27/07/2013 - 18:18

Doanh nghiệp cần thông điệp rõ ràng

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB) đã công bố báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam tháng 7-2013: "Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, nhưng do thiếu cải cách cơ cấu toàn diện, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn suy giảm kinh tế dài nhất kể từ cuối thập niên 1980". Tổng cầu nền kinh tế đang giảm, tạo sức ép lớn đối với doanh nghiệp (DN) trong bài toán tồn tại và phát triển.

Thách thức bủa vây

Báo cáo của WB nhận định môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định, lạm phát ở mức vừa phải; xuất khẩu tăng nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2013, thâm hụt thương mại ở mức thấp (khoảng 1,4 tỉ USD); đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm từ 11,8% GDP (năm 2008) xuống còn khoảng 7,7% GDP. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong tương lai ở khu vực ASEAN. Cũng trong năm 2012, Việt Nam đạt thặng dư cán cân thanh toán ở mức 5,9% (trong khi năm 2009, mức thâm hụt đến 11% GDP); dự báo cán cân vãng lai ước tính sẽ tiếp tục thặng dư trong năm nay, nhưng mức độ sẽ thấp hơn 2012. Dù đạt một số kết quả quan trọng, nhưng WB nhận định, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng chậm, từ 2010 đến nay, Việt Nam tăng trưởng chậm hơn Indonesia và Philippines- đây là lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua. Thêm vào đó, tỷ lệ đầu tư giảm toàn diện: Tổng đầu tư giảm còn 29,6 %GDP trong quý I/2013 (từ 38,5% năm 2010); chỉ số mua hàng của nhà quản trị (PMI) nằm dưới mức 50 cho phần lớn năm 2012-2013 (PMI dưới ngưỡng 50 biểu thị sản xuất giảm sút); tăng trưởng bán lẻ và dịch vụ (tính giá trị danh nghĩa) đã giảm từ 24% năm 2011 xuống 16% năm 2012 và còn 11,9% trong 6 tháng đầu năm 2013…

Dây chuyền sản xuất bao bì của Công ty TNHH sản xuất Thương mại Tân Hưng. Ảnh: MINH HUYỀN 

Vừa qua Nielsen (chuyên nghiên cứu thị trường thế giới) đã công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á. Trong đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong quý II/2013 giảm 1 điểm so với quý trước. Đây là số điểm ổn định sau lần tăng mạnh (+6 điểm) hồi đầu năm và cao hơn trung bình toàn cầu ở mức 94 điểm (nhưng thấp hơn trung bình khu vực Đông Nam Á với 105 điểm). Tỷ lệ người Việt Nam lo ngại về triển vọng tài chính trong tương lai chiếm gần ½ số người được khảo sát (48%), giảm 6 điểm so với quý trước và thấp hơn mức trung bình khu vực (61%). Về nhu cầu và mong muốn tiêu dùng trong 12 tháng tới, lượng người cảm thấy tốt hơn so với quý trước tăng từ 33% lên 37% trong quý này.

Trong báo cáo WB còn nhận định, tăng trưởng kinh tế chậm và khó khăn trong sản xuất kinh doanh làm giảm mức thu ngân sách. Khu vực tài chính- ngân hàng vẫn còn mong manh tuy những rủi ro hệ thống đã có phần cải thiện. Chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tổn thương khu vực này. Việc thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là bước đi cụ thể của Chính phủ trong xử lý nợ xấu, nhưng xử lý nợ xấu đòi hỏi cách tiếp cận tích cực, dài hạn. Mặt khác, tiến độ cải cách, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn chậm chạp sau 2 năm kể từ ngày Chính phủ phê duyệt chủ trương và lộ trình. WB cho rằng, quá trình cải cách DNNN khó có thể thành công nếu không có một cơ chế điều phối liên ngành hữu hiệu và tăng cường tính minh bạch. Từ những kết quả này, WB nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 5,3% năm 2013 và khoảng 5,4% năm 2014; lạm phát dự kiến khoảng 8,2% vào thời điểm cuối năm 2013. Song, có một vài rủi ro chính là tăng trưởng kinh tế chậm có thể tạo sức ép tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, từ đó sẽ tạo áp lực lạm phát và làm xói mòn các thành quả mong manh của ổn định kinh tế vĩ mô. Việc triển khai chậm trễ các chương trình cải cách cơ cấu sẽ làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư và tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng.

Cụ thể thông điệp

Để vực dậy nền kinh tế, các chính sách vĩ mô cần cụ thể và rõ ràng hơn, nhất là khi chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đang sụt giảm, kéo theo tổng cầu giảm và tạo sức ép lớn đến các DN. Nếu DN không có thị trường, sản phẩm tồn kho cao sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Theo Đề án tái cấu trúc nền kinh tế được Chính phủ phê duyệt, 3 mũi đột phá của tiến trình cải cách sẽ tập trung mạnh vào: tái cấu trúc ngành ngân hàng, DNNN, đầu tư công. Theo lộ trình này, NHNN đang tập trung tái cơ cấu, sáp nhập các ngân hàng yếu kém, tuy nhiên tiến trình xử lý nợ xấu vẫn chậm, việc đưa dòng vốn tín dụng ra thị trường chưa đạt kỳ vọng của DN. Ngày 18-7, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN (Chỉ thị 03) về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2013, Chỉ thị có hiệu lực kể từ ngày ký. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai đồng bộ các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng đối với nền kinh tế. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng toàn hệ thống ở mức 12% năm 2013.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), kiêm Tổng thư ký CBA cho biết: "Các chính sách của NHNN là những liều thuốc để chữa bệnh thị trường, bệnh của nền kinh tế và bệnh của DN. Để thuốc có thể có tác dụng chữa được bệnh thì cần nhiều yếu tố như đúng bệnh, đúng lúc, đúng liều lượng và quan trọng hơn cả là người bệnh còn có khả năng hấp thu được thuốc để khỏi bệnh. DN hiện nay như người bệnh lâu ngày, khả năng tiếp nhận điều trị cần dài ngày hơn với những liều thuốc mạnh hơn mới mong có thể vực dậy để phục hồi". Theo bà Thuận, nói về nhu cầu của DN, thì DN cần rất nhiều thứ, không chỉ có chính sách tiền tệ, tín dụng mà là một tổng thể các chủ trương, chính sách đồng bộ của Nhà nước về điều hành quản lý kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho DN duy trì hoạt động. Nếu không có chiếc phao "tròn trịa" của Nhà nước, DN cũng phải tự bơi, ai giỏi thì sống. Đây cũng là sự sàng lọc tự nhiên.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Thương mại Tân Hưng, TP Cần Thơ, cho biết: "Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ chưa khả quan. Sức mua giảm, DN đối mặt với gánh nặng tồn kho, việc làm cho công nhân. Hoạt động trong ngành bao bì, 70% sản phẩm của công ty phục vụ cho ngành xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, DN xuất khẩu thủy sản thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, thị trường trầm lắng, nên cắt giảm đơn đặt hàng thậm chí thay đổi phương thức thanh toán. Để giải quyết những khó khăn này, DN đang mở rộng tìm kiếm khách hàng ở khu vực ĐBSCL". Theo ông, thời gian tới, sức mua chưa phục hồi và khả năng tiêu thụ hàng hóa của DN vẫn chậm. Trong khi chi phí đầu vào tăng nhanh, tạo gánh nặng lớn với DN, nên dù ngân hàng có giảm lãi suất cho vay xuống thấp hơn, DN vẫn không dám vay do không có đầu ra. Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, cuộc đua giành thị phần cũng khốc liệt hơn, DN phá sản, sáp nhập tăng, nếu các chính sách của Nhà nước thực thi chậm, thiếu đồng bộ thì đến một lúc nào đó, thị phần tiêu thụ nội địa sẽ bị sự chi phối của các DN nước ngoài. DN không trụ được trên sân nhà thì khó mà ra sân chơi thế giới mạnh hơn.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết