23/10/2009 - 20:30

Dịch đau mắt đỏ hoành hành

Những ngày gần đây, tại TP Cần Thơ, bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) lây lan, phát triển thành dịch. Nhiều trường hợp bệnh chuyển nặng, xảy ra biến chứng viêm, loét giác mạc... Đáng lo ngại hơn là bệnh nhân bị biến chứng chỉ sau 3 ngày mắc bệnh thay vì thông thường biến chứng xảy ra vào thời điểm từ 5 đến 7 ngày sau khi mắc bệnh.

* Chạy chữa đủ kiểu

Ngày 19-10-2009, anh Nguyễn Chí Dũng, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, đưa 2 người con của anh đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ để khám mắt. Anh Dũng cho biết: “Tôi và 2 con đến tái khám vì bệnh đau mắt đỏ. Ban đầu, con gái lớn của tôi bị lây bệnh đau mắt đỏ từ bạn bè ở lớp học. Sau đó, con trai tôi bị lây từ chị, rồi cả tôi cũng bị lây bệnh từ các con”. Theo anh Dũng, ngay khi phát hiện bệnh, 3 cha con đều đã đến bệnh viện để khám bệnh, không tự điều trị ở nhà. Thế nhưng, lần tái khám này, bệnh của 2 con anh đã giảm, riêng mắt anh Dũng vẫn còn dấu hiệu xuất huyết.

Một học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ được khám mắt tại Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ. 

Tương tự như anh Dũng, anh Nguyễn Hữu Hạnh ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, bị lây bệnh đau mắt đỏ từ các con. Anh Hạnh nói: “Hai con của tôi bị lây bệnh ở lớp học. Sau đó, tôi cũng bị lây bệnh từ các con của mình. Tôi có ra nhà thuốc để mua thuốc về uống. Hiện giờ, hai con tôi đã hết bệnh nhưng tôi vẫn chưa hết, phải đến Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ khám bệnh”.

Theo các bác sĩ tại phòng khám Mắt ở một số bệnh viện, nhiều bệnh nhân đau mắt đỏ đến bệnh viện trong tình trạng bệnh đã chuyển nặng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến thị lực. Phần lớn những trường hợp này đã tự điều trị bằng các phương pháp dân gian như xông lá trầu không, lá rau răm, tinh dầu bạc hà... Nhiều bệnh nhân mua thuốc nhỏ mắt, thuốc uống... về nhà tự điều trị. Bác sĩ Hồ Như Thủy, phòng khám Mắt, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cảnh báo: “Một số biện pháp dân gian không có tác dụng chữa trị viêm kết mạc mà còn làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, các trường hợp tự mua thuốc nhỏ mắt, thuốc uống cũng rất nguy hiểm. Những cách chữa trị này có thể làm cho bệnh nặng hơn, khó điều trị hơn”.

* Tăng cao, diễn tiến nhanh

Thống kê tại một số bệnh viện trên địa bàn TP Cần Thơ cho thấy, từ ngày 16-10 đến nay, bệnh viêm kết mạc đột ngột tăng cao. Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận từ 70 đến 80 bệnh nhân viêm kết mạc/ngày, tăng gấp 3 lần so với bình thường. Tại Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ, thời điểm bình thường, lượng bệnh nhân viêm kết mạc chiếm khoảng 46% tổng số bệnh nhân đến khám bệnh. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10-2009, tỷ lệ này lên đến 61%. Từ giữa tháng 10 đến nay, có ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 160 bệnh nhân viêm kết mạc, tăng khoảng 5 lần so với số ca bình quân ở thời điểm bình thường. Trong đó, khoảng 70% đến 80% bệnh nhân viêm kết mạc do virus và khoảng 10% bệnh nhân đã chuyển nặng, biến chứng xuất huyết, viêm, loét giác mạc... Ghi nhận từ thực tế cũng cho thấy, nhiều học sinh bị lây bệnh ở trường, sau đó, cả gia đình đều bị nhiễm bệnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Quang Bình, Trưởng phòng khám Mắt, Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ, phân tích: “Viêm kết mạc chủ yếu là do vi khuẩn gây nên. Đối với trường hợp đã lây lan nhanh, phát triển thành dịch thì nguyên nhân chủ yếu là do virus. Và thực tế, đợt dịch này, có đến 70%-80% bệnh nhân viêm kết mạc do virus”. Theo bác sĩ Bình, đặc điểm của đợt dịch này là lây lan nhanh trong gia đình, trường học, cộng đồng. Bệnh lại sớm chuyển sang biến chứng: thông thường biến chứng xuất hiện sau khoảng 5 đến 7 ngày bị bệnh, nhưng ghi nhận thực tế trong đợt dịch này cho thấy biến chứng xuất hiện ở ngày thứ 3.

Theo các bác sĩ, về cơ bản, viêm kết mạc xuất hiện quanh năm và các yếu tố thời tiết chuyển từ mùa nắng sang mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường ô nhiễm... là điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển thành dịch. Hiện nay, dịch bệnh đang vào giai đoạn cao điểm. Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ, nhận định: “So với những năm trước, đợt dịch đau mắt đỏ năm nay khá lớn, tốc độ lây lan mạnh, có nhiều ca bệnh nặng hơn”.

* Điều trị đúng để tránh biến chứng

Các bác sĩ cho biết bệnh đau mắt đỏ thường có những biểu hiện: mắt đỏ, ngứa, cộm xốn (như có bụi trong mắt), nóng rát mắt, đau, chảy nước mắt và có nhiều ghèn. Đôi khi bệnh nhân có sốt nhẹ, sưng hạch ở góc hàm... Nếu được điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh sẽ không để lại biến chứng. Ngược lại, bệnh có thể dẫn đến viêm, loét giác mạc... làm giảm thị lực mắt. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị mù mắt. Bác sĩ Hoàng Quang Bình nói: “Bệnh nhân bị đau mắt đỏ nên đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị đúng, kịp thời. Không nên điều trị bằng các biện pháp dân gian, nhất là không nên tự mua thuốc để điều trị. Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt bừa bãi có thể dẫn đến biến chứng cườm đá, cườm nước, mù mắt...”. Ngoài ra, để phòng lây nhiễm bệnh, cần giữ vệ sinh cá nhân, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác, đeo kính bảo vệ mắt khi ra đường. Người mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc, đến nơi đông người. Trường hợp học sinh nhiễm bệnh thì không nên ngủ chung với học sinh khác. Đồng thời, giáo viên, phụ huynh nên cân nhắc cho học sinh mắc bệnh nghỉ 1-2 ngày để giảm lây nhiễm trong trường học...

Sau khi số ca bệnh đau mắt đỏ đến khám bệnh tăng đột biến, Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ đã nhanh chóng triển khai hoạt động tuyên truyền kiến thức và tình hình dịch bệnh trên loa phát thanh tại đơn vị. Đồng thời, kết hợp tư vấn, hướng dẫn người bệnh cách phòng lây nhiễm bệnh trong gia đình, cộng đồng... Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm nói: “Để khống chế dịch bệnh, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong trường học, cần có các biện pháp thiết thực phòng lây nhiễm cho học sinh. Đặc biệt, phải nâng cao kiến thức cho người dân, tránh tình trạng chạy chữa không đúng, thậm chí phản khoa học”.

Bài, ảnh: BĂNG TÂM

Chia sẻ bài viết