06/06/2018 - 15:44

Phó Chủ tịchUBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng:

Di dời các hộ dân sống tại vùng sạt lở đến nơi ở an toàn 

*Quận Ô Môn tiếp tục xảy ra 2 điểm sạt lở bờ sông

(CTO)- Ngày 6-6-2018, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiến cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố đến kiểm tra, khảo sát thực tế tình hình sạt lở tại quận Cái Răng. Đoàn đã đến khảo sát tại điểm sạt lở ở khu vực An Phú, phường Phú Thứ. Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Cái Răng, rạng sáng 3-5-2018, đường giao thông cặp kênh Thạnh Đông tại khu vực trên bị sạt lở với chiều dài 40m, ngang 2m, độ sâu khoảng 6m, làm sụp đổ đoạn đường giao thông, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại của người dân địa phương. Đoạn đường sạt lở đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở vào phía trong. Ban Chỉ huy PCTT- TKCN quận Cái Răng và phường An Phú tổ chức rào chắn, mở lối đi khác cho người dân. Đồng thời, quận Cái Răng cũng đã mời đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát thực tế và đưa ra phương án khắc phục sự cố.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (cuối hàng) đang chỉ đạo biện pháp khắc phục sạt lở tại phường Phú Thứ.

Hiện nay, trên địa bàn quận Cái Răng có 23 điểm có nguy cơ sạt lở cao, tập trung tại các phường Tân Phú, An Phú, Lê Bình, Phú Thứ, Thường Thạnh, Ba Láng... với tổng chiều dài trên 6.280m. Có 339 hộ gia đình với 912 nhân khẩu có nhà tại khu vực có nguy cơ bị sạt lở cao này. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng chỉ đạo địa phương phối hợp Chi cục Thủy lợi thành phố tìm giải pháp khắc phục sạt lở, đặc biệt quan tâm đến công trình bảo vệ bờ kênh bằng cừ tràm, dừa, bạch đàn và lấp hố sâu sạt lở bằng bao cát, đất, rọ đá; vận động hộ dân hiến đất để di dời và xây dựng đường giao thông vào phía trong, tránh sạt lở tiếp tục xảy ra; tổ chức trồng bần, các loại cây thích hợp để bảo vệ toàn tuyến bờ sông Thạnh Đông; vận động các hộ dân có nhà tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao di dời đến nơi ở an toàn,...

* Sáng 6-6-2018, tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn xảy ra 2 điểm sạt lở bờ kênh. Điểm sạt lở thứ nhất tại khu vực Bình Thuận, với chiều dài khoảng 30m, làm sạt lở đoạn kè bảo vệ bờ kênh bằng rọ đá và ảnh hưởng một phần đường giao thông. Theo nhiều hộ dân tại địa phương, đường giao thông tại khu vực này xuất hiện vết nứt. Đến sáng 6-6 trời mưa lớn và xảy ra hiện tượng sạt lở. Hiện tại, khu vực này có khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở, với vết nứt đường giao thông chạy dài khoảng 80m. Điểm sạt lở thứ hai tại khu vực Tân Quy, dài khoảng 10m, ngang khoảng 3m, áp sát đường giao thông và có khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở đoạn đường giao thông trên...

Ông Đào Anh Dũng cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát thực tế tại 2 điểm sạt lở trên và các điểm đã sạt lở. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo sạt lở để người dân phòng tránh, đồng thời cấm phương tiện giao thông có trọng tải lớn đi lại trên tuyến đường này, nhằm tránh sạt lở tiếp tục xảy ra. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Ô Môn và phường Trường Lạc khẩn trương gia cố các điểm sạt lở bằng cừ tràm, dừa, bảo vệ bờ sông; vận động người dân di dời ra khỏi khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao. Riêng đối với các điểm sạt lở ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt của người dân, thành phố sẽ xem xét, hỗ trợ kinh phí khắc phục từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai, nhằm ổn định bờ sông, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại... Về lâu dài, UBND phường Trường Lạc, ngành chức năng quận Ô Môn lập kế hoạch trồng cây xanh thích hợp để bảo vệ bờ sông; vận động nhân dân thực hiện các giải pháp phòng tránh thiên tai, chằng chống nhà cửa, đề phòng lốc xoáy, di dời dân đến nơi ở an toàn...  

Tin, ảnh: H.VĂN

Chia sẻ bài viết