04/02/2018 - 09:34

Đôi điều về Tập Ích Ban- gánh hát cải lương đầu tiên ở Cần Thơ 

Tập Ích Ban được xem là gánh hát đầu tiên của Cần Thơ, ra đời tại Thốt Nốt. Đây là nơi “khởi nghiệp” và bước đệm cho một tài danh sân khấu bậc Tổ- cố soạn giả Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền. Nhân dịp Cần Thơ kỷ niệm 142 năm ngày sinh và khánh thành khu tưởng niệm cố soạn giả Mộc Quán ngay trên quê hương ông, xin nói đôi điều về gánh hát này.

Về năm ra đời

Có thể khẳng định, Tập Ích Ban không chỉ là gánh cải lương ra đời sớm ở Cần Thơ mà còn là một trong những gánh hát tiên phong của cải lương Nam bộ. Học giả Vương Hồng Sển đánh giá vị thế của gánh hát này khi viết trong “Hồi ký 50 năm mê hát- 50 năm cải lương” rằng: “Một điều chót xin dặn: muốn biết rõ năm nào sanh ra cải lương, tưởng nên điều tra lại kỹ những chi tiết này”. Và một chi tiết quan trọng mà cụ Vương đưa ra là xem kỹ gánh Tập Ích Ban ở Thốt Nốt với kép chánh là nghệ sĩ Bảy Nhiêu được thành lập năm nào?

Câu hỏi này làm “đau đầu” giới nghiên cứu và cả “dân trong nghề”. Ngay cả cố nghệ sĩ nhân dân Ba Vân- một bạn diễn cùng thời với kép chánh Bảy Nhiêu cũng nhớ đại khái đó là vào khoảng 1923-1924, ông Vương Có đã bỏ tiền thành lập gánh Tập Ích Ban (lời kể trong “Kể chuyện cải lương”- NXB TP Hồ Chí Minh, 1988). Cũng có tài liệu cho rằng: gánh Tập Ích Ban hát khai trương tại đình Thạnh Hòa - Trung Nhứt (Thốt Nốt) vào đêm 18-10-1916 (“Đờn ca tài tử, sân khấu cải lương Cần Thơ”, NXB Đại học Cần Thơ, 2014).

Tuy nhiên, chúng tôi được soạn giả Nhâm Hùng cung cấp một loạt hồi ký của chính kép chánh gánh Tập Ích Ban là nghệ sĩ Bảy Nhiêu- cũng là người Thốt Nốt- mang tên “Những nỗi vui buồn trong đời đi hát”. Loạt hồi ký này đăng trong báo Buổi sáng. Đáng chú ý có đoạn với tựa là “Đoàn Tập Ích Ban khai trương ngày 18-10-1921 ở Thốt Nốt. Tôi được lãnh 17 đồng 1 tháng nhưng gia đình lại khóc lu bù… vì tôi theo gánh luôn…”. Rõ ràng, ngày khai trương gánh được ghi trang trọng và khỏi phải bàn cãi. Tuy nhiên, đọc nhiều trang hồi ký của nghệ sĩ Bảy Nhiêu thì được rõ, Tập Ích Ban đã tụ họp trước đó, nhưng không rõ năm nào, có lẽ trước 1 năm vì nghệ sĩ Bảy Nhiêu thường kể về năm 1920. Tuy nhiên, nghệ sĩ Bảy Nhiêu chính thức theo gánh năm 1921, khi gánh khai trương. Về quang cảnh buổi khai trương Tập Ích Ban, nghệ sĩ Bảy Nhiêu thuật lại: “Không có vải bố dừng chợ, Thốt Nốt lúc bấy giờ cũng chưa có rạp nên phải khai trương trong đình Thạnh Hòa - Trung Nhứt vào đêm 18-10-21 vở tuồng xã hội (tuồng Tây) “Tình duyên phấn lạt” của cố soạn giả Nguyễn Trọng Quyền…”.

Cải lương pha hát Tiều

Lại nói về gánh Tập Ích Ban, do ông Vương Có, một người gốc Triều Châu ở Thốt Nốt vốn mê hát lập nên. Có tài liệu ghi lại, nhân dịp gánh hát của ông Vương Có khai trương, một thầy đồ giỏi chữ là bạn của cụ Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền ở Bạc Liêu có gởi bức trướng chúc mừng:

“Tập rèn ngu lậu hóa khôn ngoan

Ích lợi cho đời thấy mơ mang

Ban Tứ Trướng Thêu ngòi vẻ gắm

Chủ tâm già lửa rõ màu vàng

Bút nghiên mượn tiếng bài câu giác

Nguyễn hướng đồng thinh chuộng chữ nhàn

Trọng quý há khoe cùng chúng bạn

Quyền hành ngay thẳng mạnh càng sang”

Ông Vương Có và thầy tuồng Mộc Quán đã lấy chữ đầu của 3 câu thơ đặt tên cho gánh hát là Tập Ích Ban. Ông Vương Có đã bỏ ra 3.000 đồng tiền Đông Dương để mua sắm y trang, đạo cụ… Gánh ngoài chủ gánh Vương Có, thầy tuồng Mộc Quán còn có người coi việc diễn xuất (có thể hiểu là đạo diễn), người trông coi cảnh trí (có thể hiểu là họa sĩ cảnh trí)…

Nghệ sĩ nhân dân Ba Vân thuật lại trong “Kể chuyện cải lương” rằng, gánh quy tụ các anh em nghệ sĩ như: Tư Dếnh chuyên đóng vai tướng, hóa trang giống hệt các ông tướng bên gánh hát Tiều; đào thì có cô Sáu Tỷ (tự Tần Vân), Sáu Trâm (Ngọc Xoa), Ba Vinh…; kép thì có Tư Thới, Tám Điều, Ba So, Ba Mật… Nghệ sĩ Ba Mật đóng vai lão hay có tiếng, ca hay mà đờn cũng giỏi. Nghệ sĩ nhân dân Ba Vân ấn tượng: “Đặc biệt, Tập Ích Ban hát cải lương mà diễn viên hóa trang y hệt các diễn viên bên gánh hát Tiều”. Còn soạn giả Hoài Ngọc trong một bản hồi ký viết tay của mình đã trân trọng đánh giá: “Sân khấu cải lương nhắm vào việc khai thác tuồng Tàu, bắt đầu từ Tập Ích Ban”.

Lại nói về chuyện nghệ sĩ Bảy Nhiêu khởi nghiệp cầm ca với gánh Tập Ích Ban, gia cảnh thật quá… bi ai: vợ trẻ lại mới sinh con đầu lòng. Cứ tưởng ông đi hát rồi lại ở nhà với vợ con ai ngờ ông theo gánh Tập Ích Ban luôn. “Cả nhà tôi khóc lu bù, may nhờ ông Mộc Quán an ủi, cắt nghĩa và khuyên lơn mới giảm bớt cái buồn của gia đình, cái sầu của người vợ mới cưới”- nghệ sĩ Bảy Nhiêu thuật lại.

Vậy, ông Mộc Quán là ai mà tiếng nói trọng lượng đến vậy?

Nơi khởi nghiệp của Hậu Tổ

Xin trả lời ngay, đó là Hậu Tổ cải lương - soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền. Tập Ích Ban được thành lập, ông Vương Có thấy ông Mộc Quán văn hay, chữ giỏi, theo Nho học, chuyên dịch các truyện Tàu, nên mời làm thầy tuồng. Ông là lớp thầy tuồng tiền bối, thầy của những bậc thầy, tác giả các bổn tuồng kinh điển: Giọt máu chung tình, Phụng nghi đình, Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Hoa Mộc Lan tùng chinh, Võ Đông Sơ…

Một góc khu tưởng niệm cố soạn giả Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền. Ảnh: Duy Khôi

Từ Tập Ích Ban, soạn giả Mộc Quán đã có cơ hội làm nghề và khẳng định tài hoa của mình. “Tiếng lành đồn xa”, nhờ những bổn tuồng ăn khách, cụ Mộc Quán được nhiều gánh ở Mỹ Tho, Sài Gòn mời về cộng tác. Trong tờ Buổi Sáng ngày 1-2-1960, nghệ sĩ Bảy Nhiêu nhớ lại: “Tôi bỏ túi được mớ nhắm nên cũng được nêu cao tên tuổi trong vai Châu Bá Hòa trong vở “Châu - Trần phải nghĩa” của cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền (xin lỗi không phải khoe) ca Tứ đại xuân trong lớp ôm mộ khóc cha nên người ta nêu tên tôi là “Giỏi đơ”, “Giỏi troa” gì gì đó… ”. Điều này cũng minh chứng cho sức hút của những bổn tuồng do cụ Mộc Quán viết ra.

Soạn giả Nhâm Hùng, tác giả quyển sách về cụ Mộc Quán ra mắt nhân ngày khánh thành khu tưởng niệm cụ, thì cho rằng: Điểm độc đáo trong các bổn tuồng của cụ Mộc Quán là ông đã viết lời Việt, sửa cách phát âm theo lối của người Việt một số bản nhạc của hát Tiều, hát Quảng để dùng trong tuồng Tàu do ông sáng tác. Các bài bản đó đến nay trở thành cổ nhạc Việt Nam, được ứng dụng trong sân khấu cải lương rất nhiều như: “Ú Liu Ú Xáng”, “Xang Xừ Líu”, “Khốc hoàng thiên”… Ông còn là thầy của rất nhiều bậc thầy của sân khấu cải lương như Năm Phỉ, Bảy Nhiêu, Phùng Há…

Ông Nhâm Hùng nhận định thêm, một dấu ấn không thể không nhắc đến khi nói về khoảng thời gian cụ Mộc Quán làm thầy tuồng cho gánh Tập Ích Ban là đã cùng kép chánh Bảy Nhiêu đưa bản “Dạ cổ hoài lang” lên sân khấu cải lương - làm tiền đề cho bài “ca vua” Vọng cổ sau này. Chuyện được nghệ sĩ Bảy Nhiêu thuật lại rằng, năm 1922, ghe hát của gánh Tập Ích Ban cập bến chợ Bạc Liêu, nghệ sĩ Bảy Nhiêu đi dạo vô tình nghe được bài ca “Dạ cổ hoài lang”. Ông thích thú và học ca. Trở về, Bảy Nhiêu đưa bản đờn cho soạn giả Nguyễn Trọng Quyền và cụ Mộc Quán đã đưa lên sân khấu Tập Ích Ban trong vở “Bội phu quả báo” vào năm 1921. Trong bổn tuồng này, cụ Mộc Quán viết 20 câu theo bản Dạ cổ hoài lang với lời ca mới như sau:

Lối: “Vì phận bạc nên phải điều lầm lỗi. Bởi bạc tiền nên mang chữ phụ bần”.  Vô Dạ cổ hoài lang (nhịp đôi): “Nhìn rày, kia khe đá/ Phần số khiến có đau phiền/ Vì xưa phối duyên Khôn- Tuyền/… Tỉnh ngộ lấy lương tâm này/ Khuyên khá đừng bội phu, bớ ai!”.

Điều này được cố soạn giả tài danh Trương Bỉnh Tòng (tức soạn giả Hoài Linh) xác nhận trong quyển “Nghệ thuật cải lương- những trang sử” (Viện Sân khấu, 1997) với lời nhận xét: “Dạ cổ hoài lang từ khi được sử dụng trên sân khấu cải lương năm 1923, coi như bước ngoặt lịch sử, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của cải lương”.

***

Như vậy, có thể khẳng định: Từ gánh Tập Ích Ban của Cần Thơ đã phát hiện ra bậc Hậu Tổ cải lương và là nơi “đổi đời” bản “Dạ cổ hoài lang”, làm nên bài ca vọng cổ về sau. Âu đó cũng là vinh diệu cho Cần Thơ khi tự hào góp nhặt vào diễn trình phát triển của cải lương Nam bộ.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết