31/12/2017 - 17:10

Độc đáo nghề may áo dài 

Đã có lúc chiếc áo dài “nhường” chỗ cho com-lê, váy đầm các kiểu, chiếm lĩnh thị hiếu số đông dân cư, nhất là cư dân thị thành. Nhưng rồi, các trào lưu trang phục cứ qua đi, chiếc áo dài vẫn tồn tại với sức sống bền bỉ, được ưu tiên lựa chọn, trong đó có không ít người trẻ. Trân trọng giá trị truyền thống, nhiều thợ may kiên trì theo đuổi, giữ gìn nét độc đáo từng đường kim, mũi chỉ cho trang phục này và lấy đó làm nguồn vui, nguồn sống cho cả gia đình.

Chị Ngân (bên trái) tư vấn cho khách chọn vải may áo dài dịp Tết. Ảnh: MỸ TÚ

Con hẻm nhỏ đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, có nhà may áo dài Hiệp Hương trên 30 năm tuổi. Chủ nhà may cũng là thợ chính, cô Huỳnh Thị Thanh Hương (mọi người quen gọi cô Tư Hương), năm nay 60 tuổi, vẫn cặm cụi, tỉ mẩn với nghề. Cô Tư Hương nói: “Bỏ nghề một ngày cũng buồn. Tôi sẽ may áo dài đến khi mãn phần mới thôi”.

Năm 18 tuổi, cô Tư Hương học nghề may. Sau nhiều năm theo đuổi các loại trang phục, cô chọn áo dài và áo bà ba làm sản phẩm chuyên nghiệp của tiệm. Để may chiếc áo dài đẹp, theo cô Tư, quan trọng là khâu chọn chất liệu, màu sắc vải phù hợp vóc dáng từng người. Sau đó, đo ni thật kỹ, cắt vải thật khéo, rồi may thật “mướt”. Chiếc áo dài khéo khi người mặc vừa vặn, không chùn, nhăn. Cô Tư kỹ tính, luôn nhắc khéo khách hàng nữ đo ni áo dài phải lựa chọn trang phục lót thật vừa vặn để không ảnh hưởng số đo. Khi nhận may áo, cô Tư đảm bảo giao đúng hẹn và chủ động kiểm tra, chỉnh sửa nhanh chóng nếu khách mặc thử mà chiếc áo chưa thật “như ý”.

Cô Tư chia sẻ: “Cặm cụi may cả ngày nhưng khi khách mặc áo vừa vặn, khéo léo từng chi tiết, tôi hết mệt và rất vui”. Có lẽ, chính sự kỹ tính này mà cô Tư Hương được nhiều khách hàng tin tưởng, chọn gắn bó nhiều năm. Trong đó, nhiều khách hàng dù chuyển đi tỉnh khác, thậm chí ra nước ngoài sinh sống, vẫn tìm đến cô mỗi khi muốn sở hữu chiếc áo dài đẹp. Chị Trần Thị Tuyết, ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng, là “thân chủ” của cô Tư Hương. Chị cho biết, mỗi dịp Tết đến, chị may bộ áo dài mới. Cô Tư Hương vừa may xong cho chị bộ áo dài đỏ tươi tắn để đón chào năm mới may mắn, hanh thông. Chị nói, so với các loại trang phục khác, áo dài luôn là bộ trang phục đặc biệt, được chị ưu tiên mặc trong các sự kiện quan trọng cũng như những dịp vui chơi ngày Tết, đi lễ chùa, hội nghị ở công ty… Vì vậy, chị lựa chọn thật kỹ thợ may áo dài, đảm bảo bộ trang phục đẹp, vừa ý.

Kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, hiện cô Tư Hương nhận mức tiền công 400.000 đồng/ bộ áo dài. Cô Tư cho biết, nhờ nghề này, cô nuôi dạy 3 người con trưởng thành, ăn học đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định. Cô khẳng định, nếu có duyên, đam mê nghề là sống được. Chủ Nhà may áo dài Tuyết Nhung, đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều, cũng nói như vậy. Những năm gần đây, khách đặt may áo dài dịp Tết ở nhà may Tuyết Nhung nhiều hơn, giúp tiệm duy trì thu nhập khá quanh năm. Không chỉ tạo việc làm cho người trong nhà, nhà may Tuyết Nhung đang cộng tác với 8 thợ may chuyên nghiệp. Tùy lượng khách ít, nhiều, thợ may nhanh, chậm, mỗi thợ kiếm tiền công dao động từ 3- 5 triệu đồng/ tháng.

Nắm bắt xu hướng thời trang áo dài ngày càng được ưa chuộng, nhiều người chọn mặc áo dài cách tân trẻ trung, năng động, nhiều nhà may áo dài bán kèm vải đa dạng mẫu mã, chất liệu để khách lựa chọn. Nhà may áo dài Ngân Nguyễn, đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều, những ngày này cũng đắt khách đến chọn mua vải và đặt may. Hơn 7 giờ tối, chị Nguyễn Tuyết Ngân, chủ nhà may gấp rút cắt mấy bộ áo dài để giao thợ may. Thỉnh thoảng, chị bỏ dở việc, chạy ra đón, tư vấn khách hàng chọn mua vải. Chị Ngân cho biết: “Khách bắt đầu đông ken từ tháng 10 âm lịch vì vào mùa cưới. Sau đó,  đến khách hàng may áo Tết. Ngoài khách hàng tại địa phương, nhiều Việt kiều về quê ăn Tết cũng tranh thủ đến đặt may áo dài trước khi về nước”. Để thu hút nhiều khách hàng, chị Ngân nghiên cứu, cập nhật nhanh các kiểu dáng, họa tiết áo dài đang thịnh hành. Chị đặt thợ làm phụ kiện đi kèm áo dài: các loại mấn từ truyền thống đến hiện đại; thêu áo, kết cườm theo yêu cầu của khách. Vì thế, chị Ngân giúp không ít lao động thêm thu nhập đáng kể.

“Tuy đường may ít nhưng “khó chiều”!”, đó là nhận định chung của nhiều thợ may khi nói về kỹ thuật cắt may trang phục này. Không phải người thợ nào cũng đủ kiên nhẫn và tâm huyết để vượt qua khó khăn khi mới làm quen với nghề may áo dài truyền thống. Với sức hấp dẫn đặc biệt của quốc phục, chiếc áo dài vẫn được ưa chuộng và đó cũng là điều kiện giúp nhiều thợ may sống ổn định với... áo dài.

MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết