16/07/2017 - 14:12

Điều trị hiếm muộn- ngành công nghiệp tỉ đô tại Trung Quốc

Theo Bloomberg, nhu cầu về thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Trung Quốc đang tăng do những thay đổi trong lối sống đã gây ra nhiều vấn đề về sinh sản cho người dân nước này. Ngành công nghiệp hỗ trợ sinh sản tại đây đang bùng nổ với giá trị tiềm năng lên tới 107 tỉ NDT (15 tỉ USD).

Một nghịch lý đang diễn ra tại Trung Quốc - đó là sau khi chính phủ nới lỏng chính sách một con thì những yếu tố như giảm số lượng tinh trùng, mang thai muộn và các rào cản sức khỏe khác khiến nhiều cặp vợ chồng khó thụ thai hơn. Hệ quả là các doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài đang tiến vào giúp sức lẫn tìm kiếm lợi nhuận từ những người muốn sinh con.

Số lượng tinh trùng giảm là một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn cho các cặp vợ chồng Trung Quốc. Ảnh: China Post

Những gia đình hiếm muộn tại quốc gia đông dân nhất thế giới sẵn sàng dốc tiền cho các biện pháp trị liệu. Điển hình như trường hợp của vợ chồng doanh nhân họ Zhang đang điều trị tại một bệnh viện ở Bắc Kinh. Thói quen hút thuốc lá đã góp phần phá hoại khả năng sinh sản của người chồng và đẩy họ trở thành một trong số hàng triệu cặp đôi Trung Quốc phải tìm đến sự hỗ trợ để sinh con. "Vợ chồng tôi rất khó thụ thai tự nhiên và cần giúp đỡ"- Zhang bày tỏ, đồng thời tiết lộ gói IVF mà ông chọn có giá 100.000 NDT cho mỗi vòng thụ tinh.

BIS Research cho biết thị trường IVF của Trung Quốc đã đạt giá trị 670 triệu USD trong năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 1,5 tỉ USD vào năm 2022. Còn theo ước tính của hãng môi giới Hua Chuang Securities, nếu 65% số cặp vô sinh chọn phương án điều trị, thì tổng giá trị của thị trường hỗ trợ sinh sản một ngày nào đó có thể lên tới 107 tỉ NDT với chi phí trung bình 40.000 NDT/ca.

Theo Yanzhong Huang, một chuyên gia về sức khỏe toàn cầu, mật độ tinh trùng của nam giới Trung Quốc đã giảm đáng kể - từ mức 100 triệu tinh trùng/ml ở đầu những năm 1970 xuống chỉ còn 20 triệu tinh trùng/ml vào năm 2012. Còn trong một nghiên cứu thực hiện tại miền Trung nước này, chỉ 18% số người được kiểm tra là đủ tinh dịch để hiến tặng tinh trùng trong năm 2015, so với 56% hồi năm 2001. Trong khi đó, nhiều phụ nữ lại đang chọn sinh con muộn hơn để theo đuổi sự nghiệp. Nhưng khao khát sinh con của người dân Trung Quốc là rất lớn và điều này thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ như IVF.

Nhưng tại thị trường nội địa, giám đốc điều hành hãng United Family Healthcare (thuộc Tập đoàn dược phẩm Fosun Thượng Hải) - Roberta Lipson cho biết các cơ sở y tế công hiện bị quá tải, ảnh hưởng đáng kể tới bệnh nhân. Theo Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc, nước này có 451 ngân hàng tinh trùng và cơ sở y tế được cấp phép chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhưng số lượng đó chưa đủ đáp ứng nhu cầu tại quốc gia có 1,4 tỉ dân.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng gặp một số rào cản pháp lý, chẳng hạn như việc phụ nữ độc thân không được phép trữ đông trứng để sau này sinh con. Những quy định như thế khiến nhiều người cân nhắc việc ra nước ngoài chữa trị. Những nhà điều hành bệnh viện nước ngoài như IHH Healthcare Bhd (đăng ký tại Malaysia và Singapore), Bumrungrad Hospital PCL và Bangkok Dusit Medical Services PCL (đều của Thái Lan) là những doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ việc gia tăng số lượng bệnh nhân Trung Quốc - theo chuyên gia phân tích Laura Nelson Carney.

Công ty chuyên cung cấp liệu pháp sinh sản Úc Virtus Health cho hay dù thường nhận được đề nghị làm đối tác từ các công ty Trung Quốc, nhưng việc lấy được giấy phép kinh doanh tại nước này khá khó khăn. Vì vậy, Virtus Health đã bắt tay với các hãng có dịch vụ du lịch chữa bệnh để giúp đưa bệnh nhân đến được những bệnh viện của họ tại Úc và Singapore. Tương tự, trung tâm Southern California Reproductive Center tại Mỹ tiết lộ khoảng 20% khách hàng của họ hồi năm ngoái đến từ Trung Quốc.

NGUYỆT CÁT

Chia sẻ bài viết