11/12/2018 - 18:46

Đến lượt sầu riêng rớt giá 

Gần đây, sầu riêng nghịch vụ tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ nhưng đầu ra xuất khẩu gặp khó khiến giá sầu riêng sụt giảm mạnh và gây nhiều khó khăn cho nhà vườn trong tiêu thụ sản phẩm. Điều đáng chú ý là trái sầu riêng bị rớt giá mạnh trong bối cảnh đang là loại cây trồng “thời thượng”, được nhiều nông dân trong nước mở rộng diện tích trồng vì giá sầu riêng luôn ở mức rất cao trong khoảng 2 năm qua. Nhiều nông dân trồng sầu riêng đã thu mức lợi nhuận rất hấp dẫn khi giá bán các loại sầu riêng hạt lép tại vườn vào nhiều thời điểm lên đến 60.000-100.000 đồng/kg. Thế nhưng, những tuần qua, giá sầu riêng bất ngờ giảm mạnh đã khiến nhà vườn trồng sầu giêng lo lắng.

Sầu riêng được bày bán tại một điểm bán trái cây ở TP Cần Thơ.

Tại nhiều địa phương như: Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… giá các loại sầu riêng ngon, hạt lép (như Ri 6, Mỏn Thon…) được nhiều nhà vườn bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây chỉ còn ở mức từ 30.000-40.000 đồng/kg trở lại, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Riêng một số loại như sầu riêng khổ qua giá chỉ 10.000-20.000 đồng/kg. Lý do khiến giá sầu riêng sụt giảm mạnh được xác định do đầu ra xuất khẩu gặp khó, nhất là xuất vào thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc. Theo nhiều doanh nghiệp và cơ sở thu mua, sầu riêng của Việt Nam chưa được Trung Quốc cho nhập khẩu chính ngạch. Thời gian qua, việc xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch và xuất khẩu chính ngạch nhờ “mượn danh” sầu riêng Thái Lan. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã siết chặt quản lý nhập khẩu sầu riêng cả bằng đường chính ngạch và tiểu ngạch. Nhiều nhà xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan cũng không còn cho sầu riêng Việt Nam “mượn danh” sầu riêng của Thái Lan để xuất khẩu vào Trung Quốc. Hiện sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chủ yếu bằng đường tiểu ngạch theo các lối đi nhỏ và vận chuyển bằng những xe nhỏ, với số lượng hạn chế, chứ không thể đi bằng container như trước. Do vậy, các cơ quan chức năng cần kịp thời có thương thảo, đàm phán với phía Trung Quốc để sầu riêng Việt Nam sớm được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, đồng thời phát triển xuất khẩu được vào nhiều thị trường khác trên thế giới. Song song đó, cần có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, khả năng bảo quản, chế biến và tạo thị trường tiêu thụ bền vững cho trái sầu riêng ở cả tại thị trường nội địa và xuất khẩu. 

Hơn bao giờ hết, các ngành chức năng cần kịp thời phối hợp cùng người dân và các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan khắc phục kịp thời những khó khăn, hạn chế trong quá trình phát triển sản xuất và tiêu thụ trái sầu riêng hiện nay, cũng như các loại trái cây nói chung.

Theo các chuyên gia, chúng ta đã rất thành công khi phát triển sản xuất được nhiều loại sầu riêng cho chất lượng trái ngon và đã xử lý cho sầu riêng ra trái rải vụ, nghịch mùa theo ý muốn, góp phần tránh tình trạng “rộ mùa, rớt giá”. Tuy nhiên, sự phối hợp trong xử lý cho trái cây ra rải vụ, nghịch mùa giữa các địa phương chưa tốt. Nhiều nơi nông dân đang phát triển trồng sầu riêng mang tính tự phát, theo “giá bán”,  nông dân chưa gắn kết chặt với nhau, với doanh nghiệp và các nhà tiêu thụ nên rất dễ khiến cung vượt cầu và không đảm bảo chất lượng, yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, từ khâu thu hoạch đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng còn qua nhiều “trung gian” và chưa quản lý tốt chất lượng sản phẩm, nhất là ở khâu thu hoạch và xử lý cho trái sầu riêng chín đồng loạt.

Hiện giá sầu riêng nông dân bán tại vườn giảm mạnh nhưng giá bán lẻ tại nhiều nơi trên thị trường vẫn ở mức rất cao đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sầu riêng ở nội địa. Thời gian qua, có nhiều người tiêu dùng trong nước rất muốn ăn sầu riêng nhưng cũng ngại mua vì sợ sầu riêng được xử lý chín đồng loạt bằng những loại hóa chất có thể gây hại cho sức khỏe. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao giá bán lẻ sầu riêng tại thị trường trong nước có nơi bán rất cao nhưng vẫn được nhiều người chọn mua vì là sầu riêng để chín tự nhiên, còn có nơi bán rất rẻ nhưng người tiêu dùng vẫn ngại mua vì sợ nhúng thuốc không an toàn. Nhà nước cần kịp thời ban hành danh mục các loại chất, hóa chất được sử dụng làm chín sầu riêng và các loại trái cây nói chung, cũng như hướng dẫn quy trình xử lý cho trái cây chín đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, mua bán và sử dụng các chất và hóa chất nằm ngoài doanh mục cho phép để xử lý cho trái cây chín nhằm xây dựng hình ảnh, uy tín chất lượng cho trái cây Việt Nam.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết