18/02/2011 - 09:16

Điều trị sớm các bệnh viêm nhiễm ở phụ nữ

Viêm nhiễm đường sinh dục là bệnh khá phổ biến ở phụ nữ, có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản, tính mạng... Tuy nhiên, nhiều phụ nữ ít quan tâm, điều trị sớm, nhiều trường hợp khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối. Phóng viên Báo Cần Thơ đã gặp gỡ, ghi lại những khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ, về cách phòng, phát hiện sớm các bệnh trên. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh cho biết:

Các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chức năng sinh sản của phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Có ba loại bệnh phụ nữ thường gặp là: viêm nhiễm đường sinh dục dưới âm hộ, âm đạo, cổ tử cung; viêm đường sinh dục trên, viêm niêm mạc tử cung, viêm vòi trứng và phần phụ; viêm vùng chậu cấp, viêm phúc mạc vùng chậu do viêm tai vòi, buồng trứng cấp.

Bác sĩ đang tư vấn cho bệnh nhân cách chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ảnh: THU SƯƠNG 

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm nhiễm đường sinh dục ở phụ nữ phần nhiều là do việc giữ gìn vệ sinh không đúng cách, sức khỏe giảm sút. Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể có thể dẫn đến thay đổi môi trường âm đạo dễ dẫn đến viêm nhiễm. Ngoài ra, do cấu tạo cơ quan sinh dục nữ nằm sâu bên trong và là cơ quan duy nhất thông thương với bên ngoài (qua lỗ âm đạo) vào trong ổ bụng (qua vòi trứng) nên bệnh thường không được phát hiện kịp thời. Lỗ niệu đạo, âm đạo và hậu môn rất gần nhau nên nước tiểu, phân, giun sán dễ xâm nhập vào âm hộ, âm đạo. Đặc trưng cấu tạo của âm hộ, âm đạo rất dễ lắng đọng các chất tiết tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn ẩn nấp, phát triển và khó điều trị. Do chức năng sinh lý nên vùng âm hộ, âm đạo có nhiều tuyến luôn tiết dịch, ẩm ướt nên vi khuẩn gây bệnh cũng dễ dàng phát triển. Việc quan hệ tình dục không an toàn cũng là nguyên nhân mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Việc hành kinh của chị em cũng là “cơ hội” tốt để vi khuẩn phát triển...

Viêm nhiễm cơ quan sinh dục ở chị em thường có các triệu chứng như: sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ hoặc toàn thân, sốt, nhức đầu, chán ăn, mạch nhanh... Bệnh nhân có cảm giác ngứa âm đạo hoặc nóng rát, đau khi quan hệ tình dục, đau bụng dưới, đau hố chậu, rối loạn kinh nguyệt, rong kinh. Tại cơ quan sinh dục có dịch tiết âm đạo khác thường: nhiều, có dạng bọt màu vàng xanh, dạng miếng như sữa đặc, máu hoặc mủ, có mùi hôi. Trong thời kỳ mãn kinh, các triệu chứng không rầm rộ hoặc ít rầm rộ hơn.

Viêm nhiễm đường sinh dục không được phát hiện sớm, điều trị triệt để sẽ làm cho bệnh ngày càng nặng hơn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, thậm chí dẫn đến ung thư. Vì vậy, chị em nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, giữ vệ sinh “vùng kín”, đặc biệt là sau khi sinh, sẩy thai, nạo hút thai. Cần chú ý vệ sinh trước và sau quan hệ tình dục, không dùng chung khăn tắm. Khi có dấu hiệu bất thường ở cơ quan sinh dục, chị em nên đến bác sĩ. Chị em cũng không nên lạm dụng thuốc rửa phụ khoa, vì dùng nhiều sẽ dẫn đến thay đổi môi trường âm đạo tự nhiên. Khi đã mắc bệnh phải kiên trì tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Hiện nay, khi khám phụ khoa các bác sĩ dễ dàng sàng lọc bệnh nhân có nguy cơ tiền ung thư bằng hai cách: xét nghiệm nhanh cho kết quả trong vòng một phút, phết tế bào âm đạo để phát hiện sự thay đổi tế bào bất thường. Trường hợp phát hiện, điều trị bệnh ở giai đoạn đầu thì hiệu quả điều trị cao, ít tốn kém.

THU SƯƠNG (ghi)

Chia sẻ bài viết