12/12/2017 - 15:04

Đôi bạn “song hành” huyết áp và đái tháo đường 

Bác sĩ Lê Tân Tố Anh.

Tăng huyết áp là bệnh lý thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ). Bác sĩ chuyên khoa II Lê Tân Tố Anh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ, cho biết:

- Theo thống kê, có tới 60 - 80% người mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 bị tăng huyết áp; 15% - 25% bệnh nhân tăng huyết áp (HA) có ĐTĐ đi kèm. Bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ mắc tăng HA nhiều gấp 2 lần người không ĐTĐ và bệnh nhân tăng HA có nguy cơ mắc ĐTĐ nhiều gấp 2,4 lần người không tăng HA.

Bệnh ĐTĐ gây ra nhiều biến chứng trên mạch máu nhỏ như: Bệnh võng mạc do ĐTĐ, suy thận mạn, bệnh thần kinh ngoại biên, bàn chân ĐTĐ và các biến chứng mạch máu lớn như: Bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên. Bệnh ĐTĐ kèm tăng HA làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong và đột quỵ, tăng gấp 3 lần nguy cơ bệnh mạch vành, thúc đẩy nhanh quá trình tiến triển của các biến chứng trên tim mạch. Bệnh nhân ĐTĐ tử vong chủ yếu do các biến chứng trên tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…

* Có sự khác nhau giữa tăng HA ở bệnh nhân ĐTĐ tuýp 1 và 2 không, thưa bác sĩ ?

- Bệnh nhân ĐTĐ tuýp 1, tăng HA thường xuất hiện muộn khi có suy thận (bệnh thận ĐTĐ). Cứ 1% HbA1c cao hơn sẽ làm tăng biến cố tim mạch lên 12%.

Còn ở bệnh nhân  ĐTĐ tuýp 2, tăng HA và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác thường cùng hiện diện (rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, bệnh thận...). Có thể tăng HA xuất hiện cùng lúc phát hiện ĐTĐ. Cứ 1% HbA1c cao hơn sẽ làm tăng biến cố tim mạch lên 28%.

* Bệnh nhân ĐTĐ kiểm soát HA như thế nào?

- Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ năm 2017 khuyến cáo mục tiêu HA trên người bệnh ĐTĐ là < 140/90mmHg. Mức HA thấp hơn (<130/80mmHg) được áp dụng cho một số bệnh nhân nguy cơ tim mạch cao như: Có bệnh mạch vành, nhồi máu não, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thận do ĐTĐ…

Để kiểm soát HA trên bệnh nhân ĐTĐ cần phối hợp biện pháp không dùng thuốc (chế độ ăn uống, tập luyện thể dục, giữ cân nặng hợp lý…) và uống thuốc hạ áp đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với bệnh nhân có mức HA ban đầu > 140/90mmHg, điều trị ban đầu bằng 1 loại thuốc hạ áp và thay đổi lối sống (tập thể dục, chế độ ăn uống hợp lý). Còn nếu ngay từ đầu HA≥ 160/100mmHg cần phối hợp ngay hai loại thuốc hạ áp (có thể dùng viên rời hoặc viên kết hợp) cùng các biện pháp điều trị không dùng thuốc khác.

* Làm thế nào để giảm biến cố tim mạch trên bệnh nhân ĐTĐ, thưa bác sĩ?

- Đa số bệnh nhân ĐTĐ bị tăng HA không có triệu chứng lâm sàng. Một số ít có các biểu hiện như: Nhức đầu, nhìn mờ, chóng mặt, buồn nôn, mặt phừng đỏ… Phần lớn người bệnh ĐTĐ phát hiện tăng HA và điều trị muộn. Để hạn chế bệnh tăng HA ở bệnh nhân ĐTĐ, gần đây Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến khích việc tự đo HA tại nhà, nhằm giúp bệnh nhân có thông tin về mức HA hằng ngày và sự đáp ứng với thuốc hạ HA.

Hiện nay, nhiều người bệnh ĐTĐ chỉ quan tâm kiểm soát đường máu, mà quên đi mất yếu tố tăng HA và rối loạn lipid máu -cũng là yếu tố nguy cơ tác động qua lại, ảnh hưởng đến các biến chứng của người bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc chỉ kiểm soát đường huyết một cách tích cực đơn độc chưa đủ làm giảm các biến cố tim mạch như: nhồi máu cơ tim tử vong hay tử vong do biến cố tim mạch khác. Tuy nhiên, về lâu dài thì việc kiểm soát đường huyết tích cực ngay từ đầu đều mang lại lợi ích lâu dài, giảm tỷ lệ biến chứng mạch máu nhỏ cũng như mạch máu lớn.

 Kiểm soát tốt HA, các chỉ số đường huyết và mỡ máu rất quan trọng đối với người mắc bệnh tiểu đường, giúp phòng ngừa và làm chậm quá trình phát triển của biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong do biến cố tim mạch. 

* Xin cảm ơn bác sĩ !

HUỆ HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết