08/07/2009 - 20:13

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ:

Diễn biến của thời tiết chưa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp

Đang trong mùa mưa, nhưng có thời điểm lượng mưa tại TP Cần Thơ ít so với mọi năm, thậm chí nắng nóng kéo dài gây lo lắng cho nhà nông. Liệu tình hình này có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp? Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, giải thích:

- Từ đầu tháng 5-2009 đến nay, chúng ta có cảm giác trời ít mưa, nắng nóng hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, theo dõi thống kê quan trắc khí tượng thủy văn của Trung tâm Khí tượng thủy văn TP Cần Thơ về các yếu tố nhiệt độ, ẩm độ không khí, lượng mưa và mặt nước sông tại thành phố lại không đáng lo. Cụ thể: Về nhiệt độ không khí trung bình của các giai đoạn quan trắc, nhìn chung cao hơn nhiệt độ không khí trung bình nhiều năm ở mức 0,3-1,30C và có lẽ đây là yếu tố làm chúng ta có cảm giác nóng hơn, nhưng so với cùng kỳ năm 2008 sự khác biệt không nhiều. Về lượng mưa, so với cùng kỳ năm 2008, phần lớn lượng mưa của các tháng quan trắc đều cho thấy lượng mưa thấp hơn 10-45 mm. Tuy nhiên, nếu so với trung bình nhiều năm thì phần lớn các tháng quan trắc có số lượng mưa cao hơn (chỉ riêng trung tuần và hạ tuần tháng 5, trung tuần tháng 6 là thấp hơn); các kỳ mưa nhiều, mưa ít xen kẽ nhau không gây ra tình trạng hạn hán nặng nề. Về ẩm độ không khí vẫn ở mức cao, biến động 83-92% và ẩm độ không khí bão hòa, không ảnh hưởng lớn đến trồng trọt. Về mực nước sông quan trắc, cao hơn so với trung bình nhiều năm. Nghĩa là nguồn nước tưới không bị ảnh hưởng, vẫn ở tình trạng bình thường.

Như vậy, có phải diễn biến thời tiết thời gian qua chưa có ảnh hưởng gì đến sản xuất nông nghiệp của thành phố, thưa ông?

- Dựa vào đánh giá các yếu tố khí tượng thủy văn quan trắc như trên và canh tác lúa màu trên địa bàn thành phố, trong khoảng thời gian này (lúa phần lớn ở giai đoạn từ đẻ nhánh tích cực đến làm đòng và chín, màu ở giai đoạn trổ chín và thu hoạch), nhìn chung không bị ảnh hưởng gây hại nhiều, mà với nền nhiệt cao giúp quá trình tạo hạt, chín tốt hơn. Tuy nhiên, điều kiện này cũng là yếu tố thuận lợi cho một số bệnh hại cây trồng phát triển mạnh hơn (như cháy bìa lá và đạo ôn trên lúa) làm gia tăng chi phí phòng trị và ảnh hưởng đến năng suất.

Trong điều kiện thời tiết có diễn biến bất thường, nông dân trồng lúa cần tuân thủ hướng dẫn của ngành nông nghiệp.
Trong ảnh: Cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ kiểm tra bệnh hại lúa tại một ruộng lúa ở huyện Cờ Đỏ. Ảnh: ANH KHOA

Thưa ông, giai đoạn gần nửa đầu mùa mưa có thời điểm lượng mưa ít, ngành nông nghiệp có nhận định gì tình hình mưa trong thời gian còn lại của mùa mưa năm nay? Liệu có xảy ra tình trạng hạn hán kéo dài, nhất là vào cuối mùa mưa?

- Nhận định tình hình khí tượng thủy văn chúng ta phải dựa vào số liệu quan trắc, so sánh phân tích và dự đoán của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực này là Trung tâm Khí tượng thủy văn TP Cần Thơ. Tuy nhiên, dựa vào số liệu đã được đánh giá ở trên, đối với TP Cần Thơ tình hình thời tiết (mưa, nắng) không khác biệt lớn so với số liệu trung bình nhiều năm, đặc biệt những đợt mưa nhiều và ít xen kẽ nhau không kéo dài liên tục và mực nước sông vẫn ở mức cao.

Đối với lúa hè thu không bị ảnh hưởng do hạn. Riêng đối với lúa thu đông sẽ phải tốn chi phí bơm tưới, đặc biệt đối với trà lúa mới và sẽ gieo sạ trên những chân ruộng mà bà con không đảm bảo thời gian cách ly để rơm rạ vụ mới phân hủy hết nên trùng với đợt nắng nóng khả năng bị ngộ độc hữu cơ là rất cao. Để giảm thiệt hại này, bà con cần chú ý bơm tưới rửa độc tốt, chi phí bơm tưới phải tốn nhiều hơn.

Tình trạng hạn hán trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ không xảy ra gay gắt như một số nơi vì chúng ta còn nguồn nước bơm tưới đủ nếu xảy ra tình trạng mưa ít.

Sở NN&PTNT có khuyến cáo gì đối với nông dân, nhằm chủ động ứng phó nếu thời tiết diễn ra bất thường?

- Dự đoán tình hình thời tiết có khả năng diễn biến theo hướng khô hạn, ảnh hưởng đến sản xuất vụ hè thu và thu đông, ngành nông nghiệp đã có Công văn số 405/SNN&PTNT ngày 20-4-2009 đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí để chủ động giúp nông dân chống hạn nếu có tình huống xảy ra hạn hán kéo dài. Tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ cho cả 2 vụ là 10,1 tỉ đồng. Bộ NN&PTNT đã đồng thuận trình Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, bà con nông dân vẫn cần chủ động thực hiện việc canh tác đúng kỹ thuật. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân cần lưu ý các biện pháp đối phó với tình hình, giúp lúa thu đông sinh trưởng tốt mà không làm gia tăng quá mức chi phí. Theo đó, bà con nông dân cần chú ý xử lý cách ly, bỏ đồng ruộng để không bị độc hữu cơ hại lúa mới gieo sạ; tu sửa bờ bao tốt để tránh thất thoát nước; bơm tưới hợp lý theo nhu cầu nước của từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, tránh lãng phí nguồn nước, tốn chi phí; thực hiện tốt kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” để hạn chế sự phát triển dịch bệnh, sử dụng phân bón hợp lý để tránh gia tăng chi phí, đội giá thành sản xuất...

Trong điều kiện thời tiết có diễn biến bất thường, giá cả vật tư đắt, bà con nông dân cần tuân thủ hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và chính quyền địa phương, bảo đảm chăm sóc lúa tốt nhưng tránh được sự lãng phí vật tư, bảo đảm sản xuất có lợi.

* Xin cảm ơn ông!

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết