27/11/2010 - 21:38

Đô thị Phong Điền đổi mới...

Công trình Trường Mầm non trung tâm huyện Phong Điền vừa được xây xong.

Nằm cách trung tâm thành phố hơn 16 km, huyện Phong Điền đang hưởng lợi từ nhiều công trình xây dựng giao thông. Cùng với tỉnh lộ 923, đường Nguyễn Văn Cừ trở thành đường trục chính đối nội và nối vào các tuyến đường Cần Thơ – Vị Thanh; sang năm 2011 đường Nguyễn Văn Cừ sẽ kéo dài đến Mỹ Khánh – Phong Điền – Tân Thới tạo nên bệ phóng cho đô thị vùng ven này cất cánh...

Huyện Phong Điền có diện tích 11.948,24 ha, dân số hơn 100 ngàn người, thành lập theo Nghị định số 05/2004/NĐ-CP ngày 2 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ gồm các xã: Mỹ Khánh, Giai Xuân, Tân Thới, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Trường Long và thị trấn Phong Điền. Sau hơn 6 năm thành lập, huyện Phong Điền có nhiều thay đổi lớn và đang trên đà phát triển...

Trung tâm hành chính huyện Phong Điền nằm trên trục đường có lộ giới 40m, giờ đây nhiều công trình đã mọc lên như: UBND huyện, Huyện ủy, Bệnh viện Đa khoa Phong Điền, Kho bạc nhà nước, Trường Mầm non trung tâm huyện... đang hình thành tạo ra một diện mạo đô thị mới đầy sức sống. Nhưng quan trọng hơn là những công trình giao thông nối từ huyện Phong Điền đến các xã, liên quận, huyện của thành phố và các huyện lân cận của tỉnh Hậu Giang đang mở ra những bước phát triển mới cho “vành đai xanh” của thành phố. Đồng chí Trương Minh Tâm, Chánh văn phòng UBND huyện Phong Điền, chia sẻ: Để thúc đẩy thương mại dịch vụ phát triển thuận lợi hơn, huyện đã mời gọi đầu tư (đấu giá) khu đất sạch ngay tại trung tâm huyện để hình thành trung tâm thương mại theo quy hoạch. Một dự án có tầm quan trọng để thúc đẩy phát triển Phong Điền là tuyến đường Nguyễn Văn Cừ kéo dài tới Mỹ Khánh – Phong Điền - Tân Thới (Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư) đang chuẩn bị thủ tục đầu tư tạo ra những cơ hội mới để Phong Điền phát triển. Song song đó, các tuyến đường tỉnh lộ 932, các cầu trên tỉnh lộ 923, quốc lộ 61B (tuyến Cần Thơ – Vị Thanh) hoàn thành sẽ tạo ra hệ thống giao thông đa dạng không chỉ nối với các quận, huyện khác trong thành phố mà còn rút ngắn khoảng cách với tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng...

Ngoài ra, các công trình xây dựng khác đang được chuẩn bị đầu tư như: Mở rộng tỉnh lộ 926 từ cầu Tây Đô đến Khu Di tích lịch sử chiến thắng Ông Hào, mở rộng tuyến đường Ông Hào – Một Ngàn, đoạn ngã ba Vàm Bi đến Bốn Tổng Một Ngàn, tuyến đường thị trấn Phong Điền đến Giai Xuân. Các công trình xây dựng khu di tích lịch sử gắn với du lịch như: Bia đài Vòng Cung 23ha gần khu du lịch Mỹ Khánh cũng đang được đầu tư, Khu Di tích lịch sử chiến thắng Ông Hào trên 2,5ha cũng sắp hoàn thành...

Một dự án khác đánh dấu sự “hấp dẫn” của đô thị vùng ven này là khu đô thị và Đại học Quốc tế Mekong tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền (và một phần phường Ba Láng, quận Cái Răng) với tổng diện tích 320 ha đã được thành phố quyết định quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 sẽ mở ra những bước phát triển mới cho Phong Điền. Khu đô thị và Đại học Quốc tế Mekong bao gồm 03 dự án thành phần: Khu đô thị Hoàng Quân Cần Thơ 164,2 ha (dân số: 23.000 – 26.000 người), khu Đại học Quốc tế Mekong 102,4 ha (15.000 người), và khu tái định cư phục vụ cho Khu đô thị và Đại học Quốc tế Mekong 53,4ha (6.000 - 7.000 người). Như vậy, tổng số dân của dự án này dự kiến khoảng 44.000 – 48.000 người sẽ biến vùng đất này trở thành đô thị và huyện Phong Điền sẽ là nội thị của TP Cần Thơ trong tương lai. Hơn nữa, đây là khu đô thị đại học với đầy đủ các dịch vụ đi kèm như lưu trú, ăn uống, học tập, sinh hoạt, mua sắm, vui chơi giải trí phục vụ cho sinh viên và thân nhân. Khu đô thị cũng đáp ứng được nhu cầu ở, ăn uống, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí cho cư dân tại chỗ và các vùng lân cận.

Theo đồng chí Trương Minh Tâm, Chánh văn phòng UBND huyện Phong Điền, để bắt kịp nhịp độ đô thị hóa khi “trục xương sống” chính của thành phố – đường Nguyễn Văn Cừ đang nối dài mỗi ngày – trục đường “hành chính” với hàng chục trụ sở các ban ngành quan trọng của thành phố đang xây dựng, tạo ra một lợi thế riêng cho Phong Điền mà không phải nơi nào cũng có được. Huyện Phong Điền đã hoạch định chiến lược phát triển trên một số lĩnh vực khác như: Phân vùng phát triển sản xuất nông nghiệp với 500 ha màu chuyên canh ở xã Nhơn Nghĩa, phát triển vành đai cây ăn trái cho các địa phương để kết hợp phát triển du lịch sinh thái vườn. Lĩnh vực phát triển công nghiệp được xác định không phải là thế mạnh của huyện nên đang xây dựng một vùng riêng với diện tích từ 50-100ha dành cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sạch với hướng phát triển về xã Tân Thới. Giao thông nông thôn của Phong Điền được xem là tiêu biểu của thành phố trong những năm gần đây sẽ tiếp tục phát huy vận động xã hội hóa, dân hiến đất, hoa màu, huyện chỉ đầu tư phần “cứng” trên tất cả các con đường còn lại có dân cư đang sinh sống – đây cũng là chủ trương lớn đang được nhiều nơi áp dụng và ở Phong Điền đang được nhân dân ủng hộ. Về y tế, ngoài xây dựng bệnh viện đa khoa, huyện sẽ xây dựng chỉnh trang lại tất cả các trạm y tế ở các xã trên địa bàn. Giáo dục được xác định là khâu chủ lực để phát triển nguồn nhân lực có đầy đủ tri thức trong tương lai. Ngoài xây dựng trường lớp, huyện đang triển khai ra tất cả các trường đều có nhà vệ sinh, nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt học tập của học sinh, giáo viên...

Theo UBND huyện Phong Điền, trong năm 2010 huyện khởi công 37 công trình giao thông nông thôn với tổng chiều dài 34,6km, đã hoàn thành được 34 công trình với số vốn trên 64 tỉ đồng. 90/95 hạng mục công trình xây dựng cơ bản của toàn huyện đến nay đã được đưa vào sử dụng, tổng kinh phí trên 200 tỉ đồng... Theo kế hoạch, năm 2011, huyện Phong Điền sẽ tập trung đầu tư các công trình như: Các khu tái định cư phục vụ tái định cư bờ kè sông Trà Niềng... Các công trình kết cấu hạ tầng xung quanh trung tâm Phong Điền được đầu tư sẽ gắn với việc chỉnh trang đô thị và môi trường sinh thái của huyện vùng ven này trong tương lai.

THIỆN KHIÊM

Chia sẻ bài viết