05/03/2011 - 20:15

Đôi điều về đờn ca tài tử ở Cần Thơ

Liên hoan Đờn ca tài tử TP Cần Thơ lần thứ IV.
Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Nếu so với một số hình thức âm nhạc xa xưa của cộng đồng Việt Nam như: Ca trù, hát xẩm, ca Huế, chèo văn, hát xoan; thì đờn ca tài tử Nam Bộ sanh sau đẻ muộn: chỉ mới có khoảng trên dưới một trăm năm tuổi. Ấy thế mà âm nhạc tài tử được xếp vào trong kho tàng âm nhạc cổ truyền quốc gia đang làm thủ tục đề nghị UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Nhìn lại từ thuở ra đời đến giai đoạn hành trình ngắn ngủi khúc khuỷu của bộ môn này ta càng cảm kích hơn. Thay vì mang gươm đi mở cõi như những người chinh Nam, thì từ Kinh đô Huế với nhiều nguyên nhân khác nhau, họ mang chung một nỗi buồn mất nước, theo tiếng gọi Cần Vương chống Pháp, họ cũng mang đờn-kèn-trống đi mãi về phương Nam hầu tìm đường giúp nước. Đó là những ông: Nguyễn Quang Đại, Phạm Đăng Đàng, Nguyễn Liêng Phong, Nguyễn Tòng Bá cùng một số sĩ tử trong Nam ra Huế học, cũng mang nghiệp vĩ trở lại cố hương, khoảng giữa cuối thế kỷ XIX.

Khoảng năm 1558, thuở Nguyễn Hoàng chinh Nam, chưa có bài vọng cổ. Những người mang đờn-kèn-trống từ Huế vào Nam dường như cũng có cùng một nỗi buồn. Dưới những đêm trăng cô tịch, họ mượn tiếng đàn giải sầu cho cảnh ly hương. Để thích nghi với người và đất miền Đông và Tây Nam bộ, họ phải cải soạn nhạc lại phù hợp cho cuộc mưu sinh. Không bao lâu, những nhạc công, nhạc sĩ này đã nhanh chóng tập hợp được môn đệ. Họ vừa dạy đàn, vừa biên soạn lại bài bản cho thích nghi với vùng đất đang nương thân. Lúc đầu, âm nhạc trên vùng đất mới còn khá khiêm tốn về bài bản, hơi điệu, chỉ có hai điệu Bắc và Nam, cùng một số hơi ngự của ca nhạc Huế.

Khoảng năm 1890 trở đi, nhóm nhạc đờn cây phổ biến rộng rãi trong nhiều tầng lớp cư dân ở Nam bộ, đồng thời với việc ra đời lời ca theo lòng bản đờn. Người ta đàn hát chơi bất kỳ nơi đâu, từ thôn quê ra phố thị, trong căn phòng ấm cúng, hay trải đệm dưới đêm trăng, hoặc trên ghe trôi nổi bềnh bồng... một cách say sưa, nhiệt thành, đầy tính cách tri kỷ tri âm. Người ta gọi đó là “Hình thức chơi đờn ca tài tử”.

* * *

Đầu thế kỷ XX, đã có một số nhóm nhạc tài tử nổi tiếng ở nhiều địa phương như: Bạc Liêu, Sa Đéc, Cái Thia (Mỹ Tho), Cần Đước (Long An), Vĩnh Long, Phong Điền (Cần Thơ), Sài Gòn, v.v... Các nhóm này đã liên kết lại thành hai khối: khối tài tử miền Đông, người đứng đầu là ông Nguyễn Quang Đại (tức Ba Đợi); khối miền Tây do Kinh lịch Trần Quan Quờn (Ký Hườn) đứng đầu. Mỗi khối cố gắng tranh đua cải soạn, sáng tác mới bài bản, giảng dạy truyền nghề âm nhạc tài tử theo cách riêng của mình. Thí dụ: khối miền Đông sáng tác được nhóm Ngũ Châu gồm các bài: Kim tiền bản, Ngự giá, Hồ lan, Vạn liên, Song phi hồ điệp, do ông Ba Đợi sáng tác; thì khối miền Tây sáng tác nhóm Tứ Bửu (bốn báu vật) là: Minh hoàng thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên và Ái tử kê. Tứ bửu này do ông Lê Tài Khị sáng tác... Phải ghi nhận sự tranh đua đó làm cho kho tàng âm nhạc tài tử quý báu của Nam bộ hôm nay rất phong phú về bài bản, đa dạng về hơi điệu.

Tính đến nay bài bản tài tử đã có đến hàng trăm. Hệ thống lại, người ta đều nhất trí chọn 20 bài bản còn gọi là: “Nhị thập huyền tổ bản”, gồm: Ngũ điếm, Thất chính, Tam nam, Tứ oán là tinh hoa của nền âm nhạc tài tử. Theo ông giáo Thinh (Nguyễn Văn Thinh) các bài bản khác cũng rất hay, nhưng do có sự trùng lắp về hơi điệu, cấu trúc câu cú, nhịp phách, không lọt vào được 20 bản tiêu biểu này.

Trong nhiều tài liệu, ít thấy đề cập đến mảnh đất và con người Cần Thơ trong lĩnh vực đờn ca tài tử buổi đầu hình thành loại hình âm nhạc này. Phải chăng vì không có các ông quan nhạc nào từ Huế vô dừng chân lại đất Cần Thơ? Tuy nhiên, ở Vĩnh Long có ban tài tử Tống Hữu Định, Mỹ Tho có ban Nguyễn Tống Triều, Vĩnh Kim có ban Trần Văn Chiều (Tư Triều) ... thì ở Cần Thơ lúc bấy giờ cũng có ban tài tử Ái Nghĩa ở Phong Điền, được ông Trương Duy Toản đỡ đầu. Chính ông Toản đã sáng tác nhiều bài ca như: Vân Tiên mù, Lão quán ca, khen chàng Tử Trực, thương nàng Nguyệt Nga ... Nếu trên miệt Tiền Giang có giọng ca của cô Hai Nhiễu, Ba Đắc vang bóng một thời, thì ở miền Hậu Giang lúc bấy giờ cũng có giọng ca của cô Năm Cần Thơ, cô Ba Vàm Lẽo không thua kém. Còn nữa, những cánh chim đầu đàn trong nền tài tử trên đất Cần Thơ như ông Tám Danh, Bảy Nhiêu (Huỳnh Năng Nhiêu). Nói về nhạc công có các ông: Cò Điển, Cò Quốc, Trống Hiệu, Trống Phước... Tay trống, tay cung cò của các ông đã một thời làm say động lòng người và tên tuổi họ cũng gắn liền với sở trường nhạc khí.

Nói về thầy tuồng có thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa với vở tuồng nổi tiếng: “Kim thạch kỳ duyên”. Sau đó là Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền: chỉ gần 40 năm sáng tác ông đã viết 90 tuồng hát cho nhiều đoàn và nhiều tác phẩm thơ ca khác.

Trong 9 năm kháng Pháp, ở Cần Thơ phong trào đờn ca tài tử thể hiện diễn chập kịch tấu ngắn cải lương phát triển khá sâu rộng trong nhân dân. Tiêu biểu như đoàn Lam Sơn do soạn giả Điêu Huyền làm thầy tuồng, rồi có những ban tài tử một thời nổi tiếng như: ban Bầu Ấu do ông Nguyễn Xuân Cừu trồng ấu nuôi hoạt động hay ban tài tử Bầu Hẹ do ông Lê Quang Kiên làm trưởng Ban (hiện còn sống), chuyên trồng hẹ nuôi sống anh chị em. Nói chung, những ban này đã đem lời ca, tiếng đàn tuyên truyền cổ vũ cán bộ, chiến sĩ nhân dân hăng say góp phần vào cuộc kháng chiến.

Thời chống Mỹ, Cần Thơ là một trong các tỉnh ở miền Tây thành lập đoàn văn công sớm nhất (1959), với các soạn giả Quốc Thanh, Trọng Hùng, Chí Sinh. Với các anh chị em văn nghệ sĩ: Ba Kiên, Tám Sương, Tám Đỏ, Tám Cầu, Bùi Hữu Trí, Lý Wầy, Ba Xệ, Lý Cảnh. Về diễn viên nữ có: Kim Phỉ, Bảy Hằng, Hương Giang, Sáu Vịnh, Sáu Quang, Ái Dân... Thập niên 69, 70 trở đi có Thanh Liêm, Minh Thơ, Trọng Hữu, Minh Tuấn, Thanh Đời... Về diễn viên nữ có: Thu Hồng, Lệ Hoa, Thanh Xuân, Tuyết Lệ...Về nhạc có: Tư Sang, Tám Bướm, Bảy Hoàng, Ba Hóa, Hoàng Đạt ...

* * *

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, phong trào đờn ca tài tử Nam bộ được phục hồi một cách nhanh chóng. Từ tỉnh, thành, quận, huyện, xã, phường, ấp, khu vực đều có câu lạc bộ, ban, nhóm đờn ca tài tử. Đáng mừng là công nghệ hiện đại phát triển giúp cho bộ môn tài tử có điều kiện phát huy hơn.

Hiện nay, trong phong trào đờn ca tài tử, đội ngũ danh cầm chuyên nghiệp và không chuyên tính từ xóm ấp trở lên dám có đến con số trăm người. Chỉ tính những danh cầm thuộc khá nhiều bài bản trong 20 bản tổ, nhịp nhàng vững chắc, ngón đờn điêu luyện được ăn khách qua làng sóng phát thanh truyền hình hoặc qua liên hoan thi diễn, được công chúng ái mộ có các ông: Minh Huấn, Hai Lợi, Thanh Liêm (Liêm Trắng), Minh Phú, Ba Miêu, Năm Cò, Út Thành, Hoàng Yến, Tư Thẩn, Văn Chiêu, Hai Tạo, Hoàng Lưỡng, Hoàng Mỹ, Thạch Sĩ Long, Văn Hom, Hoàng Bê, Thanh Liêm (đoàn Tây Đô), Sáu Tẳng, Văn Then ... Nhưng danh cầm về đờn kìm, cò, tranh, độc, tỳ bà, nhất là tiêu và sáo còn rất khiêm tốn, hầu như muốn cạn nguồn.

Đã có những giọng ca điêu luyện qua trường lớp, hoặc nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, được khán thính giả tán thưởng ái mộ, suy tôn, đạt giải hạng cao qua các kỳ thi hội diễn cấp quốc gia, tỉnh, thành có: Nghệ sĩ ưu tú Trúc Linh, Nghệ sĩ ưu tú Thảo Vân, Nghệ nhân Kiều Nga, Mỹ Dung, Bích Liên, Kim Phụng, Trang Phượng, Ái Hằng, Mai Dạ Thảo, Mỹ Hằng, Vân Phượng, Kiều Mỹ Dung... Về danh ca nam có: Nghệ nhân Đào Xinh, Hoàng Hôn, Thanh Tùng, Nguyễn Bá Thế, Trường Út, Ngọc Thơ, Hoàng Khanh, Dương Tuấn Kiệt, Việt Cường, Dương Hùng, Hữu Tràng, Bảy Tuấn...

Soạn giả cả TP Cần Thơ hiện nay, tính số người đã từng viết đủ được 20 bản tổ và 5 bài vọng cổ từ nhịp đôi đến nhịp 32 cũng hiếm. Phần đông các soạn giả sáng tác nhiều bài vọng cổ nhịp 32.

* * *

Phong trào đờn ca tài tử ở thành phố Cần Thơ nói riêng, Nam Bộ nói chung đã phát triển rộng khắp trong các vùng sâu, vùng xa, đến đô thị. Đáng mừng là từ dân chúng đến công nhân viên chức, cán bộ, quân đội, đều rất ngưỡng mộ đờn ca tài tử. Bây giờ không cần phải có dịp lễ, tết, hội hè, đình đám, mà hễ vui vui 5 -7 người chi vài trăm ngàn đồng gọi điện thoại sẽ có ngay một cây đờn ghi ta và bộ âm ly gọn nhẹ, 2 micro không dây, sau vài cốc lai rai là oang oang trích đoạn: “Đêm lạnh chùa hoang”, “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà”, “Chợ mới”, “Tình anh bán chiếu”, “Dệt chặng đường xuân”, “Lan và Điệp”, “Nửa đời hương phấn”, “Hàn Mạc Tử”...

Có thể ví von về âm nhạc truyền thống Việt Nam: như nhiều cô gái đẹp, mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười. Nhưng với riêng cô gái đờn ca tài tử Nam bộ, từ khi ra đời và hành trình ngót trăm năm đã lắm thăng trầm dâu bể nhưng rồi đã đi vào lòng người, trụ lại, tỏa sáng, ngát hương.

MINH THƠ

Chia sẻ bài viết