22/09/2015 - 20:57

TP CẦN THƠ

Định danh vai trò trung tâm thương mại - công nghiệp vùng

TP Cần Thơ được xác định là trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với định hướng này, thành phố đã và đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, có lợi thế. Lĩnh vực thương mại có nhiều ưu thế phát triển và thành phố đang chuyển mình để trở thành đầu kéo cho thương mại- công nghiệp vùng phát triển.

Chuyển biến mới

Giai đoạn 2010-2015, tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ (GDP- giá so sánh 2010) bình quân đạt 12,19%. Cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp- xây dựng, thương mại- dịch vụ và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp- thủy sản. Đến năm 2015, tỷ trọng khu vực I chiếm 6,75%, khu vực II chiếm 35,45% và khu vực III chiếm 57,8% trong cơ cấu GDP. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt 63.888 tỉ đồng, năm 2015 ước đạt 103.324 tỉ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2010 và tăng bình quân 10,1%/năm cả giai đoạn 2010-2015. Theo đánh giá của ngành chức năng, sản xuất công nghiệp thời gian qua đã tập trung phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp (DN) chú trọng đầu tư sản phẩm có giá trị gia tăng, từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, việc thực hiện chương trình "Đổi mới công nghệ giúp phát triển DN nhỏ và vừa thành phố giai đoạn 2013-2017" đã có nhiều chuyển biến tích cực, giúp tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm chủ lực của thành phố.

Đến nay, thành phố có 107 chợ truyền thống (tăng 5 chợ so với năm 2010), 12 siêu thị và trung tâm thương mại đang hoạt động. Giai đoạn 2010-2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 320.916 tỉ đồng, vượt 10,1% kế hoạch, tăng gấp 2,3 lần so với giai đoạn 2006-2010, mức tăng bình quân 20%/năm. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: "Thời gian qua, ngoài tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng thương mại để phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Thành phố còn khuyến khích DN phát triển kênh phân phối đa dạng, đến nay, nhiều loại hình kinh doanh mới như: cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, chợ đêm, trung tâm mua sắm… phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân". Ngành công thương thành phố còn chủ động tổ chức các chương trình xúc tiến, kết nối cung- cầu, tổ chức các đoàn tham gia hội chợ trong và ngoài thành phố, tìm kiếm thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Minh Toại, ngành công thương đã nỗ lực thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các DN. Trong đó, thường xuyên quan tâm khuyến khích các DN tập trung đầu tư sản xuất phục vụ thị trường nội địa; hỗ trợ DN xúc tiến mở rộng giao thương với nước ngoài, tiếp cận các thị trường mới…

Xưởng sản xuất của DNTN Cơ khí Sông Hậu. Ảnh: MỸ THANH

Một số DN đã tạo dựng được thương hiệu, uy tín trên thị trường nội địa và xuất khẩu, nhiều DN có cách làm mới, chủ động tiếp cận thị trường nước ngoài. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Liên hiệp Kim Xuân (khu công nghiệp Trà Nóc), cho biết: "Thành lập năm 1989, đến nay, công ty đã có những bước phát triển khá tốt. Công ty chuyên xuất khẩu đinh dây và xuất khẩu độc quyền sản phẩm đinh bắn súng. Năm nay, chúng tôi vấp phải vụ kiến chống bán phá giá ở thị trường Mỹ, nên công ty đã linh động mở rộng thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và EU và một số quốc gia Đông Nam Á. Công ty luôn chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường và luôn đổi mới cách tiếp thị sản phẩm ra thế giới. Công ty tìm đối tác trên mạng, trước hết là giới thiệu với họ về văn hóa, nét đặc sắc của địa phương để kéo họ đến Việt Nam, mời họ tham quan nhà máy sản xuất, đặt vấn đề ký kết mua bán". Trên lĩnh vực may mặc, nhiều DN luôn đổi mới để giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống. Ông Nguyễn Hậu Giang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần May Tây Đô, chia sẻ: "Công ty thành lập năm 1989, đến năm 2008 cổ phần hóa. Công ty hiện có 1.650 lao động, doanh thu dự kiến đạt 161 tỉ đồng trong năm 2015. Thị trường của công ty xuất khẩu chiếm 95%, còn lại 5% tiêu thụ nội địa. Bình quân một tháng, công ty xuất khẩu 250 ngàn sản phẩm áo và 200 ngàn sản phẩm quần". Mặc dù đã có những bước tiến mới trên thị trường, nhưng nhiều ý kiến của lãnh đạo DN cho rằng, trong xu thế hội nhập, cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt hơn, DN rất mong có liên kết giữa các DN với nhau để chia sẻ kinh nghiệm quản trị, điều hành và tìm thị trường. DN cũng mong muốn có môi trường cạnh tranh, kinh doanh bình đẳng hơn.

Cần hỗ trợ DN củng cố nội lực để hội nhập

Thời gian qua, ngành công nghiệp cơ khí của thành phố đã có những bước phát triển mới, dù con số DN chuyên làm sản phẩm công nghiệp chính xác, công nghiệp hỗ trợ không nhiều nhưng đã tạo ra vệt sáng cho con đường phát triển công nghiệp công nghệ cao, như: Cơ khí Sông Hậu, Cơ khí Thế Dân, DNTN Trí Tuệ… Cơ khí Sông Hậu là đơn vị chuyên sản xuất sơ-mi xi-lanh cung ứng cho khách hàng có nhu cầu sử dụng phụ tùng của các loại máy sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải thủy bộ, đánh bắt thủy hải sản. Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, cho biết: "Trong hội nhập, bắt buộc DN phải đương đầu với cạnh tranh và luôn cẩn trọng thăm dò xu hướng thị trường. Hiện thị trường của chúng tôi ở vùng ĐBSCL, các tỉnh ven biển miền Trung, TPHCM, Hà Nội và một phần xuất tiểu ngạch qua Campuchia. Với những mặt hàng mà DN có thế mạnh, độc đáo và đang làm tốt, có vị trí vững chắc trên thị trường thì chúng tôi không sợ cạnh tranh với các DN lớn từ nước ngoài. Thị trường luôn chú trọng và yêu cầu chất lượng sản phẩm là hàng đầu nên DN phải đi theo con đường này để tồn tại, cạnh tranh. Để giảm áp lực cạnh tranh, DN ưu tiên cung ứng sơ-mi xi-lanh cho động cơ phục vụ ngành nông nghiệp (máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy xới…)". Theo ông Tăng Hồng, DN hiện có khoảng 100 lao động làm việc (kể cả lực lượng lao động học nghề), DN rất khó trong tuyển dụng lao động. Bởi công nghiệp chính xác đòi hỏi công nhân phải lành nghề, nên DN tuyển dụng liên tục để đào tạo vì những lao động trụ được tại DN đều qua hơn 10 làm việc tại đây. Tỷ lệ lao động qua trường lớp đào tạo làm việc tại DN chưa tới 5%, khi tuyển dụng, DN phải đào tạo lại vì kiến thức trường lớp chưa sát với thực tiễn sản xuất.

Trên lĩnh vực may mặc, DN khó khi bán hàng ở thị trường nội địa. Ông Nguyễn Hậu Giang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần May Tây Đô, cho biết: "Năng lực xuất khẩu tốt, còn nội địa rất ít, do có nhiều thương hiệu may mặc nước ngoài tràn vào thị trường Việt Nam. Công ty có 5 cửa hàng tại Cần Thơ và 25 đại lý từ Bình Thuận đổ vào, nhưng doanh số bán hàng chỉ khoảng 28 tỉ đồng/năm, với khoảng 400 ngàn sản phẩm may sẵn tiêu thụ thị trường nội địa/năm. Từ khó khăn này, năm 2015, công ty chỉ tăng 15% về năng suất, đây là cố gắng rất lớn". Theo ông Giang, từ năm 2016, lương công nhân tăng, BHXH cũng tăng theo (mức lương bình quân của lao động công ty hiện nay là 4 triệu đồng/người/tháng) nên DN rất cần sự hỗ trợ của địa phương. DN cần cuộc họp với chính quyền địa phương để kiến nghị gỡ khó về chính sách cho DN và cũng cần liên kết với các DN khác để chia sẻ quản trị, phát triển thị trường.

Với kết quả đạt được trong giai đoạn 2010-2015, thành phố định hướng cơ cấu kinh tế đến 2020: tỷ trọng khu vực I chiếm 7,31%, khu vực II chiếm 32,36%, khu vực III chiếm 60,33% trong cơ cấu kinh tế. Theo đó, giai đoạn 2015-2020, chú trọng phát triển năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghiệp công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, vận hành hiệu quả dự án Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc tại Cần Thơ. Quan tâm phát triển công nghiệp phụ trợ, trước mắt xác định một vài ngành công nghiệp phụ trợ để ưu tiên phát triển. Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có, tiếp tục xây dựng khu công nghệ cao theo quy hoạch. Xây dựng các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao, hình thành rõ nét là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, tạo nền tảng để trở thành thành phố công nghiệp. Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, tới đây, ngành công thương sẽ chủ động tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại, tạo điều kiện cho hoạt động lưu thông hàng hóa và gắn kết với các tỉnh, thành trong cả nước với thị trường khu vực và thế giới. Tập trung hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ và một số sản phẩm khác. Liên kết, hợp tác phát triển toàn diện với TPHCM và các tỉnh ĐBSCL để từng bước đưa Cần Thơ thành trung tâm thương mại dịch vụ, công nghiệp của vùng.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết