27/03/2018 - 07:45

Điều trị ít xâm lấn 

Dưới sự hỗ trợ của hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã điều trị thành công cho các bệnh nhân bị ho ra máu, tiểu ra máu… Đây là bước tiến dài của ngành điện quang can thiệp trong điều trị ít xâm lấn.

Nút mạch điều trị ho ra máu, tiểu ra máu

Từ ngày 28-2 đến nay, ê kíp can thiệp mạch máu ngoại biên, Khoa X Quang, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã thực hiện nút mạch máu điều trị thành công 3 trường hợp ho ra máu tái phát nhiều lần và 1 trường hợp tiểu ra máu do sang chấn.

Bác sĩ thực hiện nút mạch dưới DSA, điều trị ho ra máu.
Bác sĩ thực hiện nút mạch dưới DSA, điều trị ho ra máu.  

Ông C.V.K, 50 tuổi, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ bị tiểu ra máu, tiên lượng nặng. Ông được truyền máu, điều trị bằng thuốc cầm máu nhưng không thuyên giảm. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, bệnh nhân K. bị chảy máu động mạch phân thùy dưới thận trái. Trước đó 5 tuần, bệnh nhân đã được phẫu thuật lấy sỏi thận và sỏi niệu quản. Sau khi hội chẩn liên khoa Ngoại Niệu và X Quang, các bác sĩ đã thống nhất chỉ định điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp chụp và nút động mạch thận phân thùy dưới thận trái qua hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA). Ngày 11-3, tiến hành thủ thuật, mạch máu thận vùng tổn thương được nút lại thành công bằng coils (một dụng cụ làm tắc mạch). Hiện bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện.

Ê kíp can thiệp mạch máu ngoại biên Khoa X Quang hiện có 2 bác sĩ và nhóm kỹ thuật viên DSA, điều dưỡng viên phụ dụng cụ. Ê kíp đã được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Ngọc Thuấn, Trưởng khoa X Quang, thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ vùng đùi hoặc cánh tay, từ đây, các bác sĩ luồn catheter (ống thông) đến cơ quan tổn thương (đang chảy máu) dưới sự hướng dẫn của máy DSA. Sau đó, một ống thông nhỏ hơn sẽ được luồn tiếp tục bên trong catheter ban đầu để chọn lọc vào đúng các mạch máu đang chảy, các hạt keo sinh học (PVA), Spongel sẽ được bơm vào mạch để bịt kín lại, ngăn máu chảy; nếu mạch máu lớn thì dùng coils để cầm máu. Sau đó, bệnh nhân được chụp kiểm tra lại để đảm bảo không còn chảy máu ở vị trí tổn thương. Đây là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi tay nghề, sự khéo léo của bác sĩ do mạch máu đa dạng, ngoằn ngoèo, xoắn… khó đưa dụng cụ đến cơ quan đích.

Trước đây khi chưa triển khai kỹ thuật này, bệnh nhân ho ra máu, tiểu ra máu do chấn thương, tùy trường hợp mà được điều trị bằng nội khoa hoặc phải phẫu thuật. Khi triển khai kỹ thuật nút mạch, đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, không vết mổ, hạn chế gây mê, an toàn, ít biến chứng, hiệu quả tức thì (cầm máu ngay), tiếp cận những vị trí mà ngoại khoa khó tiếp cận được. Kỹ thuật này cũng được bảo hiểm y tế thanh toán, thời gian nằm viện ngắn.

Nút mạch điều trị u xơ tử cung

Thời gian qua, với hệ thống DSA, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng đã triển khai thành công các kỹ thuật chụp, chẩn đoán và điều trị bệnh lý mạch vành (tim) do ê kíp tim mạch can thiệp; kỹ thuật can thiệp mạch não do ê kíp can thiệp mạch não thực hiện; phương pháp TACE (Transarterial Chemo Embolization - nút hóa chất động mạch qua catheter) điều trị ung thư gan.

Trong thời gian tới, ê kíp can thiệp mạch máu ngoại biên của Khoa X Quang sẽ triển khai song song các kỹ thuật nút mạch trong điều trị ho ra máu, chảy máu trong chấn thương gan, chấn thương thận, chảy máu hoặc huyết khối tắc mạch chi do chấn thương; triển khai nút mạch điều trị u xơ tử cung… Điều này sẽ góp phần hạn chế các trường hợp phải phẫu thuật hoặc can thiệp nặng nề hơn trên người bệnh. Đối với trường hợp u xơ tử cung, nếu được can thiệp kịp thời thì tử cung được bảo tồn và có cơ hội duy trì được khả năng sinh sản. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đang có kế hoạch triển khai thêm một hệ thống DSA mới để giảm tải cho hệ thống đang hoạt động.

H.HOA

Chia sẻ bài viết