29/10/2013 - 21:12

Doanh nghiệp ĐBSCL “vượt bão”

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cùng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức lễ khen thưởng "Doanh nhân tiêu biểu khu vực ĐBSCL" và "Doanh nghiệp có sản phẩm đặc trưng tiêu biểu khu vực ĐBSCL" năm 2013 để ghi nhận những thành quả của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp (DN) đạt được. Năm qua, nhiều DN ĐBSCL đã vượt khó, góp phần giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế của vùng.

Bản lĩnh doanh nhân

Hoạt động thu mua, chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG 

Từ năm 2009 đến nay, hằng năm VCCI Cần Thơ tổ chức việc xét chọn "Doanh nhân tiêu biểu khu vực ĐBSCL" đối với các DN và doanh nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Năm 2013, VCCI Cần Thơ đã trao bằng khen cho 63 doanh nhân tiêu biểu và 23 DN ĐBSCL có sản phẩm đặc trưng tiêu biểu. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: "DN ĐBSCL hầu hết là DN vừa và nhỏ, sản xuất kinh doanh gắn liền với các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, với hàng triệu nông hộ. Một số công ty xuất khẩu đã đưa sản phẩm của ĐBSCL đến các thị trường khó tính châu Âu, Hoa Kỳ… Trong những năm qua, nền kinh tế vĩ mô khó khăn đã đè nặng lên vai hàng vạn DN, nhiều nông hộ sản xuất và kinh doanh nhỏ. Thế nên, phải nhìn nhận rằng để tồn tại và phát triển, các DN ĐBSCL rất bản lĩnh và nỗ lực hết sức mình, với quyết tâm và sức chịu đựng dẻo dai". Theo ông Dũng, để ghi nhận những nỗ lực của các doanh nhân ĐBSCL. Đồng thời, cổ vũ, động viên doanh nhân, DN, hằng năm, VCCI Cần Thơ đều tổ chức chương trình khen thưởng doanh nhân, DN tiêu biểu ĐBSCL. Riêng năm 2013, VCCI Cần Thơ hướng đến tiêu chí xét chọn là các doanh nhân có những sáng kiến, ảnh hưởng tích cực đến kết quả kinh doanh của DN, giúp DN trụ vững và ổn định phát triển. Còn DN phải là DN có sản phẩm đặc trưng của vùng ĐBSCL...

Là một trong 63 doanh nhân được nhận giải thưởng "Doanh nhân tiêu biểu khu vực ĐBSCL" năm 2013, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Thuận An (tỉnh An Giang), cho biết: "Tôi rất vui khi nhận giải thưởng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, đặc biệt là ngành thủy sản. Nhưng công ty chúng tôi đã cố gắng vượt qua, luôn tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường. Công ty chúng tôi có những sáng tạo trong quá trình sản xuất, từ phụ phẩm của con cá tra, chúng tôi sáng tạo ra những món ăn nhanh, chất lượng, phục vụ bữa ăn nhanh cho nhân viên văn phòng, tạo thêm thị trường tiêu thụ cho DN khi xuất khẩu gặp khó khăn. Những sản phẩm này đem lại lợi nhuận cao". Trong 9 tháng đầu năm 2013, doanh thu xuất khẩu của Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Thuận An đạt 50 triệu USD. Theo bà Huệ, dự kiến doanh thu xuất khẩu năm 2013 tăng khoảng 50% so với năm 2012.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (TP Cần Thơ), cho biết, nhận giải thưởng Doanh nhân tiêu biểu ĐBSCL năm 2013 không chỉ là vinh dự đối với cá nhân ông mà cũng là vinh dự cho công ty. Thời gian qua, thị trường xuất khẩu gạo gặp nhiều sóng gió, giá xuất khẩu giảm, thị trường thu hẹp do một số nước thay đổi chính sách nhập khẩu gạo. Công ty đã vượt qua rất nhiều thách thức, rào cản để giữ vững chỉ tiêu xuất khẩu, tăng trưởng. "Đây là thành tựu và nỗ lực phấn đấu hết sức của tập thể cán bộ, công nhân viên công ty. Chiến lược những năm tới về phát triển cho ngành gạo, công ty cố gắng vẫn là một trong những DN đi đầu về những sản phẩm đặc trưng vùng ĐBSCL. Đó là gạo mang thương hiệu chất lượng cao, có truy xuất nguồn gốc và mang tính an toàn, sạch cho người tiêu dùng kể cả trong nước và xuất khẩu"- ông Bình khẳng định.

ĐBSCL hiện có trên 40.000 DN, chiếm 1/10 DN cả nước, hoạt động sản xuất của các DN phần lớn gắn liền với nông nghiệp và nông thôn. Những DN trụ vững và phát triển trong bối cảnh kinh tế khó khăn thể hiện vai trò, bản lĩnh của các doanh nhân trong lèo lái con thuyền DN vượt bão. DN không chỉ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của khu vực ĐBSCL, mà còn đóng góp cho nền kinh tế cả nước. Tuy nhiên, với qui mô nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu, để tồn tại và phát triển vững thời gian tới, các DN ĐBSCL rất cần tiếp thêm sức mạnh từ các chính sách vĩ mô.

Tiếp sức cho DN

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình hình kinh tế trong năm 2014 tiếp tục khó, đòi hỏi các DN phải có giải pháp khả thi vượt qua khó khăn và thử thách. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhận định: kinh tế thế giới phục hồi chậm. Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng thấp nhất trong vòng 13 năm qua và còn khó khăn trong 2 năm tới, nếu chưa có cải cách mạnh mẽ. Thách thức đặt ra cho DN là: thanh toán quốc tế có khả năng thay đổi, sức mua giảm sút; chưa có thị trường vốn dài hạn (10 năm), DN phải vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, rủi ro cao; tín dụng đóng băng hay tăng trưởng rất chậm, DN khó tiếp cận tín dụng từ ngân hàng. Các chi phí đầu vào đều tăng (điện, gas, xăng dầu, chi phí tiền lương…), trong khi DN không thể tăng giá bán tương ứng như giá tăng đầu vào... Để vượt qua khủng hoảng, DN cần tái cấu trúc, tập trung vào tái cấu trúc tài chính, thị trường, quản trị DN, khoa học- công nghệ, liên kết, hợp tác…

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, DN Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn nhất, số DN đóng cửa, ngừng hoạt động vẫn ở mức cao. Từ đầu năm đến nay có 41.000 DN phải rời khỏi thị trường, trong số gần 500.000 DN đang hoạt động thì tỷ lệ DN bị thua lỗ cũng rất cao, có đến 66% DN đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng, nhưng không có khả năng nộp vì đang kinh doanh lỗ. Nếu chỉ vì bài toán lãi-lỗ đơn thuần thì rất nhiều DN đã đóng cửa, ngừng sản xuất để cắt lỗ, nhưng phần lớn DN vẫn tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, an sinh xã hội, họ đáng được tôn trọng, tôn vinh. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, DN nào trụ được tiếp tục sản xuất kinh doanh sẽ đứng vững. Thời gian qua, nhiều DN đã tái cấu trúc thành công, sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Dự báo tình hình kinh tế trong nước và thế giới trong năm 2014 còn tiếp tục khó khăn. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nhận định: DN tiếp tục khó khăn về thị trường tiêu thụ, tiếp cận vốn ngân hàng do lãi suất cao. Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất 13%/năm đã là thách đố lớn đối với DN. Muốn "vượt bão", DN phải tiếp tục đổi mới, tái cấu trúc, tập trung vào sản phẩm cốt lõi… Năm 2012, ĐBSCL dẫn đầu cả nước về cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cao năng lực điều hành và sát cánh cùng DN. Tuy nhiên, phần lớn DN còn khó khăn, phiền hà khi tiếp cận cơ quan hành chính công. Các địa phương ĐBSCL cần quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính để thật sự đồng hành cùng DN. Bên cạnh đó, các chính sách vĩ mô về tái cấu trúc nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho DN được thực thi mạnh mẽ, đồng bộ sẽ trợ lực cho DN trên con đường phát triển, cạnh tranh và hội nhập.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết