14/08/2018 - 07:35

Điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV 

Từ năm 2012, TP Cần Thơ tiến hành điều trị lao tiềm ẩn (dự phòng bệnh lao) cho người nhiễm HIV,  góp phần giảm tỷ lệ người đồng nhiễm lao- HIV, nâng cao sức khỏe, giúp bệnh nhân HIV kéo dài thêm sự sống...

Giảm nguy cơ mắc lao

Sáng 9-8, có mặt tại Khoa Khám chữa bệnh liên chuyên khoa, Trung tâm Y tế quận Cái Răng, hầu hết người nhiễm HIV được hỏi đều có điều trị lao tiềm ẩn. Anh H., một người nhiễm HIV, ở quận Cái Răng, điều trị ARV từ năm 2016 kể: “Tôi vừa điều trị ARV (thuốc kháng vi rút) vừa uống thuốc phòng lao. Tuần đầu uống thuốc hơi nóng, tôi ăn nhiều trái cây, rau xanh, uống nước mát để giảm nóng. Nhờ uống thuốc nên tôi nhiễm HIV từ năm 2001 mà không bị lao. Đến nay, tôi khỏe mạnh, buôn bán bình thường, nuôi sống bản thân và gia đình”.

Nhân viên của Trung tâm Y tế quận Cái Răng làm thủ tục, tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: ĐOÀN LÝ
Nhân viên của Trung tâm Y tế quận Cái Răng làm thủ tục, tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: ĐOÀN LÝ

Cũng như anh H., anh L., tài xế ở quận Ninh Kiều phát hiện nhiễm HIV cách đây gần 4 năm cũng vừa điều trị ARV vừa uống thuốc phòng lao. Anh L. kể: “Tôi nghe nói người nhiễm HIV có nguy cơ mắc lao cao hơn người bình thường. Khi bác sĩ tư vấn, tầm soát bệnh, tôi may mắn chưa bị lao. Bác sĩ khuyên điều trị lao tiềm ẩn, giảm nguy cơ mắc lao, tôi tích cực tuân thủ điều trị dù uống gây khó chịu, khó ngủ,... Mỗi ngày, tôi uống 1 viên vào buổi sáng, trong 9 tháng. Còn thuốc ARV thì uống buổi tối. Nhờ vậy mà bản thân tôi không bị lao, tránh nguy cơ lây bệnh lao cho cả vợ, con và những người xung quanh”.

Lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm là điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng cơ hội xâm nhập, trong đó có bệnh lao. Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc lao gấp 19 lần so với người không nhiễm HIV và có nguy cơ mắc lao kháng thuốc cao. Vì vậy, việc điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV sẽ giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống. Việc khám sàng lọc lao ở người nhiễm HIV rất quan trọng, vì nếu mắc lao thì được điều trị kịp thời, nếu không mắc lao có thể được điều trị lao tiềm ẩn.

Theo bác sĩ Lê Hồng Thúy, Trưởng Phòng Kế hoạch, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, với chương trình HIV- Lao, tất cả những người nhiễm HIV (người lớn) đã được sàng lọc hiện không mắc bệnh lao; trẻ 0-14 tuổi có HIV sống cùng nhà với người bệnh lao, những trẻ này được xác định không mắc lao đều được điều trị lao tiềm ẩn miễn phí.

Điều trị ngay khi phát hiện nhiễm HIV

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, trong 6 tháng 2018, có 218 trường hợp bệnh nhân bắt đầu điều trị lao tiềm ẩn. Theo chị Phạm Thị Huyền Trang, điều dưỡng Khoa Khám chữa bệnh liên chuyên khoa, Trung tâm Y tế quận Cái Răng, trong 7 tháng đầu năm 2018, Khoa đang điều trị ARV cho 536 bệnh nhân. Trong đó đang điều trị điều trị lao tiềm ẩn cho 74 bệnh nhân, số còn lại đã được điều trị trước đó hoặc khi tầm soát bệnh nhân đã bị lao nên điều trị lao. Đối với người lớn, bệnh nhân uống thuốc điều trị lao tiềm ẩn trong 9 tháng; với trẻ em, thời gian uống thuốc là 6 tháng.

Bác sĩ Lê Thị Thắm, Trưởng Khoa Khám chữa bệnh liên chuyên khoa, Trung tâm Y tế quận Cái Răng cho biết, khi bệnh nhân nhiễm HIV, bắt đầu chuẩn bị điều trị ARV, sẽ được tầm soát bệnh lao. Nếu bệnh nhân bị lao, sẽ chuyển sang vừa điều trị lao, vừa điều trị ARV. Nếu bệnh nhân không bị lao, sẽ chuyển sang điều trị lao tiềm ẩn. Một số bệnh nhân điều trị lao tiềm ẩn than phiền khi mới uống thuốc bị nóng trong người, ngứa, đau nhức... bác sĩ tư vấn, kê thuốc điều trị. Thông thường phản ứng khó chịu giảm dần, rồi hết hẳn.

Bác sĩ Phạm Trí Hùng, Trưởng Phòng khám Ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt cho biết: Nếu người nhiễm HIV đã từng mắc lao trước đó hay không phát hiện có bệnh lao đều cần điều trị lao tiềm ẩn ngay. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV vẫn có thể điều trị lao tiềm ẩn ngay. Lao tiềm ẩn chỉ chống chỉ định bệnh nhân dị ứng thuốc, bệnh lý về gan... Trong quá trình điều trị, khi gặp bất cứ phản ứng gì, bệnh nhân cũng cần liên hệ để bác sĩ kịp thời tư vấn, điều trị.

ĐOÀN LÝ

Chia sẻ bài viết