nhóm đạt chỉ số cải cách hành chính ở mức độ tốt của cả nước. Tỉnh cũng có bước đột phá mới trong cải cách chế độ công chức, công vụ...

Phân tích những hạn chế trong việc giải quyết mối quan hệ giữa ĐMKT và ĐMCT trong vùng, nhiều ý kiến, tham luận cho rằng, thời gian qua một số nội dung về ĐMCT chưa đáp ứng kịp thời so với yêu cầu cấp bách mà quá trình ĐMKT đã đặt ra, làm cản trở quá trình đổi mới và phát triển kinh tế. Việc phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp trong hệ thống chính trị vẫn còn có mặt chồng chéo làm giảm hiệu quả hoạt động, quản lý. Cơ chế, chính sách vẫn còn có mặt chưa phù hợp, gây lãng phí nguồn lực mà không phát huy hiệu quả kinh tế. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới kinh tế mạnh mẽ... Bên cạnh việc tập trung khắc phục những hạn chế này, vấn đề tăng cường mối liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL để khơi thông các nguồn lực, tăng cường liên kết hợp tác toàn diện giữa các tỉnh, thành phố cũng là giải pháp được nhiều người đề cập.

"Yêu cầu thực tiễn đang đặt ra là phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa liên kết phát triển kinh tế vùng và cải cách thể chế, đổi mới chính trị để tạo động lực "thúc đẩy liên kết kinh tế vùng" - Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhấn mạnh. Theo ông, trước thực trạng kinh tế nhiều mặt yếu kém, mất cân đối, chứa đựng nhiều mâu thuẫn và nguy cơ thì cải cách thể chế chính là tiềm năng lớn để có thể khai thác nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vùng ĐBSCL. Khó khăn đang nằm ở quyết tâm chính trị thực hiện các cải cách thể chế cần thiết. Ông nhấn mạnh: "Đổi mới tư duy và thể chế kinh tế là khâu then chốt để thực hiện tái cấu trúc kinh tế vùng ĐBSCL cùng với cả nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quá trình này không tốn kém về tài chính, không cần đầu tư vốn lớn nhưng đòi hỏi quyết tâm chính trị cao để vượt qua được những nhóm lợi ích và tư duy nhiệm kỳ. Với tư duy mới và thể chế mới, năng lực mới, quá trình đổi mới về kinh tế, tái cơ cấu, phát triển kinh tế vùng ĐBSCLsẽ vượt qua những "điểm nghẽn" thể chế hiện tại để đưa vùng này đến sự phát triển thịnh vượng, trù phú trong tương lai".

Bài, ảnh: H.T

Chia sẻ bài viết