03/03/2018 - 07:22

Đến lượt Singapore “để mắt” Bắc Cực 

Các quốc gia châu Á đang ngày càng trở nên quan tâm và muốn hiện diện tại Bắc Cực. Điều này được thể hiện rõ vào năm 2013 khi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore được vào Hội đồng Bắc Cực. Trong số 4 nước này, Trung Quốc nhận được nhiều sự chú ý của giới truyền thông, một phần là bởi quy mô của nền kinh tế cũng như khả năng tiến vào Bắc Cực của Bắc Kinh.

Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc hoạt động ở Bắc Cực. Ảnh: Sciencepoles
Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc hoạt động ở Bắc Cực. Ảnh: Sciencepoles

Hiện Trung Quốc đang phát triển các liên kết thương mại trong khu vực. Theo đó, nước này hợp tác với Nga để phát triển vận tải dọc theo Tuyến Biển Bắc và đã đạt được thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở Alaska.  Trung Quốc hồi tháng 1-2018 cũng lần đầu tiên công bố Sách trắng về chính sách Bắc Cực, trong đó vạch ra lộ trình tiến vào khu vực băng giá này, đồng thời tự xem mình là “quốc gia gần Bắc Cực”.

Dù mọi sự chú ý dường như tập trung vào Trung Quốc nhưng điều đó không có nghĩa là hoạt động của các nước châu Á khác tại Bắc Cực bị “bỏ quên”, trong đó có Singapore. Không giống như Trung Quốc, Singapore đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh một quốc gia ôn hòa. Do đó, mối quan tâm của Singapore đối với Bắc Cực cũng như cách mà nước này đang theo đuổi tại đây ít được quan tâm hơn.

Nhận thức rằng sự phát triển của các tuyến vận tải Bắc Cực là mối đe dọa tiềm ẩn đối với Singapore vì sẽ làm chuyển hướng lưu thông hàng hải ra khỏi nước này, từ đó tác động tới kinh tế của quốc đảo sư tử, Singapore do đó chủ động tham gia vào sự phát triển của Bắc Cực bằng lĩnh vực đóng tàu cũng như các công nghệ hàng hải khác.

Nằm trong chiến lược tiến vào Bắc Cực, Singapore đang thúc đẩy quan hệ song phương với Nga, trong đó phát triển kinh tế và hiện đại hóa ở Nga là trọng tâm. Ngoài ra, Singapore cũng cam kết hợp tác với các quốc gia và dân tộc trong Hội đồng Bắc Cực, chẳng hạn như ký kết thỏa thuận giáo dục miễn phí cho những người bản địa đến từ Bắc Cực.

Sam Tan, Bộ trưởng Năng lượng Singapore, mới đây cho biết nước này đang xây dựng một số phòng nghiên cứu Bắc Cực, một bể nước sâu để thực nghiệm các hệ thống hàng hải, đồng thời tiến hành các dự án nghiên cứu về chim di cư cũng như cách phòng ngừa tình trạng tràn dầu ở Bắc Cực.

TRÍ VĂN (Theo The Conversation CA, Straitstimes)

Chia sẻ bài viết