31/03/2018 - 15:18

Điều chỉnh quy hoạch xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển vùng ĐBSCL 

Mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị công bố Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Quy hoạch này nhằm mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á… Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương ĐBSCL tích cực triển khai cụ thể hóa đồ án này trong thời gian tới.

Định hướng phát triển ĐBSCL mang tính bền vững

ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Những năm qua, vùng ĐBSCL được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương thông qua nhiều chính sách hỗ trợ và ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Các địa phương trong vùng cũng chú trọng đến công tác tổ chức lập và quy hoạch xây dựng, làm cơ sở pháp lý quan trọng để kế hoạch hóa đầu tư, phân bổ nguồn lực và công cụ quản lý đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị, nông thôn, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở từng địa phương. Các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư khu đô thị... được triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố trong vùng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, tạo diện mạo mới cho vùng.

Theo Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL, Cần Thơ là đô thị lớn nhất và nằm ở trung tâm, có vai trò quan trọng trong phát triển của vùng. Ảnh: ANH KHOA

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh: Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có phê duyệt đồ án quy hoạch vùng ĐBSCL. Trên cơ sở đồ án này, các địa phương đã tập trung xây dựng các đồ án, các chương trình và đồng thời triển khai các dự án để đảm bảo tính phát triển kết cấu hạ tầng của vùng. Tuy nhiên, trong 9 năm qua, với phát triển của vùng ĐBSCL có nhiều thách thức và tồn tại, tác động lớn nhất là biến đổi khí hậu, những hạn chế trong liên kết vùng, các hệ thống kếu cấu hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ hoặc chưa đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế của vùng. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đã chủ động đánh giá, rà soát và báo cáo Thủ tướng những nội dung điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL. Sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL không chỉ có ý nghĩa đối với các tỉnh trong vùng mà còn đối với cả nước.

Theo Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt, tổng diện tích toàn vùng ĐBSCL khoảng 40.604,7km2. Dự báo đến năm 2030 dân số toàn vùng khoảng 18 - 19 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 6,5 - 7,5 triệu người; tương ứng tỷ lệ đô thị hóa 35% - 40% với tốc độ tăng bình quân 2,4% - 3,3%/năm. Dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 70.000 - 90.000 ha, bình quân 90 - 120m2/người. Theo đó, phát triển vùng ĐBSCL theo mô hình đa trung tâm với quy mô trung bình trên cơ sở phát triển các vùng sinh thái nông nghiệp đặc trưng, phù hợp với phân vùng phát triển kinh tế và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhằm phát triển nền nông nghiệp đa dạng, có trình độ chuyên môn hóa cao trên cơ sở công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp.

Cụ thể như phát triển hệ thống đô thị trong vùng theo tầng bậc, làm cơ sở hình thành các trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển theo mô hình đô thị nén; không hình thành các vùng đô thị hóa, các dải đô thị hóa liên tục tại các khu vực ngập sâu, giữa đồng bằng và ven biển; thiết lập không gian dành cho nước (trữ nước, điều tiết nước, thấm nước) theo tầng bậc địa hình trong phạm vi cấp vùng và đô thị; phát triển đồng bộ hệ thống giao thông thủy - bộ, quản lý nước tích hợp và cân bằng đào đắp trong xây dựng, phát triển đô thị; phát triển và bảo vệ các vùng sinh thái, cảnh quan tự nhiên đặc trưng gắn với chuyển đổi vùng sản xuất nông lâm nghiệp và bảo vệ tài nguyên nước trong vùng; hình thành 6 vùng sinh thái nông nghiệp dựa trên trọng tâm phát triển nông nghiệp đa dạng và chuyên môn hóa cao, công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp theo thế mạnh của từng vùng gồm: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, dọc sông Tiền - sông Hậu, Tây sông Hậu, Bán đảo Cà Mau và ven biển Đông.

Quy hoạch cấu trúc không gian chia làm 3 tiểu vùng

Căn cứ vào đặc điểm địa lý lãnh thổ đặc thù trong vùng, tác động của biến đổi khí hậu, các định hướng chiến lược của quốc gia và mô hình phát triển vùng, quy hoạch cấu trúc không gian vùng ĐBSCL được phân thành 3 tiểu vùng với các trục kết nối vùng. Các tiểu vùng gồm: tiểu vùng ngập sâu chiếm khoảng 15% diện tích tự nhiên của vùng (một phần các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang, thuộc vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên); tiểu vùng giữa đồng bằng chiếm khoảng 38% diện tích tự nhiên của vùng (TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long và một phần các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Long An); tiểu vùng ven biển chiếm khoảng 47% diện tích tự nhiên của vùng (các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh và một phần các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Long An).

Các trục kết nối chính có vai trò kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển trong vùng, gồm: các trục chính hướng Đông Bắc - Tây Nam (cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh - N2, đường ven biển Đông); các trục chính hướng Tây Bắc - Đông Nam (cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, trục dọc Sông Hậu đi qua Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng). Trong đó, các trục đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu có vai trò là các trục xương sống của toàn vùng.

Tiểu vùng ngập sâu có các đô thị trọng điểm: Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngự, Mỹ An, Kiến Tường. Tiểu vùng giữa đồng bằng gồm các đô thị trọng điểm Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên, Bình Minh, Tịnh Biên, Ngã Bảy, Cao Lãnh, TP Sa Đéc, Bến Tre, Mỹ Tho, Cai Lậy, Tân An, Bến Lức, Đức Hòa.  Tiểu vùng ven biển và hải đảo: Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Cà Mau, Sông Đốc, Năm Căn, Bạc Liêu, Giá Rai, Sóc Trăng, Vĩnh Châu, Ngã Năm, Vị Thanh, Long Mỹ, Trà Vinh, Duyên Hải, Gò Công, Cần Giuộc.

Triển khai thực hiện theo quy hoạch điều chỉnh

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL được phê duyệt là căn cứ để các địa phương trong vùng tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung đô thị, khu chức năng đặc thù, quy hoạch nông thôn, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật và các chương trình phát triển đô thị trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho rằng tổ chức thực hiện và triển khai công tác lập quy hoạch xây dựng và các dự án đầu tư xây dựng cần đảm bảo các quan điểm, nguyên tắc và tuân thủ định hướng phát triển không gian, định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL. Do đó, các địa phương trong vùng phải rà soát đánh giá và nghiên cứu việc lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung đô thị, khu chức băng đặc thù, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, chủ động sống chung với hạn, mặn và lũ.

Ngoài ra, bà Phan Thị Mỹ Linh cũng lưu ý cần kiểm soát chặt chẽ việc hình thành và phát triển các khu đô thị, khu kinh tế, công nghiệp, du lịch dịch vụ… đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Xây dựng chính sách kiểm soát đất đai, kiểm soát đầu tư xây dựng, chính sách ưu đãi đầu tư cho từng khu vực đặc thù, tạo điều kiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội. đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương trong vùng, xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật vùng; ban hành chính sách kiểm soát và cơ chế hợp tác thúc đẩy phát triển vùng, kiểm soát phân bố dân cư trên toàn lãnh thổ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL là cơ sở giúp cho các địa phương ĐBSCL ngồi lại với nhau trong thời gian tới sau khi cập nhật các kịch bản về biến đổi khí hậu, các quy hoạch trong đồ án. Tỉnh Đồng Tháp sẽ có kế hoạch triển khai đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL, trên tinh thần sau cập nhật điều chỉnh các quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch kinh tế-xã hội của tỉnh sao cho phù hợp đồ án này. 

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết