02/03/2010 - 21:08

Điện về trên ấp Thành Long

Kỹ thuật viên Nguyễn Thanh Lâm đang gắn điện kế cho hộ ông Nguyễn Văn Thảo.

Ấp Thành Long được hình thành hơn 200 năm với bốn bề sông nước của dòng Cổ Chiên. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ấp có niềm vui tăng gấp hai lần so với những cái Tết đã qua, vì dòng điện quốc gia đã về đến Thành Long.

Đầu năm 2010, lần đầu tiên ở ấp Thành Long (xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) có điện quốc gia về tới ấp. Tôi vượt dòng Cổ Chiên đến ấp Thành Long, để tai nghe, mắt thấy niềm vui của bà con nơi đây tiếp nhận dòng điện quốc gia.

Trên chuyến trẹt qua sông, lúc nào cũng đông người, hàng hóa bà con đi chợ về có thêm những cuồn dây điện, những bóng đèn nê ông, bóng đèn tròn, đèn ngủ, mô tơ bơm nước, ti-vi màu, đầu đĩa, quạt máy... Ông Nguyễn Văn Thảo, Tổ trưởng Tổ NDTQ số 9, không giấu được niềm vui: “Sáng 28 Tết tôi đi chợ xã An Thới gần đây để mua 2 bóng đèn nê ông dài 1,2m, về gắn lên cho nó sáng cả nhà”. Tôi theo đường bê tông liên xóm, nghe có những tiếng đục vào vách tường, tiếng va chạm leng keng của những thanh thép, các anh thợ điện chạy xe máy ra vào, với những đồ nghề trên xe... Ghé vào nhà ông Nguyễn Văn Thảo, đang có 5 người thợ điện đang lui cui với công việc lắp điện kế. Ông Thảo bảo anh thợ điện: “Đừng ngại, cứ đóng thoải mái vào vách tường để gắn điện. Có tróc, bể tường chỗ nào thì tôi vá lại”. Bà Nguyễn Thị Phượng, 68 tuổi (thường gọi là bà Năm), ở gần đấy sang nhà ông Năm Thảo xem gắn điện kế, cười tươi nói: “Đêm nay, tôi không ngủ để coi bóng đèn cháy sáng cho đã. Bởi nó được sáng từ nguồn điện quốc gia. Thấy mấy chú thợ điện cực khổ tôi thương quá, tối 27 Tết, các chú tranh thủ đến gần 10 giờ đêm để kịp Tết cho bà con”.

Kỹ thuật viên xây lắp điện của Hợp tác xã xây lắp điện Bình Phú Nguyễn Thanh Lâm (Cẩm Sơn - Mỏ Cày Nam), luôn vui vẻ: “Dù có làm đến khuya, em vẫn vui, miễn là bà con có điện trước ngày mùng 1 Tết Nguyên đán”. Ông Võ Văn Hưng, Trưởng ấp Thành Long, cho biết: “Do nhu cầu rất cần nguồn điện quốc gia, vì thế nhân dân ấp Thành Long cùng với Chi nhánh điện Mỏ Cày thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Quyết tâm để toàn ấp có điện, chứ không thể sống mãi trong cảnh thiếu điện quốc gia. Có dòng điện này, người dân chúng tôi ở đây mới phát huy được thế mạnh kinh tế vườn”.

Toàn ấp Thành Long hiện có 430 hộ, theo kế hoạch trong năm 2010 có 120 hộ đã đăng ký được kéo điện vào nhà. Do nhu cầu về điện, nên 120 hộ trong ấp mạnh dạn đăng ký, đóng tiền từ 3 đến 5 triệu đồng để kéo điện về nhà. Tiền nhiều hay ít, còn tùy theo khoảng cách giữa hộ dân đến đường điện hạ thế. Ông Đoàn Văn Quắn tâm sự: “Có điện thì mừng lắm, nhưng ngán tiền quá vì nhà tôi cách đường hạ thế 137m, trồng 8 trụ điện bằng bê tông, cốt thép. Tính chung hết khoảng 5 triệu đồng, nhưng hổng sao miễn có điện để Tết coi truyền hình biết thời sự trong và ngoài tỉnh, tới mùa bóng đá khỏi đi xem ké truyền hình của người khác...”.

Trong những năm gần đây, do rất cần điện để phục vụ sinh hoạt, tưới cây trồng (nhiều nhất là các loại là cây: táo, xoài, cam, quýt), nên 30 hộ ở ấp Thành Long phải sắm máy nổ để phát điện. Theo ông Nguyễn Văn Tèo, trồng táo có lợi nhuận cũng khá nhưng trừ tiền dầu để cho máy nổ, kéo qua mô tơ phát điện, lấy điện bơm nước, trừ chi phí nên tiền lời chỉ khiêm tốn khoảng 10 triệu đồng/công. Trưởng ấp Võ Văn Hưng nói: “Nhà tôi, hơn 10 năm sử dụng máy nổ để phát điện, bơm nước, mỗi đêm chỉ chạy 2 tiếng đồng hồ, cả tháng tốn khoảng nửa triệu đồng tiền dầu. Bây giờ, có điện quốc gia, xóa được cái nạn này, mừng quá”.

Ông Huỳnh Văn Khích, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Thới A, cho biết: “Ấp Thành Long có diện tích 400ha, hầu hết người dân sống bằng nghề trồng trọt. Bên cạnh phục vụ tưới tiêu, điện về Thành Long còn phục vụ bà con trong lĩnh vực chăn nuôi. Hiện tại, chỉ chờ có điện là nông dân ấp Thành Long sẽ đầu tư nuôi gà và heo với quy mô kinh tế trang trại”.

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết