30/09/2012 - 21:05

Dinh dưỡng hợp lý cho người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp

Đoàn y, bác sĩ khám bệnh từ thiện đo huyết áp cho người dân ở huyện Thới Lai.

Tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm và khá phổ biến, đặc biệt, thường gặp ở những người lớn tuổi, do những biến chứng liên quan đến tim mạch. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, cách hữu hiệu nhất để giúp người già đối phó với bệnh tăng huyết áp là thay đổi lối sống như: kiêng rượu, thuốc lá, chất kích thích, ăn giảm muối, vận động vừa phải...

Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính, biểu hiện chính là tăng áp lực động mạch, có thể gây ra biến chứng ở nhiều cơ quan như tim mạch, não, thận và mắt như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, phù thận, suy thận, mờ mắt, xuất huyết và phù gai thị... Tổ chức Y tế Thế giới gọi "tăng huyết áp là kẻ giết người số 1", vì hàng năm có tới 17 triệu người trên toàn thế giới chết, có liên quan đến bệnh tăng huyết áp.

Tăng huyết áp cũng được coi là "kẻ giết người thầm lặng", vì người bệnh thường có rất ít các triệu chứng biểu hiện như: đau đầu, chóng mặt, ù tai, mặt đỏ bừng... Có không ít trường hợp bệnh nhân vừa có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì cũng chính là lúc họ đã tử vong đột ngột do bị xuất huyết não nặng. Do vậy, mọi người cần phải thường xuyên kiểm soát huyết áp của mình cũng như có các biện pháp phòng bệnh và sống khỏe mạnh, lâu dài cùng căn bệnh này.

Bà N.T.L, 57 tuổi, ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy cho biết, bà đã phát hiện bị bệnh tăng huyết áp gần 10 năm nay. Ban đầu, bà chỉ cảm thấy nhức đầu, chóng mặt nhưng rồi triệu chứng này cũng qua rất nhanh. Khi bà đi khám bệnh thì mới biết mình bị tăng huyết áp. Bà rất lo lắng cho sức khỏe và bệnh tình của mình, nhưng nhờ tuân thủ tốt hướng dẫn điều trị của bác sĩ, cộng với việc thay đổi chế độ ăn uống, vận động hằng ngày nên bà đã kiểm soát tốt huyết áp của mình. Trong khẩu phần ăn hằng ngày, bà L. đã hạn chế lượng muối, ăn nhiều rau xanh và trái cây nhằm đảm bảo đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Còn ông L.V.P., 63 tuổi, ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều cũng đã bị tăng huyết áp hơn 5 năm nay. Ông P. cho biết: "Các bác sĩ bảo, tôi bị bệnh huyết áp là do thường uống rượu và hút thuốc lá. Mấy năm nay, khi biết mình bị bệnh, tôi đã bỏ hẳn rượu, giảm hút thuốc lá hằng ngày, kết hợp với đi bộ vào buổi sáng và tối, nên huyết áp của tôi ổn định". Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong, Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, thì bệnh tăng huyết có thể phòng, chống được và phụ thuộc vào hành động của mỗi người. Tăng huyết áp là bệnh rất phổ biến nên việc kiểm tra huyết áp thường xuyên (có thể đo huyết áp tại nhà) là rất quan trọng.

Các đối tượng nguy cơ dễ bị tăng huyết áp như: người cao tuổi, cán bộ, công chức văn phòng; người luôn chịu những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống, người mắc nhiều bệnh lý đi kèm như: béo phì, tiểu đường, rối loạn lipid máu… Trong đó, nguyên nhân do thừa cân, béo phì vẫn là yếu tố nguy cơ cao hơn hết. Cũng theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong, những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp cần phải điều chỉnh cuộc sống hợp lý. Nếu người bệnh bị thừa cân, béo phì thì phải giảm cân, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tránh căng thẳng, lo âu, tập thể dục hằng ngày. Với những bệnh nhân đã xuất hiện biến chứng thì việc điều trị tăng huyết áp cần được thực hiện nghiêm túc và lâu dài, duy trì kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác như rối loạn đường máu, lipid máu... để có thể kiểm soát kịp thời; không nên ăn nhiều chất béo bão hòa, hạn chế muối trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Có một số thực phẩm, người bệnh tăng huyết áp nên và không nên ăn như: Tránh những loại thực phẩm chứa hàm lượng natri lớn có nhiều trong muối, thịt hộp, snack mặn, bơ và các loại thực phẩm đóng hộp khác, kể cả bột ngọt (mì chính). Nguyên nhân là do natri làm giữ nước làm tăng cung lượng tuần hoàn hơn so với bình thường. Chính vì thế, sẽ cản trở quá trình lưu thông máu, ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển máu đến tim, gây nên chứng cao huyết áp. Người bệnh nên ăn nhiều loại thực phẩm có chứa nhiều kali như chuối, khoai tây, bơ, nước ép cà chua, nước bưởi... Những loại thực phẩm này giúp cho người bệnh cao huyết áp có thể duy trì huyết áp ở mức ổn định. Thay thế việc sử dụng muối hay các loại thực phẩm có chứa nhiều natri vào cơ thể bằng những loại thực phẩm có chứa nhiều canxi và kẽm để giúp hạ thấp áp lực của máu. Những loại thực phẩm có chứa nhiều canxi như sữa ít béo, đậu xanh, cá hồi, súp lơ, đậu hủ. Thực phẩm chứa nhiều kẽm có nhiều trong các loại đậu, hạt hướng dương, mè, đậu phộng… Người bệnh cũng cần hạn chế ăn những chất béo no hay còn gọi là chất béo bão hòa, bởi đây là những thực phẩm làm tăng thêm chất lipoproteins gây ảnh hưởng xấu đến động mạch vành, dễ dẫn đến chứng xơ vữa động mạch. Thực phẩm giàu chất béo chủ yếu là mỡ động vật, trứng, sữa và các hạt có dầu như vừng, lạc, đậu tương...

Người bệnh tăng huyết áp cũng có thể điều trị bằng việc dùng thuốc nhưng phải theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Bài, ảnh: LÊ KHẢI

Chia sẻ bài viết