07/06/2009 - 08:40

Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội

"Đo lường" như thế nào?

“Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không theo nhu cầu xã hội” là chủ đề năm học 2007-2008 ở bậc đại học. Từ đó, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội trở thành cuộc vận động lớn của ngành giáo dục nói riêng và của toàn xã hội nói chung. Nhiều hội thảo từ cấp trường đến cấp quốc gia về vấn đề này cũng đã được tổ chức; những hợp đồng đào tạo- sử dụng giữa nhà trường và các đơn vị tuyển dụng được ký kết... Những động thái này cho thấy đã có bước chuyển biến tích cực trong “Nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội”. Tuy nhiên, để đào tạo đáp ứng được nhu cầu xã hội vẫn còn không ít vấn đề phải xem xét lại.

Theo ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, nói đến đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội phải tính đến 3 yếu tố: nhu cầu về số lượng, nhu cầu về ngành nghề đào tạo, nhu cầu về chất lượng. Nhu cầu về số lượng, về ngành nghề đào tạo không chỉ gắn với nhu cầu của xã hội đối với nguồn nhân lực ở một lĩnh vực nào đó, mà còn có mối liên kết với nhu cầu học tập của thí sinh. Hằng năm, trong hàng trăm ngành nghề đào tạo, có ngành thí sinh đăng ký dự thi tăng cao nhưng cũng có ngành rất ít thí sinh đăng ký dự thi. Tất nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh bao giờ cũng phải cân đối giữa các mặt: nhu cầu học tập- khả năng đào tạo của nhà trường- nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Nhu cầu học tập của thí sinh thì hoàn toàn có thể nắm bắt được thông qua những con số thống kê thí sinh đăng ký dự thi ở các ngành nghề. Trong khi đó, việc xác định ngành nghề nào mà xã hội đang cần và cần bao nhiêu thật sự không phải là chuyện đơn giản. Hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường đại học chủ yếu căn cứ trên cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên của các trường. Tại một hội nghị về đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL được tổ chức ở TP Cần Thơ cách nay vài năm, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề cập đến việc thành lập trung tâm dự báo nguồn nhân lực cho vùng, thế nhưng, đến nay, vẫn chưa thấy động tĩnh gì!? Trong khi đó, đây là yếu tố hết sức quan trọng đối với việc qui hoạch ngành nghề, qui mô đào tạo và cũng là một trong những yếu tố được thí sinh quan tâm hàng đầu khi chọn ngành nghề.

Nếu như nhu cầu về số lượng, về ngành nghề có thể đo lường được, thì nhu cầu về chất lượng lại khá trừu tượng. Quan niệm phổ biến hiện nay đánh đồng chất lượng đào tạo với việc sinh viên học xong phải ra làm được việc ngay; còn ngược lại thì chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Và chất lượng đào tạo được đặt “trọn gói” lên vai nhà trường. Thật ra, theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, kiến thức của con người là kết quả quá trình tích lũy từ nhiều nguồn khác nhau: tự học, học tại trường, tập huấn thêm khi nhận việc làm... Trong đó, kiến thức học ở trường là nền tảng để mỗi người có thể tự học và học được trong quá trình làm việc. Như vậy, “học xong ra làm việc được ngay” không phải chỉ là trách nhiệm của riêng nhà trường mà đó còn là trách nhiệm của người học, của các đơn vị sử dụng lao động. Trong chuỗi trách nhiệm đó, nhà trường sẽ cung cấp những kiến thức nền tảng, cơ bản còn các đơn vị sử dụng nguồn lực lao động phải hướng dẫn, bổ sung để phù hợp với công việc và người học phải tự thân vươn lên để đáp ứng nhu cầu xã hội. Tất nhiên, nhà trường phải lắng nghe xã hội đánh giá như thế nào về sản phẩm của mình để có những cải tiến phù hợp trong chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, quá trình kiểm định chất lượng- với phần tự đánh giá của nhà trường và đánh giá ngoài- sẽ cho câu trả lời chính xác về chất lượng đào tạo của nhà trường.

Lại một mùa thi tuyển sinh nữa đang đến gần. Năm nào cũng vậy, trên mục tư vấn của các phương tiện thông tin đại chúng, tại các buổi tư vấn tuyển sinh, luôn tràn ngập các câu hỏi của thí sinh: ngành nào xã hội đang có nhu cầu? ngành nào ra trường dễ tìm việc làm? có nhiều trường cùng đào tạo ngành A nhưng trường nào đào tạo tốt nhất?... Câu trả lời cho thí sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cũng như sự nhìn nhận, đánh giá của một vài cá nhân hoặc của một số trường. Điều tra xã hội học để có những dự báo khoa học về nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở cho qui hoạch ngành nghề, qui mô đào tạo; kiểm định chất lượng để có câu trả lời minh bạch về chất lượng đào tạo của các trường- đó là những việc cần thiết, là nền tảng để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

N. KHUÊ

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
đào tạo