23/11/2013 - 20:30

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL

Điều chỉnh để tạo lợi thế phát triển

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; định hướng Chiến lược biển Việt Nam, đảm bảo thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực; xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL thành động lực thúc đẩy phát triển của đất nước. Đó là quan điểm lớn được nêu trong Quyết định số 939/QĐ-TTg (Quyết định 939), ngày 19-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020. Mới đây, Liên Hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo đánh giá quá trình triển khai Quyết định 939 và đề xuất thêm nhiều ý tưởng mới…

* Nền tảng để ĐBSCL phát triển

Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức hội thảo đánh giá Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020 nhằm đánh giá sau hơn một năm triển khai Quyết định 939 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020. Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, mặt nước, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả của cả nước, góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. ĐBSCL có một hệ thống sông rạch chằng chịt, rừng ngập mặn, nơi hội tụ, giao thoa các dòng văn hóa của dân tộc Kinh, Khmer, Chăm…tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa mang nét đặc trưng riêng của vùng; đóng vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái của cả khu vực Nam Bộ và hạ lưu sông Mekong; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước...

Cầu Cần Thơ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.

Theo đó, quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL thành động lực thúc đẩy phát triển của đất nước. Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, nhất là lợi thế về sản xuất nông nghiệp, thủy sản và kinh tế biển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển theo chiều sâu; phát triển bền vững các khu vực đồng bằng và ven biển. Phát triển đồng bộ hệ thống các đô thị, khu dân cư và hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái gắn với đồng ruộng, miệt vườn, sông nước và biển đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, giảm chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực và giữa các đồng bào dân tộc trong vùng. Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Thực hiện phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; có các giải pháp chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế -xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

* Điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn

Với mục tiêu xây dựng, phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; phát triển mạnh kinh tế biển và phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; là địa bàn, cầu nối để chủ động hội nhập, giao thương, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,7%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 8,6%/năm giai đoạn 2016 - 2020. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 30,2 triệu đồng; năm 2020 khoảng 57,9 triệu đồng. Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và giữ vững mức xuất khẩu khoảng 6 - 7 triệu tấn gạo/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 12%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và trên 11,5%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đạt khoảng 630 USD và đạt trên 1.000 USD vào năm 2020; tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 8 - 10%/năm…

Phần lớn ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo tham vấn đều cho rằng Quyết định 939 là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; định hướng chiến lược biển Việt Nam, đảm bảo thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực; xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL thành động lực thúc đẩy phát triển của đất nước. Đồng thời, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, nhất là lợi thế về sản xuất nông nghiệp, thủy sản và kinh tế biển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển theo chiều sâu; phát triển bền vững các khu vực đồng bằng và ven biển. Phát triển đồng bộ hệ thống các đô thị, khu dân cư và hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái gắn với đồng ruộng, miệt vườn, sông nước và biển đảo. Có ý kiến đề xuất, trong lĩnh vực khoa học công nghệ cần quy hoạch cụ thể các khu ứng dụng nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; xác định rõ tiềm năng công nghệ cao của vùng.

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hậu Giang, cho rằng, mới hơn một năm triển khai Quyết định 939, nên còn quá sớm để đánh giá những điểm phù hợp, chưa phù hợp của quy hoạch để đề xuất kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung... Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực cần phải điều chỉnh như vốn ODA toàn vùng chiếm chưa tới 5% của cả nước là bất hợp lý, cần phải điều chỉnh phù hợp hơn. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ cần phải quy hoạch rõ khu công nghệ ứng dụng công nghệ cao cho từng thế mạnh của vùng như: lúa, trái cây, thủy sản… ở những địa điểm cụ thể phù hợp và lộ trình đầu tư cho từng lĩnh vực. Do đó, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu nhiều hơn nữa để có những đề xuất cụ thể phù hợp với thực tiễn phát triển của vùng.

Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đã được phê duyệt, nhưng khi triển khai trong thực tế còn nhiều hạn chế. Do đó, cần một cơ chế liên kết hợp tác hiệu quả giữa các tỉnh, thành để tạo ra kinh tế vùng mà vẫn không mất đi vai trò của các địa phương, trong đó cần phải có một "nhạc trưởng" đóng vai trò trung tâm để điều tiết quy hoạch này. Ngoài ra, một số chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế trong quy hoạch vùng lại không phù hợp với quy hoạch của các tỉnh, thành trong vùng, dẫn đến xung đột về mặt quy hoạch…

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, đại diện Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (hiện là Giám đốc Trung tâm Tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu), cho biết: Quyết định 939 đã đưa ra các giải pháp thực hiện quy hoạch này. Đó là chính sách phù hợp, đào tạo nguồn nhân lực, giải pháp về khoa học và công nghệ, cải cách hành chính, tăng cường hợp tác và phát triển thị trường đều đã được nghiên cứu đề xuất bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, những đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhất là những người gắn bó với từng địa phương, vùng đất con người nơi đây và qua thực tế vận dụng quy hoạch này, chúng tôi sẽ ghi nhận và tổng hợp để trình Chính phủ xem xét điều chỉnh đúng theo lộ trình tham vấn và phản biện quy hoạch trong thời gian tới…

Bài, ảnh: AN KHÁNH

Danh mục các công trình dự án tại TP Cần Thơ như: Dự án Điện lực Ô Môn tại Cần Thơ; đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; mở rộng quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (Hậu Giang); nghiên cứu, xây dựng tuyến đường sắt khổ 1.435 mm từ thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ; hệ thống thủy lợi phục vụ chống ngập khu vực thành phố Cần Thơ; nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Cần Thơ; nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ; thành lập Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực IV tại Cần Thơ; xây dựng các trường Đại học Kiến trúc - Xây dựng, Luật, Ngoại ngữ, Văn hóa; Kỹ thuật - Công nghệ, Đại học Quốc tế (trường đại học chất lượng cao) và Đại học Hàng Hải vùng tại TP Cần Thơ; Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhi đồng tại Cần Thơ; Trung tâm Văn hóa Tây Đô và Trung tâm văn hóa Ô Môn (Trung tâm văn hóa Khmer) tại Cần Thơ; Trung tâm Thể dục thể thao vùng tại Cần Thơ; Nâng cấp Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long; Viện nghiên cứu Thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Chia sẻ bài viết