24/10/2014 - 14:31

Đến bác sĩ ngay, kẻo muộn !

Nuốt nghẹn, hóc dị vật thực quản hay đường thở là những tai nạn sinh hoạt thường gặp và tưởng chừng đơn giản, dễ xử lý. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tự ý xử lý không đúng cách, không may dẫn đến biến chứng nặng nề, đối mặt nguy cơ tử vong. Do vậy, trong trường hợp hóc dị vật, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế, kẻo muộn!

Cuối tháng 8- 2014, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân Ngũ Thượng Qu. (SN 1956, ở quận Bình Thủy) với tình trạng khó thở, đau, sưng nề vùng cổ, tràn khí dưới da và tụ máu bầm. Đó là hậu quả việc ông Qu. mắc nghẹn nem, tự dùng đũa thọt đẩy miếng nem xuống dạ dày nhưng nem không xuống, khiến bệnh nhân khạc ra máu, khó thở. Qua thăm khám, chụp CT, các bác sĩ xác định dị vật nằm trong thực quản cổ, kịp thời chỉ định mổ cấp cứu, lấy cục nem bị nghẹn trong lòng thực quản ra, khâu lại vết thương thực quản và khí quản.

Theo bác sĩ Phạm Văn Phương, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, BV Đa khoa TP Cần Thơ, đó là một trong nhiều trường hợp bị nuốt nghẹn bởi những thức ăn dẻo như chè trôi nước, bánh dẻo, nem… Triệu chứng mắc nghẹn chỉ cảm giác tức trong họng và nuốt vướng. Cách xử trí nuốt nghẹn khá đơn giản như: vỗ lưng, uống thêm nước để đẩy xuống dạ dày, nếu không được thì đến BV có máy nội soi gắp ra hoặc đẩy xuống dạ dày. Bên cạnh nuốt nghẹn, nhiều người còn bị hóc dị vật thực quản do mắc xương cá, răng giả… với triệu chứng đau vùng cổ, nuốt cảm giác vướng và đau. Đối với tình huống này, bệnh nhân phải đến cơ sở y tế để được soi gắp dị vật. Nếu người bệnh tự ý xử trí như nuốt cơm hoặc thức ăn để đẩy dị vật xuống dạ dày, vô tình làm cho dị vật cắm sâu vào thành thực quản và gây thủng thực quản, gây áp xe trung thất, nguy cơ tử vong rất cao. Điển hình là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Chiến (41 tuổi) hóc xương cá rô phi, bèn nuốt cơm cháy để đẩy xương cá xuống dạ dày. Tuy nhiên, bệnh nhân đau và sưng vùng cổ nhiều hơn, sốt cao, nhiễm trùng. Qua thăm khám, chụp CT scan, bác sĩ phát hiện áp xe, tụ mủ trong trung thất nhiều và chỉ định mổ cấp cứu. Bác sĩ mở đường cổ giải phóng mủ; mở ngực phải mở màng phổi trung thất, giải phóng ổ mủ trong trung thất và màng tim; mở đường giữa bụng để mở dạ dày nuôi ăn. Sau chăm sóc hậu phẫu, tưới rửa, hồi sức, phải mất 45 ngày bệnh nhân mới hồi phục, xuất viện.

Các kỹ thuật hiện đại có thể hỗ trợ xử trí các trường hợp hóc dị vật hiệu quả. Trong ảnh: Bác sĩ Nguyễn Thành Văn nội soi tai cho bệnh nhân. Ảnh: T.S

Bên cạnh nhiều nguy cơ nghiêm trọng sức khỏe từ việc nuốt nghẹn, hóc dị vật thực quản thì hóc dị vật đường thở cũng là tai nạn sinh hoạt thường gặp ở bất kỳ tuổi nào, phổ biến là từ 1 đến 3 tuổi. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Văn, Khoa Tai Mũi Họng, BV Đa khoa TP Cần Thơ, hậu quả của hóc dị vật đường thở có thể dẫn đến tử vong tức thì hoặc để lại di chứng não nặng nề. Tuy nhiên, xử trí ban đầu đúng cách hoặc có biện pháp dự phòng hợp lý sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Các dị vật thường gặp có nguồn gốc thực vật như: hột dưa, hột đậu phộng, hột mãng cầu...; nguồn gốc động vật như: xương và đốt sống cá, vỏ tép…; những chất lỏng như: cháo, súp, sữa… Ngoài ra, còn có dị vật kim loại như: ghim vải, đinh, bi, pin đồng hồ, bánh xe đồ chơi, nút áo… Các biểu hiện khi bị dị vật đường thở tùy thuộc vào vị trí dị vật, gồm hội chứng xâm nhập (trẻ đang ăn hoặc chơi tự nhiên bị ho sặc sụa, tím tái, khó thở, đôi khi tiêu tiểu ra quần), khó thở thanh quản (trẻ ráng sức hít vào, bứt rứt, vật vã thở hước, thở rít, khàn tiếng, ho khan). Nếu dị vật không gây các triệu chứng trên, hoặc có nhưng thoáng qua, có thể bị bỏ qua khiến bệnh nhân sau đó bị viêm phổi tái phát. Cách xử trí ban đầu tại nhà: Nếu dị vật là chất lỏng, đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay hay trên đùi rồi vỗ mạnh vào lưng 2-3 cái. Nếu trẻ lớn hơn, để trẻ nằm ngửa rồi ấn tay vào thượng vị, nhồi 2-3 cái để trẻ ho bắn ra và thở trở lại. Nếu trẻ vẫn chưa thở được, phải hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực nếu ngưng tim. Nếu dị vật cứng, khi người bệnh khó thở tím tái, cách xử trí giống như khi bị sặc chất lỏng. Nếu bệnh nhân lớn có thể làm nghiệm pháp Heimlic: để bệnh nhân đứng, người cúi ra trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay bắt vào nhau thành một nắm đấm để vào vùng thượng vị của bệnh nhân, sau đó giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực nhằm tống dị vật ra. Nếu không có kết quả phải tìm cách đưa bệnh nhân đến ngay BV để soi gắp dị vật. Tuyệt đối không được dùng tay móc dị vật vì có thể sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn hay làm trầy xước vùng họng, làm phù nề niêm mạc họng, thanh quản, gây khó thở tăng thêm.

Với sự phát triển của y học ngày nay như: kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, nội soi ống mềm, nhiều trường hợp hóc dị vật được cứu sống kịp thời. Do vậy, đối với các trường hợp bị hóc dị vật, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và hỗ trợ kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Thu Sương (lược ghi)

Chia sẻ bài viết