22/03/2018 - 07:48

Điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường ở trạm y tế 

Giữa năm 2017, Cần Thơ triển khai mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm dựa vào y tế cơ sở do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ. Trước mắt triển khai quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp ở 4 trạm y tế…

Thuận tiện cho bệnh nhân

Bà Nguyễn Thị Chín, 62 tuổi ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, bị tăng huyết áp đã gần 5 năm. Gia cảnh neo đơn, bà ở nhà giữ cháu nội để con đi làm nên mấy năm nay bà đều khám, lấy thuốc ở trạm y tế. Bà Chín kể: "Ra trạm y tế vừa gần, vừa khỏi chờ đợi khám. Tôi khám, lấy thuốc mất chưa tới nửa tiếng. Trong khi khám ở quận thì chờ lâu hơn, tốn tiền xe mà thuốc cũng y vậy. Khi nào có biểu hiện bất thường, trạm y tế chuyển ra quận khám. Ở đây, gần gũi nên cán bộ y tế biết rõ bệnh tình của mình, tư vấn cũng kỹ hơn".

Bác sĩ Hoàng Thị Thu Hà khám bệnh tăng huyết áp cho người dân tại trạm y tế. Ảnh: H.HOA
Bác sĩ Hoàng Thị Thu Hà khám bệnh tăng huyết áp cho người dân tại trạm y tế. Ảnh: H.HOA

Để triển khai mô hình này, trạm y tế phân công cán bộ chịu trách nhiệm từng khu vực, cùng cộng tác viên, tổ y tế đến từng nhà dân để điều tra nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp (bằng bảng câu hỏi) ở những người từ 40 tuổi trở lên. Bác sĩ Hoàng Thị Thu Hà, Phó trưởng Trạm y tế phường Thới An Đông cho biết: “Qua lọc danh sách cử tri, toàn phường có 4.655 người trên 40 tuổi. Chúng tôi đã điều tra thực tế được 2.085 người. Qua đó, phát hiện 799 người có nguy cơ bị tăng huyết áp và 925 người có nguy cơ bị đái tháo đường. Dự kiến trong tháng 4-2018, trạm y tế mời người dân đến lấy máu đầu ngón tay để xét nghiệm đường huyết mao mạch và đo huyết áp. Nếu kết quả bệnh nhân bị nguy cơ cao đái tháo đường, sẽ chuyển bệnh nhân về trung tâm y tế quận để xét nghiệm, chẩn đoán bệnh. Sau đó, nếu bệnh ổn, chuyển về trạm y tế theo dõi, quản lý, điều trị. Với bệnh tăng huyết áp, không cần chuyển về quận chẩn đoán, trạm y tế chẩn đoán và theo dõi, điều trị. Hy vọng sau đợt khám sàng lọc, chúng tôi sẽ có tư liệu tốt hơn để hỗ trợ điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân". Hiện nay, dù chưa sàng lọc bệnh nhưng hằng ngày trạm y tế cũng khám, điều trị 3-5 bệnh nhân bị tăng huyết áp và đang quản lý 32 bệnh nhân đái tháo đường.  

Trước đây, trạm y tế chỉ điều trị bệnh tăng huyết áp. Bắt đầu từ tháng 12-2017, triển khai điều trị thêm bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân được cấp thuốc điều trị 30 ngày. Hiện nay, tại trạm y tế, có 4 loại thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp và 2 loại điều trị đái tháo đường. Nếu bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) thì được điều trị theo quy định của bảo hiểm.

Có thể nhân rộng mô hình

 

Bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường còn “ẩn” nhiều

Số liệu thống kê của ngành y tế cho thấy, hiện chỉ có 43% bệnh nhân tăng huyết áp từng được bác sĩ chẩn đoán, tỷ lệ bệnh nhân được quản lý tại cơ sở cũng chỉ chiếm 3,6%. Số bệnh nhân đái tháo đường được bác sĩ chẩn đoán chỉ có 31%.

 

Dự án được triển khai tại phường Long Tuyền, Thới An Đông (quận Bình Thủy); xã Thới Xuân, Trung An (huyện Cờ Đỏ). Bác sĩ Dương Phước Long, Trưởng Khoa Bệnh không lây và Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ cho biết: Dự án tiến hành nhiều cuộc tập huấn từ tuyến thành phố đến ấp, khu vực. Đồng thời trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, giám sát các hoạt động. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm ở trạm y tế. Người dân cũng được phát hiện sớm và điều trị bệnh tại trạm y tế, giảm tải cho bệnh viện.  Mô hình giúp sàng lọc, phát hiện sớm ngay tại cộng đồng, tránh tình trạng bệnh phát hiện muộn. Từ đó tạo nguồn thu cho trạm y tế, lồng ghép được với mô hình bác sĩ gia đình. Mô hình có thể triển khai rộng mà không quá tốn kém.

Trước khi triển khai, cả 4 trạm y tế đều không điều trị đái tháo đường. Hiện nay, tại 4 trạm, chủng loại thuốc điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường đều tăng. Dự án cũng cung cấp thuốc điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường (số lượng ít), tờ rơi tuyên truyền, sách hướng dẫn y tế ấp, máy đo đường huyết mao mạch, kim, que, máy đo huyết áp điện tử. Bác sĩ Dương Phước Long nhấn mạnh: "Trạm y tế chỉ điều trị bệnh nhân ở giai đoạn ổn định, duy trì. Khi khám thấy bất thường thì chuyển ngay về trung tâm y tế. Bệnh nhân bị đái tháo đường, ít nhất 3 tháng/lần chuyển về trung tâm y tế để khám. Đây là hai bệnh điều trị lâu dài, gần như suốt đời nên điều trị gần nhà thì bớt tốn kém cho bệnh nhân".

Hiện nay, chưa có sự liên thông trong điều trị giữa trạm y tế và Trung tâm y tế quận, huyện; không có kinh phí để tổ chức khám sàng lọc. Dự án cấp mỗi xã 500 que, kim thử đường huyết mao mạch nên số bệnh nhân còn lại BHYT không chi trả, người dân tự chi trả (từ 10.000 – 15.000 đồng/que).

Từ những khó khăn trên, theo bác sĩ Dương Phước Long, các trạm y tế cần tăng cường tuyên truyền để người dân đến khám tại trạm. Trạm y tế lập kế hoạch dự trù thêm thuốc theo Thông tư 39/2017/TT-BYT Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế cơ sở, Thông tư 40/2014/TT-BYT về Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi tăng huyết áp được thanh toán của BHYT… Trong năm 2018, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đang xin kinh phí hỗ trợ của UBND thành phố mở rộng mô hình thêm 9 xã ở 9 quận, huyện; đồng thời, từ nguồn kinh phí của WHO sẽ mở rộng thêm mô hình ở 6 xã.

H.HOA

Chia sẻ bài viết