28/01/2008 - 11:35

Dịch vụ giữ đồ tết sinh viên "nở nồi"

Tết đến xuân về, dù công tác, học tập ở phương xa hầu hết mọi người đều phải trở về gia đình để quây quần trong đêm giao thừa. Các bạn sinh viên (SV) Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) cũng không ngoại lệ. Trường ĐHCT tập trung đa phần SV ở các tỉnh khác, vì thế việc giữ đồ cho những SV ở xa về quê ăn Tết đang là vấn đề cần được nhà trường quan tâm hơn nữa...

Những thùng đồ gởi của SV được niêm phong và xếp ngay ngắn trong nhà xe số 4 ở KTX Trường ĐHCT.
Vào Ký túc xá (KTX) Trường ĐHCT trong những ngày giáp Tết, các bạn SV háo hức với không khí học tập của học kỳ mới. Một số đang chuẩn bị thu xếp đồ đạc về quê đón Tết cùng gia đình, khệ nệ rinh những thùng đồ đi gửi ở những nhà xe. Dạo quanh KTX, chúng tôi bắt gặp những panô, áp phích dán ở dãy nhà KTX: “Nơi giữ đồ dùng an toàn, hiệu quả; phong cách nhiệt tình nhanh chóng; giá rất sinh viên...”. Dịch vụ gửi đồ Tết ở các nhà xe trong KTX. xuất phát từ nhu cầu thực tế, rất tiện ích đối với những sinh viên ở các tỉnh lẻ về Cần Thơ học tập.

Bạn Võ Trung Tính, ở phòng 9, KTX tỉnh An Giang, đang chuẩn bị đóng thùng những vật dụng có giá trị mang đi gửi. Tính nói: “Trước kia, vì chủ quan em không gửi đồ. Khi ăn Tết lên, đồ đạc rủ nhau đi chơi Tết ở đâu hết trơn, rút kinh nghiệm, từ đó về sau em đem đồ đi gửi cho an tâm hơn”. Ghé KTX tỉnh Cà Mau, gặp bạn Nguyễn Kim Bình cũng đang sốt sắng thu dọn đồ đi gửi. Bình cho biết: “Nhà em tích cóp tiền gửi cho em mua cái máy vi tính để phục vụ cho việc học, nên khi đi về quê em phải gửi đồ ở nhà xe cho chắc ăn. Nếu không gửi, lỡ mất, chúng em sinh viên nghèo làm gì có tiền mà mua lại được”.

Theo thông lệ, cứ mỗi năm, vào những ngày này, nhà xe của KTX rộn rịp hẳn lên. Các bạn SV vào gửi khá đông, đa phần gửi những đồ đạc có giá trị. KTX vào những ngày Tết đều vắng, vì hầu hết SV đều về quê ăn Tết. Đây là điều kiện để bọn đạo chích lộng hành. Chị Lê Ngọc Diệp, nhân viên giữ xe, nhà xe số 4, KTX Trường ĐHCT, cho biết: “Khi SV đến gửi đồ chúng tôi có biên nhận, có đóng dấu của nhà xe. Trên biên nhận chúng tôi ghi họ tên người gởi, phòng ở, mã số sinh viên, ngành học. Khi nào SV nhận lại đồ thì mới lấy tiền. Và đóng dấu niêm phong vào thùng đồ đã được ký gởi. Năm nào, tất cả các nhà xe giữ đồ cho SV đều phải họp lại với nhau để thống nhất giá tiền gởi đồ. Nếu SV nào có nhu cầu chỉ cần gọi điện thoại đến, chúng tôi sẽ phục vụ tận nơi. Từ trước tới giờ, chúng tôi chưa hề làm thất thoát hoặc làm mất đồ của SV trong quá trình gởi tại đây. Chúng tôi có trách nhiệm bảo quản đồ cho SV, trong suốt thời gian gởi đồ tại nhà xe”.

Theo kế hoạch công tác năm 2008 của Trường ĐHCT, SV được nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tý từ ngày 31-1-2008 đến hết ngày 13-2-2008. Trong thời gian này, SV phải tự bảo quản tài sản, không để lại trong phòng các tài sản có giá trị như: xe máy, máy vi tính... Phòng công tác SV không chịu trách nhiệm khi xảy ra mất mát tài sản do SV để lại trong phòng. Ông Vũ Viết Châu, Phó trưởng phòng công tác sinh viên - Trường ĐHCT, đánh giá: “Dịch vụ giữ đồ cho SV tại các nhà xe khá thuận lợi cho những SV ở xa. Do KTX không có hàng rào, nên SV phải gửi đồ ở nhà xe để an tâm hơn. Phòng công tác SV không quản lý dịch vụ này. Các nhà xe nhận gởi rồi tự quản lý”.

Ở Trường Cao đẳng Cần Thơ, có 3 dãy KTX tường rào được xây dựng chắc chắn. Mỗi dãy đều có 1 tổ bảo vệ túc trực 24/24 để đảm bảo an ninh trật tự và kiểm soát được người lạ đột nhập vào khu KTX. Đa phần SV ở đây về quê ăn Tết thường để đồ trong tủ và khóa cẩn thận. Em Lâm Thị Thu Thảo, sinh viên năm thứ 2, phòng 8, khu A2 nói: “Vì dãy KTX có tường rào bao bọc, đảm bảo an toàn nên chúng em không đem đồ đi gởi. Khi về quê ăn Tết lên, đồ đạc vẫn nguyên xi”. Do đặc điểm SV của trường phần lớn ở TP Cần Thơ, nên số lượng gửi đồ ít nhưng nhà trường vẫn tổ chức gửi đồ miễn phí cho SV nào có nhu cầu. Ông Phùng Văn Phước, Phó Ban thường trực Quản lý KTX, cho biết: “Hàng năm, vào những dịp hè và lễ Tết, trường có tổ chức gởi đồ cho SV an tâm về quê ăn Tết cùng gia đình. SV gởi đồ phải ghi rõ họ tên, phòng, trên thùng đồ gửi, sau đó phải báo lại với Ban quản lý KTX để ghi nhận ký vào sổ. Một số SV gởi đồ ở Ban quản lý KTX, số khác thì gởi nhà bà con, hoặc đem về nhà”. Bạn Trịnh Thị Hằng Nhi, ở phòng 16B, nói: “Những đồ đạc có giá trị, khi về quê ăn Tết chúng em thường gởi ở Ban quản lý KTX, cảm thấy an tâm hơn”.

Thiết nghĩ, dịch vụ gởi đồ dành cho SV ở các khu KTX trường đại học, cao đẳng cần được nhân rộng. Tổ chức dịch vụ này thể hiện sự quan tâm của nhà trường và đáp ứng được nhu cầu thiết thực của SV mà cũng nhằm đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự, bảo quản tài sản an toàn cho SV ở các khu KTX.

M. HOÀNG

Chia sẻ bài viết