15/12/2011 - 16:06

Do đâu đội tuyển Hàn Quốc sa thải HLV Cho Kwang-Rae ?

HLV Cho Kwang-Rae bị sa thải chỉ sau 17 tháng cầm quân. Ảnh: Getty

Chỉ vài phút sau cuộc gặp với chủ tịch mới bổ nhiệm của Ủy ban kỹ thuật Hiệp hội bóng đá Hàn Quốc (KFA) Hwangbo Kwan, vốn giám sát đội tuyển quốc gia, HLV Cho Kwang-Rae đã bị sa thải. Vụ việc này đang đẩy bóng đá Hàn Quốc vào vòng xoáy khủng hoảng.

Có vẻ như nguyên nhân trực tiếp sa thải HLV là do thất bại bất ngờ của đội tuyển Hàn Quốc trong trận đấu áp chót của vòng loại World Cup 2014 gặp Liban hồi tháng 11. Thua 1-2 ở Beirut là điều khó chấp nhận đối với cổ động viên và báo giới xứ Kim Chi khi mà đội bóng “con cưng” của họ từng đè bẹp đối thủ này tới 6-0 trên sân nhà chỉ 10 tuần trước đó.

Ông Cho Kwang-Rae dẫn dắt tuyển Hàn Quốc vào tháng 7-2010, sau khi kết thúc thành công hành trình ở World Cup 2010 với thành tích vào tới vòng đấu loại trực tiếp lần đầu tiên trên “đất khách”. Ông đã truyền đạt lối đá tấn công đẹp mắt, hấp dẫn và tốc độ cho các cầu thủ, bất chấp bị chỉ trích vì cố gắng đạt được điều đó bằng mọi giá và gần như trong mọi tình huống. Ông đã mạnh tay trẻ hóa đội tuyển khi bổ sung một số cầu thủ lứa tuổi U-19 và U-21. Nhờ vậy, Hàn Quốc đã tham gia giải cúp châu Á hồi tháng Giêng với đội hình trẻ nhất giải, nhưng đã có màn trình diễn khá ấn tượng khi về “đích” thứ ba. Đội tuyển xứ Kim Chi cũng có những chiến thắng thuyết phục trong các trận giao hữu với Honduras, Serbia và Ghana. Thời điểm này, bóng đá Hàn Quốc xuất hiện nhiều ngôi sao mới như Ji Dong-Won, Koo Ja-Cheol và Yoon Bitgaram.

Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu thay đổi sau khi Hàn Quốc thúc thủ 0-3 trên sân nhà trước đối thủ láng giềng Nhật Bản hồi tháng 8-2011. Và “giọt nước tràn ly” sau thất bại ở Beirut. Giới truyền thông Hàn Quốc gọi cái thua trước Liban là “Thảm họa Sapporo”.

Theo ông Hwangbo, có nhiều lý do để sa thải ông Cho Kwang-Rae. Ủy ban kỹ thuật KFA đã nghiên cứu các trận đấu và đi đến quyết định phải thay ông Cho Kwang-Rae để Hàn Quốc vượt qua vòng loại World Cup. Các nhà tài trợ cũng gây sức ép lên KFA nhằm đảm bảo rằng Hàn Quốc sẽ có vé tới Brazil năm 2014.

Tất nhiên KFA lo lắng về thiệt hại tài chính nếu tuyển quốc gia bị loại. Hàn Quốc đã 7 lần liên tiếp góp mặt ở World Cup, có nghĩa là không ai có thể tưởng được điều gì sẽ xảy ra nếu họ không nằm trong số 32 đội tranh tài ở Brazil. Tuy nhiên, sức ép như vậy cũng từng xảy ra vòng loại 2010 đối với HLV Huh Jung-Moo, nhưng ông vẫn đưa Hàn Quốc lọt vào vòng 16 đội tại World Cup Nam Phi. Hơn nữa, hiện tại dù thua Liban nhưng các chiến binh Taeguk vẫn đứng đầu bảng B và chỉ cần thêm 1 điểm trên sân nhà trước Koweit vào tháng 2 tới là đã giành chiếc vé vào vòng loại cuối cùng gồm 10 đội. Tuyên bố của ông Hwangbo gây ra sự hoài nghi.

Vấn đề bị mổ xẻ trước hết là sự chi phối của các doanh nghiệp đối với KFA, mà cụ thể là Chung Mong-Joon, chủ tịch Hyundai Heavy Industries - công ty đóng tàu lớn nhất thế giới. Trong làng bóng Hàn Quốc, dư luận râm ran rằng nếu ai đó muốn có vị trí trong KFA thì xuất thân từ Hyundai và có sự ủng hộ của ông Chung là gần như nắm chắc phần thắng. Chủ tịch KFA hiện nay Cho Chung-Yeon chắc chắn có sự ủng hộ đó và ông đang dự định tái cử vào đầu năm 2013. Người đang thách thức ông là Ha Sung-Pyo của trung tâm nghiên cứu bóng đá Hàn Quốc.

Ông Ha Sung-Pyo là người cấp tiến có thể phá vỡ các giá trị bảo thủ đã thiết lập trong “guồng máy” của Chung. HLV Cho Kwang-Rae được xem là đồng minh chủ chốt của Ha Sung-Pyo. Vì vậy, một số người cho rằng việc HLV Cho Kwang-Rae bị sa thải không liên quan gì tới thất bại của Hàn Quốc trước Liban, mà chỉ vì cuộc đua tranh chức chủ tịch KFA.

THIÊN QUỐC (Soccernet)

Chia sẻ bài viết