19/07/2014 - 21:31

Đôi khi phải biết tặng hoa hồng

Truyện: Khuê Việt Trường

Chú Thịnh dặn: “Chú phải đi công tác gấp, tận Hải Phòng. Công việc của chú ở nhà còn chưa xong nhưng khách hàng họ cần rất gấp. Cháu ráng giúp chú hoàn thành nhé”.

Tôi mới tốt nghiệp mỹ thuật, đơn xin việc nộp khắp nơi, nhưng tới chỗ nào họ cũng đòi phải có hai năm kinh nghiệm. Có lẽ nhìn gương mặt trẻ măng còn “búng ra sữa” của tôi, dường như mọi người không tin tôi có đủ năng lực làm việc, dù tôi ra trường với mảnh bằng loại khá, thành thạo tiếng Anh, trình độ vi tính thuộc loại không thua kém ai. Chú Thịnh bảo: “Chưa có việc thì cứ về làm với chú, coi như lấy vài năm kinh nghiệm để ra đời”.

Chú Thịnh rất giỏi ngoại giao. Mặc dù chú chỉ lấy mấy tấm bằng ngắn hạn về đồ họa, quản lý… nhưng công ty chuyên gia công bảng hiệu, quảng cáo, trang trí cửa hiệu của chú ăn nên làm ra với những công việc từ nhỏ đến lớn. Chú nói: “Thường thì ai cũng thích làm việc lớn, làm nhanh để có thể lấy tiền một lần. Nhưng nếu không có cái nhỏ thì làm sao có cái lớn. Giống như ta chỉ cần mua một ngàn đồng đường cát mà bà chủ hàng bắt ta phải mua cả ký thì làm sao vui vẻ mua được? Lần sau có cần cũng không trở lại bởi cảm giác bị bắt nạt”.

Về công ty chú chừng một tuần lễ, tôi gặp Linh. Thật ra thì tôi chưa nghĩ đến việc sẽ để ý hay chăm sóc một cô gái nào bởi mặc cảm là sinh viên mới ra trường, còn phải ở thuê ở đậu, đó là chưa nói vẫn còn thất nghiệp, tiền bạc kiếm được chưa đủ nuôi thân thì lấy đâu để… nuôi người khác. Vào những ngày chủ nhật, vào những ngày mưa hay những ngày trống trải, tôi chợt nghĩ phải chi mình có một cô bạn gái nho nhỏ bên cạnh, đôi khi chẳng để làm gì, chỉ cần chở nhau vòng vòng qua các con đường lớn nhỏ khác nhau, hay vào một quán cà phê nho nhỏ, có nhiều cây xanh, rồi buông mình trong không gian của những bản tình ca, nghe lòng tràn ngập niềm vui…

- Anh ấy ơi, cho tôi xin gặp chú Thịnh.

 

Linh gõ cửa, tôi chưa kịp nói “xin mời vào” thì Linh bước vào phòng nhanh như cơn lốc.

- Chú Thịnh đã đi công tác. Tôi có thể giúp gì cho cô?

- Anh giúp được không? – Linh nhìn tôi với ánh mắt hoài nghi

- Làm sao biết có giúp được không khi tôi chưa biết cụ thể công việc – Tôi nheo mắt nhìn Linh.

Việc của Linh thật ra chẳng có gì to tát. Linh sắp khai trương quán cà phê vào tuần tới. Quán do chú Thịnh nhận thiết kế trang trí đã vào giai đoạn hoàn thiện. Duy chỉ còn một mảng tường làm nền trong phòng lạnh, Linh muốn vẽ một bức tranh hoa hồng, những đóa hồng đang leo hai bên cổng tường rào theo kiểu biệt thự Pháp. Bức tường sẽ tràn ngập hoa hồng.

Tôi cười bởi việc này có thể đảm đương:

- Vậy em muốn mấy ngày xong?

- Năm ngày được không anh?

Thật ra tôi chưa từng thực hiện những công việc tương tự. Nhưng sau khi gặp Linh ý tưởng về bức tường hoa hồng cứ tràn ngập trong đầu tôi. Tôi không chỉ bất ngờ vì khách hàng mà chú Thịnh “giao lại” cho tôi là một cô gái đẹp, mà còn vì Linh nhỏ tuổi hơn tôi nhưng đã sở hữu cả một quán cà phê. Đó lại là một quán cà phê gây nhớ.

Quán tên là Thụy Du, nằm trên một con đường nhỏ. Nhưng dẫu nằm ở ngõ nhỏ, cà phê Thụy Du của cô chủ quán xinh đẹp lúc nào cũng đông khách. Nhiều khách hàng thân thiết đến vì Linh. Mà nào có phải Linh cười đùa, lả lơi với khách? Linh chỉ thỉnh thoảng ngồi ở quầy thu ngân vào buổi sáng, làm công việc thu ngân như một nhân viên bình thường. Linh ít khi cười, hay mặc quần áo với hai màu đen và trắng. Hay khách đến đây vì hoa hồng? Quán luôn có hoa hồng, trên bàn khách, viền lối đi và bức tranh hoa hồng tươi thắm tôi vừa hoàn thành với tốc độ kỷ lục theo yêu cầu của Linh.

Tôi vẽ xong tranh cũng là lúc chú Thịnh về. Chú khen tôi cố gắng, nhưng chú dặn dò tiếp: “Cháu xiêu lòng bởi cô chủ quán cà phê Thụy Du phải không? Cẩn thận hoa hồng có gai”.

Tôi vẫn tự nhủ trên thế gian này có bao nhiêu con người thì cũng có bấy nhiêu cuộc tình. Những cuộc tình trọn vẹn hay không trọn vẹn rồi cũng sẽ bị thời gian vùi lấp. Quan trọng nhất là sống trọn vẹn với những cảm xúc đang tươi mới trong trái tim mình.

Tôi không hiểu sao mình lại nhớ nhung sự nghiêm túc khi đối diện với đám thanh niên, khắt khe trong công việc, nhã nhặn lịch sự vừa đủ với khách hàng và dịu dàng chỉ dẫn nhân viên của Linh. Tranh đã xong, mỗi ngày tôi vẫn đến cà phê Thụy Du, chỉ để nhìn thấy Linh. Linh vẫn cười lịch sự xã giao với tôi, thỉnh thoảng vẫn nhận lời mời của tôi đến một quán cà phê khác, như cách nói của Linh: “Để thay đổi không khí”. Nhưng khoảng cách giữa hai đứa vẫn là trùng trùng.

Thời buổi này không còn ai viết thư tỏ tình, tôi đoán thế. Nhưng để chạm đến tâm hồn của Linh, tôi gởi cho em những lá thư bày tỏ tình cảm, nỗi nhớ nhung của mình. Linh nhận thư. Nhưng không hồi âm. Cũng không biểu lộ một điều gì.

Tôi cứ kiên nhẫn viết thư. Đến bức thứ 50 thì Linh chủ động gọi điện cho tôi. Em mời tôi ra một quán cà phê ở bờ sông. Giữa gió sông thổi lộng, em kể về nỗi buồn khiến trái tim em khép kín.

Linh đã từng yêu đến cạn kiệt cả trái tim, mụ mị cả đầu óc. Anh ta là một nhạc công. Linh nói đó là một mối tình kỳ cục, bởi người ta thường hẹn hò khi đêm vừa buông còn Linh gặp người yêu sau khi anh ta đã xong công việc ở quán bar nồng nặc mùi thuốc lá và rượu. Anh ta cũng yêu cây đàn guitar và âm nhạc của mình hơn yêu Linh nên đã chọn lựa theo một đoàn ca múa về thành phố Hồ Chí Minh, giữa lúc Linh ngã bệnh viêm phổi nặng. Anh ta nói: “Đây là cơ hội của anh, em đừng khiến anh áy náy”. Linh đã khóc hết nước mắt: “Có quán cà phê ba mẹ giao cho em, anh có thể mở một phòng trà”. Nhưng người yêu Linh đã từ chối vì anh ta không thích mãi mãi là một nhạc công tầm thường ở một thành phố nhỏ. Linh bệnh nằm liệt giường hai tháng, hậu quả của ngày anh ta rời đi, Linh đã trốn bệnh viện trong cơn sốt, ra tận sân ga để tìm cách níu kéo, nhưng chẳng ích gì.

Tôi không biết mặt người yêu của Linh. Không hiểu giờ đây anh ta đã làm nên danh tiếng hay chưa? Nhưng vì một người đàn ông lựa chọn danh vọng, bỏ rơi tình yêu, mà Linh để mặc tuổi trẻ trôi qua, để tâm hồn mình khô héo, đi về lẻ bóng và từ chối tình cảm của tôi thì quả thật tôi không cam lòng. Huống chi tôi thấy Linh rất yêu hoa hồng. Người yêu hoa hồng thì không thể nào quay lưng với tình yêu được.

Cho nên tôi vẫn viết thư cho Linh. Mỗi bức thư giờ đây kèm theo một đóa hồng. Cho đến bức thư 100 thì hôm đó là sinh nhật tròn 22 tuổi của Linh. Tôi đã nhờ hai mươi hai em sinh viên cùng mặc áo dài trắng, đạp hai mươi hai chiếc xe đạp, mang theo hai mươi hai bông hồng đỏ. Tôi gõ cửa nhà em và hát bài Chúc mừng sinh nhật. Tiếng hát vang lên, tôi thấy Linh cười với tôi. Không còn là nụ cười xã giao, mà là nụ cười lấp lánh nước mắt…

Chia sẻ bài viết