12/08/2018 - 17:12

Điều khiển thiết bị gia đình bằng... giọng nói! 

Bật quạt, mở cửa, bật đèn… chỉ với cách “ra lệnh” bằng giọng nói trên điện thoại di động. Ý tưởng này đến từ sáng kiến “Điều khiển thiết bị gia đình bằng giọng nói” của nhóm tác giả Huỳnh Văn Tài, Lê Nguyễn Chí Nhân và Nguyễn Quốc Thông, học sinh Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Điền.

Ba nam sinh cho biết, ý tưởng xuất phát từ xu thế tất yếu của thời đại công nghệ 4.0: vạn vật kết nối, tự động hóa và muốn giúp đỡ phần nào những người già yếu, khuyết tật có điều kiện tiếp cận công nghệ mới và khắc phục những khó khăn trong cuộc sống.

Ba nam sinh (từ trái qua: Nhân, Thông, Tài) bật quạt bằng giọng nói.

Sáng kiến này rất khả thi, có tính ứng dụng cao. Ở mỗi thiết bị gia đình muốn điều khiển bằng giọng nói như đèn, cửa, quạt gió… sẽ được gắn một mô-đun bluetooth để kết nối với điện thoại thông minh. Trong điện thoại thông minh, nhóm sáng kiến viết một ứng dụng (app) với tên gọi I-Direct. Người sử dụng chỉ cần mở app lên và ra khẩu lệnh đã được lập trình sẵn trong app. Ví dụ, mặc định đèn giữa nhà là “đèn số 1”, đèn hiên nhà là “đèn số 2”, cửa nhà là “cửa”. Khi cần bật/tắt chỉ cần mở app lên và nói: “Bật/tắt đèn số 1”, “Bật/tắt đèn số 2”, “Mở/đóng cửa”, các thiết bị sẽ tự động thực hiện. Ngoài ra, nếu không muốn điều khiển bằng giọng nói, người dùng có thể thao tác trực tiếp trên app.

Một điểm thú vị của sáng kiến này là trong hệ thống điều khiển bo mạch có phần đo độ ẩm của thiết bị. Nghĩa là, khi thiết bị đảm bảo khô ráo theo quy chuẩn thì mới thực hiện theo khẩu lệnh. Điều này có nghĩa khi thiết bị điện bị hư hao, rò rỉ hoặc dính nước, có nguy cơ chập điện... thì khẩu lệnh sẽ không được thực hiện nhằm quản lý an toàn điện cho người sử dụng. Nhóm tác giả còn tính đến phương án tiếp theo, khi độ ẩm không an toàn mà thiết bị vì lý do nào đó vẫn mở và dẫn đến chập điện thì hệ thống app sẽ báo khẩn cấp đến người dùng. Ngay lập tức, thiết bị sẽ tự bật chế độ gọi điện thoại của điện thoại di động để gọi cho cứu hỏa, người thân (đã được cài đặt sẵn) để nhờ can thiệp, trợ giúp.

Với mô hình và thực tế trên các thiết bị gia đình đã thí điểm, sáng kiến này có thể triển khai rộng rãi. Các tác giả còn cho biết, sắp tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu điều khiển bằng hồng ngoại (thay vì bluetooth) để điều khiển chế độ bật/tắt máy lạnh, tủ lạnh…; đồng thời tăng khoảng cách điều khiển để tăng tính khả thi (khoảng cách giữa điện thoại di động điều khiển và thiết bị). Nhóm tác giả cũng hướng tới điều khiển bằng internet. Khi đó, người dùng bất kể ở đâu, làm gì, ở xa ngôi nhà mình cách mấy, đều có thể điều khiển thiết bị gia đình.

 Với ý tưởng độc đáo, thiết thực, sáng kiến này đã đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng thành phố Cần Thơ năm 2017-2018 vừa qua và đang tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Thầy Nguyễn Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, cho biết: “Nhà trường đánh giá cao khả năng sáng tạo, tư duy nhạy bén của các em. Nhiều năm qua, nhà trường rất chú trọng đến hoạt động trải nghiệm và nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh và đạt được nhiều thành quả đáng kể”.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết