26/05/2018 - 16:31

Nhà nghiên cứu Trần Minh Thương:

Đi tìm mạch nguồn văn hóa dân gian Nam bộ 

Trần Minh Thương là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thế hệ 7X được giới chuyên môn đánh giá cao. Những đề tài anh đã viết như: “Ca dao - dân ca Tây Nam Bộ”, “Văn hóa phi vật thể người Khmer Sóc Trăng”, “Chợ nổi Ngã Năm - Sóc Trăng”… đã phác họa rõ nét những giá trị văn hóa tiêu biểu ở ĐBSCL nói chung, Sóc Trăng quê hương anh nói riêng. Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với Trần Minh Thương về công việc nghiên cứu của anh.

* Là giáo viên dạy Văn, anh lại rất có duyên với việc nghiên cứu. Hai công việc này có hỗ trợ gì cho anh?

- Công việc dạy học và nghiên cứu luôn bổ trợ cho nhau. Ngay từ ngày còn đi học, tôi đã đam mê nghiên cứu và mong muốn góp phần bảo tồn văn hóa dân gian của quê hương mình. Đó là hành trình đi tìm mạch nguồn văn hóa dân gian Nam bộ. Đi điền dã nhiều, trải nghiệm nhiều giúp bài giảng của tôi luôn sống động, thực tế, thu hút học sinh hơn. Ngược lại, việc dạy học, truyền tải cho các em kiến thức văn hóa, văn học như một kiểu để tôi “văn ôn võ luyện”.

Cái khó nhất với tôi là thời gian. Có những giá trị văn hóa nếu không sớm sưu tầm ghi chép thì một ngày không xa nữa, nhiều thứ sẽ dần mất đi.

* Với hàng chục đầu sách về văn hóa dân gian Nam bộ đã xuất bản, đoạt nhiều giải thưởng nghiên cứu uy tín, anh thấy điều gì mình đã làm được và điều gì cần tiếp tục làm khi theo đuổi ở lĩnh vực này?

- Với tôi, những gì đã làm được “như muối bỏ bể” so với những gì dân gian đã tạo ra và lưu truyền trong dòng chảy lịch sử của vùng đất ĐBSCL. Như đã nói, thời gian không chờ đợi ai. Có những cái đã nghĩ, đã biết nhưng chưa kịp lưu giữ, sưu tầm thì nay không còn nữa hoặc rất hiếm hoi, chẳng hạn những những buổi hò cấy lúa, hò chèo ghe, hay những nét phong tục cổ truyền trong đám cưới, đám tang… Tôi nghĩ mình phải chạy đua với thời gian thôi (cười).

* Anh nghĩ, người nghiên cứu văn hóa dân gian cần những tố chất gì để thành công?

- Đây là lĩnh vực khó, nếu không có lòng đam mê, sự nhiệt huyết, tận tâm thì khó thực hiện lắm. Kiến thức thì vô hạn, mình phải chịu khó học hỏi từ từ.

Xin nói thêm một chút, nghiên cứu văn hóa dân gian cũng khổ lắm. Nhiều người không hiểu hay làm khó khi mình hỏi để chụp ảnh, sưu tầm… Nhiều người nghĩ mình chắc “không bình thường” khi mình đi chụp hình cúng cô hồn, thả bè tống ôn…

* Anh có khá nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, điều gì đã cuốn hút anh đến vậy?

- Tôi nghiên cứu văn hóa Khmer là do tôi thấy mình còn nợ với chùa - nơi đã dạy tôi từ những năm tiểu học. Ngày ấy, tôi học lớp 4, lớp 5 tại chùa Prêk Chek Ochum (Vĩnh Quới, Ngã Năm, Sóc Trăng). Dạy tôi học cũng là vị Đại đức ở chùa này cùng các Lục Tà (Ông lục cao tuổi), Achar, sư sãi ngày đó. Với niềm kính trọng và ngưỡng mộ, tôi tìm hiểu về chùa, về những nét đẹp trong văn hóa Khmer Sóc Trăng như một sự đền ơn lời thầy đã dạy tôi ngày trước: Văn hóa Khmer hay lắm, nhưng do truyền miệng nên dễ bị thất truyền.

* Xin cảm ơn anh!

DUY KHÔI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết