14/05/2012 - 09:41

Đồng bằng sông Cửu Long

Định hướng phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)- vùng trọng điểm lương thực của Việt Nam - là một trong những điểm nóng của thế giới về biến đổi khí hậu (BĐKH). Hiện nay, diễn biến thời tiết ngày càng xấu đi đã và đang tác động ngày càng nặng nề lên khu vực này. Tham vấn, định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL là một trong những chương trình mà các bộ ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế tập trung thực hiện, nhằm giúp các địa phương trong khu vực ĐBSCL xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với bối cảnh BĐKH.

NGUY CƠ TỪ BĐKH

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng ĐBSCL (gồm 13 tỉnh, thành) có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, dân số hơn 17 triệu người, được xem là một trong những vùng có mật độ dân số cao của cả nước cũng như trên thế giới. Trong những thập niên vừa qua, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của vùng dù đạt được nhiều kết quả đáng kể như: Vùng ĐBSCL đã trở thành vựa lúa cung cấp trên 50% sản lượng gạo quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và hơn 74% lượng thủy sản nuôi của cả nước. Kết quả này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu mạnh về thủy sản và là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới.

Biến đổi khí hậu tác động dòng chảy, gây sạt lở bờ sông. Trong ảnh bờ sông Trà Nóc, phường Trà An, quận Bình Thủy bị sạt lở vào ngày 1-5-2012, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân. 

Tuy nhiên, vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn, thách thức như: Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, công tác quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu, quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ, đầu ra cho sản phẩm hàng hóa không ổn định, môi trường bị ô nhiễm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến người dân. Đặc biệt sự phát triển của vùng trong tương lai sẽ bị đe dọa bởi nguy cơ BĐKH và được xác định là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nặng nề nhất của Việt Nam. Tác động của BĐKH sẽ tạo thêm nhiều bất cập và nguy cơ lớn hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Thời gian qua (1996-2011), ĐBSCL bị lũ, lụt đã làm chết trên 7.500 người và thiệt hại về tài sản lên tới 1,5% GDP của quốc gia. Các hiện tượng thiên tai như bão, lũ trong những năm gần đây được ghi nhận ngày càng trở nên trầm trọng về quy mô, tần suất và hậu quả.

Thực trạng BĐKH đã tác động mạnh đến đời sống và sản xuất của ĐBSCL. Dự báo đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có khoảng 45% đất có nguy cơ nhiễm mặn cục bộ và thiệt hại mùa màng do lũ lụt. Sự nhiễm mặn ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng và giảm năng suất của lúa. Trung bình, năng suất lúa có thể giảm đến 20 - 25%, thậm chí đến 50%. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: Lũ lụt và xâm nhập mặn là 2 tác động chính đến ĐBSCL. Diện tích và sản lượng nông nghiệp suy giảm, đe dọa an ninh lương thực, đói nghèo gia tăng, môi trường và tài nguyên thiên nhiên suy kiệt. Theo ông Tuấn, để ứng phó với biến đổi khí hậu, mỗi tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL phải đánh giá hiện trạng, nghiên cứu và đề xuất các biện pháp khả thi nhằm thích ứng và giảm thiểu các tác động tiêu cực.

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng thì vài thập niên tới sẽ xuất hiện sự gia tăng về nền nhiệt độ; mưa và bão sẽ bất thường; tình hình lũ, hạn và mặn sẽ có diễn biến phức tạp; sự gia tăng diện tích, mức độ và thời đoạn ngập, xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến thay đổi các điều kiện tự nhiên và các nguồn tài nguyên trên đồng bằng vùng ven biển và các vùng ngập lũ. Các thay đổi về đất như: đất ngập nước, đất phèn, xói lở bờ sông, bờ biển... sẽ gia tăng. Từ đó kéo theo sự gia tăng về dịch bệnh trên động vật, sâu bệnh trên cây trồng và làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và đời sống con người.

ỨNG PHÓ, THÍCH NGHI BĐKH

Cuối tháng 4-2012, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Viện Tư vấn phát triển (CODE) đã tổ chức hội thảo “Tham vấn định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH”. Hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp tiếp cận toàn diện, tổng thể để có thể giải quyết đồng bộ các vấn đề phát triển như đối phó với nước biển dâng, lũ lụt, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán bất thường nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong thời gian tới. Tham gia hội thảo có gần 150 đại biểu là nhà quản lý, nhà nghiên cứu đến từ nhiều bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia nước ngoài.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đưa ra một số vấn đề cần quan tâm như: ngành nông nghiệp - thủy sản ĐBSCL phát triển trong bối cảnh hội nhập và BĐKH; một số vấn đề phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL nhằm thích ứng BĐKH và nước biển dâng; kế hoạch phát triển châu thổ ĐBSCL đến năm 2100... Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thích ứng BĐKH trên cần được sự quan tâm, thực hiện của các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Đặc biệt chú ý đến giải pháp phát triển bền vững nền nông nghiệp, vì ĐBSCL là vựa lúa của quốc gia, đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước và thế giới. Trong đó những giải pháp cần khẩn trương thực hiện như: tiếp tục nâng cấp các tuyến đê sông, biển, hệ thống thủy lợi hiện hữu nhằm đảm bảo chủ động nguồn nước và chất lượng nước phục vụ cho các ngành kinh tế, giảm thiểu các thiệt hại do lũ và ngập triều gây ra; các công trình, dự án phải có tính liên kết vùng, đa ngành, đặc biệt các công trình thủy lợi phải kết hợp với giao thông, nhất là các công trình trên sông lớn; phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn, chủ động chống ngập úng do triều cường và nước biển dâng, đảm bảo cấp nước phục vụ cho sản xuất ở các vùng ven biển; thực hiện giải pháp chôn nước tại chỗ (hồ sinh thái, kênh hở...) tích nước mưa, trữ nước mùa lũ để cấp lại trong mùa khô hay điều tiết nước; xây dựng và phát triển hệ thống vành đai ngăn mặn, gió bão bằng rừng ngập mặn.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng vừa đề nghị Chính phủ phê duyệt 24 dự án khắc phục hậu quả, ứng phó BĐKH tại các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, với tổng mức đầu tư là 14.594,5 tỉ đồng từ Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012 - 2015. Khi các dự án này được triển khai thực hiện thì ĐBSCL sẽ hạn chế mức thiệt hại do thiên tai và BĐKH gây ra.

Ông Bùi Ngọc Sương, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: “ĐBSCL ngày càng đối diện với những tác động bất lợi của BĐKH cũng như những thách thức từ các hoạt động phát triển. Vì Vậy, việc phát triển ĐBSCL trong thời gian tới cần có một cách tiếp cận toàn diện, tổng thể để giải quyết đồng bộ các vấn đề như đối phó với nước biển dâng, lũ lụt, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán bất thường nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết