07/01/2010 - 21:00

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Doanh nghiệp đặt kỳ vọng gì trong năm mới?

Năm 2009 được đánh giá là năm khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sức mua giảm trên cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp (DN) khó khăn trong thực hiện kế hoạch sản xuất, xuất khẩu và đảm bảo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, tình trạng sáp nhập, phá sản DN đã không diễn ra rầm rộ như dự đoán của chuyên gia kinh tế trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Sang năm 2010, các nền kinh tế lớn được dự báo sẽ phục hồi, nhưng DN sẽ khó khăn thêm với nhiều rào cản thương mại, kỹ thuật từ nước nhập khẩu ngày càng dày hơn. Làm gì để vượt qua thách thức và trụ vững tại thị trường nội địa là những vấn đề mà nhiều DN Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất quan tâm hiện nay.

“Cơn sóng” thị trường

Nhiều Dn đặt kỳ vọng năm 2010 nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trở lại (Trong ảnh: Xưởng sản xuất bao bì của Công ty Lương thực Sông Hậu trong KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ).  

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh (VCCI) Cần Thơ, nhận xét: “DN ĐBSCL còn hạn chế về qui mô, năng lực tài chính, công nghệ và tổ chức thị trường yếu, nguồn nhân lực chất lượng thấp, kỹ năng quản lý hạn chế, thiếu chiến lược kinh doanh... nên đã gặp không ít khó khăn. Năm 2009, sản phẩm chủ lực của vùng là xuất khẩu gạo đạt hơn 6 triệu tấn, cá tra hơn 1,3 tỉ USD, nhưng so với năm 2008 giảm khá nhiều về giá trị. Trong khi thị trường trong nước chuyển biến chậm, dù nhiều hình thức khuyến mãi được DN chú trọng”. Sự cạnh tranh trên thị trường diễn ra với quy mô rộng, nhanh cũng tác động trực tiếp đến chiến lược xây dựng thị trường của nhiều DN.

Tháng 12-2009, VCCI Cần Thơ đã tiến hành cuộc khảo sát nhanh về tình hình kinh doanh của DN ĐBSCL 2009 nhằm xây dựng chương trình phục vụ, hỗ trợ DN hoạt động tốt hơn trong năm mới 2010. Theo kết quả thu được, nếu so sánh về doanh thu giữa năm 2008 với năm 2009 thì không có sự khác biệt nhiều. Có đến 38,4% DN có mức tăng trưởng doanh thu âm hoặc bằng 0 và 52,3% DN đạt tăng trưởng doanh thu dưới 50%, chỉ có 8,1% DN đạt doanh thu trên 100% so với năm 2008. Gần 63% DN cho rằng doanh thu và lợi nhuận giảm do ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế; 57,3% DN nhìn nhận sức mua giảm, thị trường tiêu thụ bị sụt giảm; trên 40% DN thiếu vốn sản xuất và chịu áp lực cạnh tranh ở qui mô toàn cầu... Riêng đối với DN xuất khẩu, có đến 78,5% DN cho biết sức mua giảm tại thị trường nhập khẩu và sự cạnh tranh giữa các DN cùng ngành hàng (78,5%) là 2 yếu tố khó khăn nhất trong năm 2009...

Có thể nói, cơn bão tài chính 2009 đã khiến nhiều DN xuất khẩu lao đao, thị phần sụt giảm, giá xuất khẩu cũng giảm ở những thị trường chính. Rồi nhiều nước nhập khẩu dựng lên rào cản kỹ thuật nhằm bảo hộ hàng sản xuất trong nước. Trong khi đó, ngành công nghiệp ở ĐBSCL chủ yếu là chế biến gạo, thủy sản và gia công hàng may mặc, sử dụng nhiều lao động, nên việc đối tác ép giá và tạm dừng hợp đồng đã đẩy DN vào thế bị động, việc trả lương cho công nhân theo mức lương mới năm 2009 đã khiến nhiều DN khó khăn. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận thì việc sáp nhập, phá sản DN không diễn ra rầm rộ như dự đoán của các nhà kinh tế, tình trạng thất nghiệp, mất việc làm cũng không ồ ạt như các đô thị lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp.

Mặt khác, trong suy thoái kinh tế, Chính phủ đưa gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn 4% (Quyết định 131) và gói trung- dài hạn (Quyết định 443)... cùng nhiều chính sách kinh tế vĩ mô khác đã kịp thời giúp DN ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đa phần DN tại ĐBSCL là những DN nhỏ và vừa về qui mô, vốn; nên đa phần vốn sản xuất của họ là vốn gia đình, vốn vay từ người thân, bạn bè. Thêm vào đó, việc tiếp cận các nguồn tài chính đối với DN vừa và nhỏ còn nhiều nhiêu khê. Do vậy, cùng với việc sụt giảm của thị trường, họ co cụm sản xuất để chờ qua cơn khó và nhu cầu vay vốn sản xuất cũng không lớn. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, trong suy thoái kinh tế, các DN dù khó khăn nhưng vẫn có “ngách” thị trường nhất định. Nhiều DN đã cắt giảm chi phí, tích trữ để chuẩn bị cho bước hậu suy thoái, tận dụng gói kích cầu thứ nhất của Chính phủ nhằm tăng lượng hàng dự trữ, đầu tư mới và cải tạo nâng cấp cơ sở sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Năm 2009, doanh thu và lợi nhuận giảm, mức tăng trưởng thấp, dưới mức trung bình, nhưng khi đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam 2010, phần lớn DN tin tưởng, kỳ vọng Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại.

Xác định thị trường mục tiêu

Chính phủ vừa quyết định tiếp tục gói kích cầu qua gói hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn (Quyết định 443) nhưng mức hỗ trợ lãi suất giảm xuống còn 2% đối với các khoản giải ngân trong năm 2010, đồng thời gói kích cầu này sẽ tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ở gói kích cầu thứ nhất, dù còn khá nhiều DN nhỏ chưa hưởng được lợi ích từ gói kích cầu, nhưng sự sáng tạo, năng động đã giúp DN trụ lại thị trường. Còn theo khảo sát của VCCI Cần Thơ, phần lớn DN ĐBSCL cho rằng gói kích cầu thứ nhất rất kịp thời và hiệu quả, tạo sự phấn khởi đối với DN trong điều hành, ổn định sản xuất, kích thích tiêu dùng; đồng thời, tạo đà để DN vượt khó, tăng cường tính cạnh tranh. Do vậy, hơn 91% DN cho biết việc tiếp tục gói kích cầu thứ 2 là cần thiết, bởi nền kinh tế Việt Nam chỉ mới tạm ổn định chứ chưa thực sự vượt qua cơn khó, cần sự hỗ trợ từ Chính phủ để DN phát triển bền vững ở những thị trường mục tiêu. Tuy nhiên cũng có luồng ý kiến cho rằng gói kích cầu thứ 2 không cần thiết (8,57% DN đánh giá) vì gói kích cầu của Chính phủ chỉ giúp được các DN “khỏe mạnh” chứ không giúp những DN đang yếu, do vậy, cần tập trung ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát là “trợ lực” lớn giúp DN phát triển.

Năm 2009 là năm đầy biến động, nhưng nhiều DN đã có những chiến lược thích ứng nhanh và hiệu quả, cùng với liên kết giữa các DN nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ nói: “Năm qua, VCCI Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động đi sát với DN hơn, như cùng với địa phương tổ chức hội thảo, thực hiện các chương trình hành động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh ở các địa phương, mở các lớp đào tạo cho DN theo yêu cầu, tổ chức chương trình xúc tiến thương mại... Qua đó, nắm bắt nhu cầu thực tế của DN để có định hướng phù hợp hơn trong năm 2010”. Năm 2010, theo kế hoạch VCCI Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện chương trình “xây dựng mối quan hệ hài hòa trong DN”, cùng các hoạt động hỗ trợ địa phương, DN trong vùng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh qua chỉ số PCI...

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp nhận định: “Kinh tế thế giới hồi phục sớm hơn dự báo nhờ các gói kích thích kinh tế khổng lồ của các quốc gia, nhưng quá trình hồi phục chậm chạp và khó khăn. Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp bách là tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, bảo vệ môi trường, kiềm chế lạm phát... Năm 2010, xuất khẩu có thể có nhu cầu cao hơn, nhưng phải đối mặt với rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá... DN có nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng không nhỏ”. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, các DN cần chú ý thị trường trong nước, chủ động đổi mới mẫu mã, chất lượng để cạnh tranh hàng ngoại nhập, nhất là hàng Trung Quốc. Ngoài chính sách điều tiết vĩ mô, DN cũng rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan địa phương, tổ chức trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính. Nâng cao vai trò của hiệp hội chuyên ngành.

Còn chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng, việc kêu gọi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần có chiến lược hưởng ứng cụ thể cho cuộc vận động này. Trước mắt cho hàng thuần Việt, hàng sản xuất tại Việt Nam với hàm lượng nội địa hóa cao (giá trị gia tăng), hàng sản xuất ở cơ sở do DN Việt Nam đầu tư, sở hữu. DN cần tập trung phát triển và nâng cấp hệ thống phân phối trên thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Mặt khác, phải xây dựng chiến lược và có chính sách phát triển hàng Việt Nam trong các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư như: công nghiệp - dịch vụ phụ trợ, chế biến nông sản, chế biến tài nguyên... Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm, hướng tới hài hòa với hệ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, chú trọng các giải pháp công nghệ cho sản phẩm Việt Nam; đồng thời, tăng cường đầu tư hạ tầng, hậu cần cho thương mại nội địa và xuất khẩu.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết