05/11/2017 - 14:17

Đò ngang, đò dọc ở Đồng bằng sông Cửu Long 

Sông nước và ghe xuồng là những hình ảnh đặc trưng của ĐBSCL từ thuở khai hoang lập ấp. Đó cũng là những yếu tố quan trọng của giao thông và phương tiện vận chuyển trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của vùng. Đồng thời, là một trong những phương thức vận chuyển mang nét văn hóa sông nước riêng biệt. 

Đò ngang

ĐBSCL với địa hình sông rạch chằng chịt là một nét riêng biệt, độc đáo của đất phương Nam. Điều kiện địa lý ấy thật lý tưởng cho giao thông thủy. Nhưng đối với giao thông bộ, đây là một trở ngại, khó khăn từ thời cha ông ta khai mở đất. Đến ngày nay, dù giao thông đã phát triển, nhưng còn rất nhiều nơi ở ĐBSCL “muốn qua sông phải lụy đò”. Đò ngang vẫn là phương tiện đưa người sang sông khá phổ biến. Đò ngang có quá trình lịch sử rất lâu dài, gắn bó vui buồn với biết bao thế hệ người đồng bằng.

Đò ngang ở bến Ba Rích (Ô Môn- Cần Thơ). Ảnh: DUY KHÔI

Ai là người chẳng từng qua một chuyến đò ngang nào đó, trên một khúc sông quê. Đò ngang đưa mẹ và chị đi chợ, đưa trẻ đến trường, đưa người xuôi ngược mưu sinh. Thuở chiến tranh, cách đây mấy mươi năm của thế kỷ trước, đò ngang đã từng làm nhiệm vụ đưa những cán bộ, chiến sĩ cách mạng đi công tác và ra chiến trường. Hồi ấy, theo lời kể của những cán bộ lão thành, những bến đò ngang thường được các cô giao liên đảm trách.

Đò ngang ở quê thường là những chiếc ghe nhỏ, đôi khi là xuồng ba lá. Người lái đò dùng chèo chiếc (miệt Bến Tre, Tiền Giang), chèo đôi (miệt Cần Thơ, Hậu Giang), hoặc có thể dùng dầm để bơi đối với đò ngang nhỏ, chở ít người. Đó là ở những khúc sông nhỏ chừng một hai, trăm mét hay dăm ba chục mét trở lại.

Ở những khúc sông lớn của sông Tiền, sông Hậu và những nhánh sông khác trong hệ thống sông Mê Công, đò ngang đã được con người phát triển nâng cao, thay đổi hình thức, hình thành những chuyến phà hiện đại có trọng tải hàng trăm tấn. Những chuyến đò ngang khổng lồ ấy ngày đêm cần mẫn, đưa biết bao nhiêu con người, hàng hóa, phương tiện qua sông. Đã có biết bao cuộc đời sang, hèn, sướng, khổ… từng có một lần nào đó, vội vã chen chúc, bước nhanh chân cho kịp chuyến đò ngang.

Giống như biển với thuyền, dòng sông và con đò là hai chủ thể song hành, gắn bó với nhau như đôi bạn chung thủy, dù cho thời gian có là vô hạn với những thay đổi, bể dâu. Văn hóa đò ngang với tiếng gọi đò và người lái đò sẵn sàng dậy sớm thức khuya đưa khách sang sông cho kịp phiên chợ, hay đưa khách từ phương xa vượt sông về nhà lúc nửa đêm, đã đi vào thơ nhạc. Người lái đò ĐBSCL không phiền hà rằng chuyến đò lúc trời về sáng đó “lỗ vốn” vì khách lỡ đường chỉ 1, 2 người, tiền công chẳng đáng là bao. Họ xem việc đưa khách sang sông bất cứ khi nào và giờ nào; bất kể chuyến đò vắng hay thưa; là đạo đức nghề nghiệp và chuyện phải đạo. Đó là một nét đẹp trong cuộc sống quá khứ cũng như hiện đại của người ĐBSCL.

Bến đò, con đò, người đưa đò… là những hình ảnh mà khi nhắc đến ĐBSCL, người ta dễ hình dung và có ấn tượng nhất. Hầu như bất cứ một làng thôn nào ở xứ sở sông nước này cũng có. Đã có biết bao nhiêu áng văn, bài thơ, tranh ảnh, tuồng, kịch, phim, truyện, tiểu thuyết phản ánh hình tượng đặc trưng nầy như là một sắc thái mang đậm nét văn hóa, văn minh  sông nước của vùng đất. Những chuyến đò ngang và chuyến phà đã in sâu vào tiềm thức và trở thành một phần “hồn vía” đã quyện vào đất  nước, con người của cư dân Nam bộ, từ thuở xa xưa đi mở đất cho đến bây giờ.

Đò dọc (đò chợ)

Nếu con đò ngang chỉ đưa người qua một khúc sông nào đó, rồi tiếp tục cuộc hành trình bằng đường bộ, thì đò dọc sẽ đưa người ta đến nơi đến chốn, hoàn toàn bằng đường thủy. Đò dọc từ xa xưa và đến cận đương đại, là phương tiện giao thông chủ yếu của người ĐBSCL, dùng để đi lại làm ăn, thăm viếng, giao lưu và chuyên chở hàng hóa, nhu yếu phẩm. Đò dọc có lộ trình hoạt động khá dài, từ miền (miệt) này sang miệt khác, từ thành phố, thị xã về nông thôn và giữa các địa phương với nhau. Đò dọc do tính chất của nó mà nhiều nơi còn gọi là “Đò chợ”.

Đò dọc chạy tuyến Cà Mau- Đất Mũi đang dần tiến về chợ Đất Mũi. Ảnh: DUY KHÔI

Có những chuyến đò dọc nổi tiếng và đến bây giờ vẫn còn hoạt động hữu hiệu là đò dọc Thành phố Hồ chí Minh đi Cà Mau, Sóc Trăng- Cần Thơ, Cần Thơ- Vị Thanh (Hậu Giang). Những chuyến đò này có thủy trình tốn khá nhiều thời gian, có khi lên đến một, hai ngày. Nhưng được cái lợi là giá vận chuyển thấp, hàng hóa chở được số lượng nhiều, người đi được nghỉ ngơi thoải mái nếu không có gì gấp rút. Đò dọc đi qua rất nhiều vùng miền của ĐBSCL, như một tour du lịch ổn định, rẻ tiền. Với một số đò dọc đi đường xa, người ta có bán đủ thứ thức ăn, nước uống, sách báo giải trí. Khách mỗi người sẽ có một chiếc võng riêng để nghỉ ngơi. Ngày xưa, trên đò dọc có máy hát dĩa để cho khách nghe, quên đi sự ngán ngẩm đường dài, ngày nay truyền hình, băng đĩa đã thay thế, phục vụ việc này .

 Đò dọc thường ghé nhiều bến để lên xuống, bốc dỡ hàng hóa mà các chủ hàng, đại lý ở chợ lớn gởi cho các chủ tiệm, chủ cơ sở ở các chợ nhỏ hoặc vùng nông thôn xa xôi, nơi đường bộ còn hạn chế. Khi đò dọc ngừng ở các  bến hoặc chợ, sẽ có một đội quân bán hàng rong rất đông đảo tràn xuống khoang đò chào mời khách hàng đủ món. Ăn hàng rong, mua linh tinh, lặt vặt vài món đồ nhỏ cũng đã trở thành một thói quen dễ chịu của những người đi đò dọc.

Những người đi đò dọc vài lần sẽ trở thành khách quen của chủ đò và những người thường đi chung chuyến đò. Có người lúc cha mẹ dắt về quê hãy còn bé, chạy lon ton, thế mà chừng hai mươi năm sau trở về, dẫn thêm vợ hoặc chồng với con bế, con bồng trên tay. Con đò và dòng sông bao giờ cũng cởi mở bao dung, cho dù ta có đi bao nhiêu năm, khi trở lại vẫn như người thân. Vẫn tiếng máy giòn giã, đò de tới de lui, ghé cho được những bờ bãi dù nước lớn, nước ròng hoặc nắng nôi hay mưa gió bão bùng. Người ta phụ bến bờ, chứ bến bờ, con đò và dòng sông vẫn chờ người trở lại. Văn hóa đò dọc thật đáng quý.

Đò dọc thường đóng bằng gỗ sao núi, khá lớn, có thể chở trên dưới trăm khách với nhiều hàng hóa. Mũi đò hơi ghếch lên. Trước mũi có vẽ hoặc chạm nổi hai con mắt to bằng cái miệng chén, có tròng đen- đỏ phân minh. Đó là tục lệ từ xưa truyền lại, mục đích làm cho các loài thủy quái thấy khiếp sợ mà không dám xâm phạm. Đò dọc thường trang bị máy dầu, động cơ khoẻ, chạy bền. Trên đò có nhiều phao cứu sinh bằng thùng nhựa xâu lại để phòng sự cố. Đò dọc thường chạy gần bờ nên độ an toàn  cao. 

Có một điều khá thú vị là, trước đây, đa phần các “tài công” (người lái đò, tàu) ít khi qua trường lớp chính. Những người lái trước, thường là cha chú, anh em truyền đạt lại nghề lái. Tuy vậy, tài công thường là những tay lái rất thiện nghệ, trưởng thành từ sông nước, qua một thời gian khá dài làm phụ lái. Họ thuộc lòng từng luồng lạch, con nước đến mây gió, mưa giông…

Đò dọc từ bao đời nay gắn bó với người đồng bằng như máu thịt; là một trong những đặc trưng, sắc thái tiêu biểu của văn minh sông nước Nam bộ. Trong chúng ta, có lẽ, có rất nhiều người đã từng đi trên những chuyến đò dọc quê hương...

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Chia sẻ bài viết