23/05/2016 - 20:49

Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ

Chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ hết sức quan trọng, không những cho sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi. Giáo sư – Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Hải Thủy, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam có những chia sẻ bổ ích cho chị em sắp và đang mang thai về chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ.

Chế độ dinh dưỡng của thai phụ thường chia 3 giai đoạn dựa trên nhu cầu phát triển của thai nhi gồm:

* Dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ:

Dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ là cơ sở cho sự phát triển của thai nhi chuẩn bị cho các giai đoạn sau, cũng là lúc cơ thể người mẹ thay đổi để chuẩn bị cho con ra đời. Phần lớn thai phụ gặp vấn đề ốm nghén trong giai đoạn này. Buồn nôn và nôn mửa xảy ra, thật khó khăn để thai phụ ăn ngon miệng và tiêu hóa tốt. Do đó, chị em có thể chia nhiều bữa ăn nhỏ hoặc ăn nhẹ vào nhiều thời điểm thuận tiện trong ngày. Nước gừng và chanh có thể giúp giảm cảm giác buồn nôn vào buổi sáng, bữa ăn trở nên ngon hơn. A xít folic là chất vi lượng quan trọng nhất trong số các vi chất cần bổ sung, có vai trò trong sự phân chia tế bào của thai nhi và giảm nguy cơ trẻ bị khuyết tật hệ thống thần kinh, nên nhất thiết đảm bảo cung cấp đầy đủ trong ba tháng đầu thai kỳ. A xít folic có nhiều trong rau xanh, tuy nhiên, khoảng 50- 90% vi chất này bị mất khi chế biến, vì thế tránh chế biến quá lâu. Bên cạnh đó, các loại: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa và tàu hủ cũng cung cấp nhiều chất đạm hỗ trợ sự phát triển của bào thai. 50% chất đạm thai phụ ăn dùng để phát triển thai nhi, 15% dùng để tạo môi trường thai nhi sống. Nếu thời kỳ đầu mang thai ăn nhiều chất đạm sẽ ảnh hưởng lớn sự phát triển thai nhi. Quýt có chứa Vitamin B6, B12 tham gia vào quá trình điều hòa thần kinh và giúp nâng cao khả năng miễn dịch. Nếu thiếu những vitamin này dễ khiến tinh thần bất an, nôn nóng, chán ăn. Khẩu phần ăn hằng ngày cho thai phụ với hoa quả và rau củ, giúp cung cấp đầy đủ chất xơ và vitamin cho cơ thể, phòng, chống bệnh táo bón. Bên cạnh đó, thai phụ cần uống nhiều nước, giúp hệ tiêu hóa, tuần hoàn hoạt động dễ dàng và chống táo bón. Giai đoạn này sản phụ tăng trọng khoảng 1 – 2kg.

Dinh dưỡng hợp lý giúp cả mẹ và con đều khỏe mạnh. Trong ảnh: Bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Liêm, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ thăm hỏi sản phụ sau sinh.

* Dinh dưỡng 3 tháng giữa thai kỳ

Sau thời gian ốm nghén, chán ăn những tháng đầu, phần lớn thai phụ sẽ bắt đầu việc ăn uống tốt trở lại. Thời điểm này thai nhi sẽ phát triển rất nhanh nên việc hấp thu đầy đủ dinh dưỡng rất quan trọng. Đây là giai đoạn các bà mẹ gia tăng chế độ ăn nhằm cung cấp một lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cả mẹ và thai nhi. Giai đoạn này, sản phụ phải tăng trung bình từ 3 – 4kg, đồng thời phải đảm bảo đủ các dưỡng chất, vi chất cần thiết. Bốn nhóm thực phẩm cơ bản nói trên vẫn tiếp tục được duy trì.

Một số sản phụ trong thời kỳ này thường hồi hộp, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt,… có thể là biểu hiện của hạ đường huyết, thường xảy ra ban đêm, nhất là gần sáng, làm sản phụ thao thức, khó ngủ. Vì thế, để an toàn, thai phụ nên ăn nhẹ trước khi ngủ. Đặc biệt, chị em cần chú ý tình trạng thiếu máu, liên quan thiếu sắt và yếu tố vi lượng. Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu sử dụng sắt của cơ thể người mẹ tăng lên. Sắt có mặt ở hầu hết thực phẩm, đặc biệt là thịt động vật. Nhưng không phải lúc nào sắt cũng được hấp thu tốt, vì vậy cần cung cấp đủ vitamin C để thúc đẩy việc hấp thu sắt. Ngoài ra, can xi là khoáng chất rất quan trọng khi mang thai. Việc cung cấp đủ nhu cầu can xi thời kỳ mang thai, giúp hình thành, phát triển bộ xương thai nhi và duy trì trọn vẹn hệ thống xương người mẹ. Can xi còn có vai trò giúp sự co cơ, hoạt động co bóp cơ tim, sự đông máu. Lưu ý nên uống sắt và can xi cách xa bữa ăn và cách xa nhau để tránh giảm hấp thu. Thực phẩm chứa nhiều can xi gồm: sữa, cua, tôm, cá,… Nếu thức ăn cung cấp không đủ có thể bổ sung can xi theo đường uống. Nguồn cá biển như: cá thu, cá hồi, cá ngừ… là thực phẩm chứa nhiều protein, dễ hấp thu, đặc biệt chứa thành phần các acid béo không no, hỗ trợ sự phát triển não bộ và thị giác thai nhi. Tuy nhiên, sản phụ cần lưu ý, các loại cá biển có thể chứa hàm lượng thủy ngân ở mức nguy hại, ảnh hưởng hệ thần kinh đang phát triển của bé. Vì vậy, nên lựa chọn thực phẩm tươi, đảm bảo chất lượng và không nên ăn quá 3 lần/tuần.

* Dinh dưỡng 3 tháng cuối thai kỳ:

Ba tháng cuối thai kỳ là giai đoạn sản phụ tăng cân nhiều nhất, có thể tăng tới 5kg – 6kg, cũng là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh nhất. Vì vậy dinh dưỡng trong 3 tháng cuối rất quan trọng đối với sức khỏe mẹ và bé. Nếu như nhu cầu năng lượng phụ nữ độ tuổi sinh đẻ không mang thai trung bình 2.200kcal/ngày thì sản phụ 3 tháng cuối phải bổ sung 350kcal/ngày, nghĩa là nhu cầu trung bình là 2.550kcal/ngày. Chế độ dinh dưỡng thai phụ giai đoạn này cũng tăng tương ứng, nhưng phải hợp lý để tránh các nguy cơ bệnh tim mạch (tăng huyết áp), rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, phù hoặc béo phì…).

Thu Sương (lược ghi)

Chia sẻ bài viết