12/06/2018 - 09:56

Delhi đau đầu với rác thải 

Tại Delhi, vùng thủ đô của Ấn Độ, rác thải hiện là một vấn đề nhức nhối. Ước tính, hơn 36 triệu tấn rác thải đã tích tụ ở 4 bãi rác chính thức tại các vùng ven, nơi đang bị tình trạng ô nhiễm không khí và nước bủa vây.

Người dân nhặt rác tại một bãi rác ở Delhi. Ảnh: NYT

Theo Ranjith Annepu, nhà đồng sáng lập Waste Wise, tổ chức phi lợi nhuận chuyên xử lý các vấn đề quản lý chất thải, các bãi rác ở Delhi và các thành phố như Mumbai hay Kolkata hiện được cho là lớn và nguy hiểm nhất thế giới. “Nếu điều này tiếp tục diễn ra, Delhi sẽ chìm trong rác thải của chính mình” - Swati Singh Sambyal, quản lý chương trình rác thải tại Trung tâm Khoa học và Môi trường ở New Delhi, nhận định. Trước tình trạng này, Chính phủ Ấn Độ mới đây cam kết sẽ “xóa sổ” túi nhựa dùng một lần vào năm 2022. Tuy nhiên, quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã chậm triển khai hành động để bảo vệ môi trường do đa phần giới chính trị gia nước này không muốn mất lòng tin của người dân khi đưa ra những quyết định khó khăn rồi không thể thực hiện được.

Tại Delhi, một điều đơn giản như việc lắp đặt các thùng rác đến nay vẫn chưa thực hiện được, một phần là do công tác thu gom rác thải không được đảm bảo trong khi nhiều cư dân không ý thức, cứ “hồn nhiên” ném rác trên mặt đất. Trong khi đó, các khu ổ chuột không có hệ thống thoát nước mọc lên như nấm ở khắp mọi nơi, từ cạnh đường ray xe lửa, công viên công cộng đến đằng sau các trung tâm mua sắm cao cấp.

Trong hai thập kỷ qua, dân số Delhi đã tăng mạnh từ 12 triệu lên khoảng 19 triệu người, trong khi cơ sở hạ tầng và các dịch vụ của chính phủ lại không theo kịp. Trong khoảng thời gian đó, lượng rác thải đổ dồn về các bãi rác cũng gia tăng nhanh chóng, từ khoảng 3.600 tấn/ngày lên ít nhất 9.000 tấn/ngày. Khoảng một nửa số rác thải này được chuyển thành năng lượng hoặc được ủ phân, số còn lại thì nằm tại bãi rác, chờ ngày thối rữa.

Nhiều nỗ lực xử lý rác thải

Vấn đề tích tụ rác thải tại Delhi nghiêm trọng đến nỗi Tòa án Tối cao Ấn Độ hồi đầu năm nay nói rằng dần dần đội kiểm soát không lưu tại sân bay quốc tế của Delhi sẽ phải điều khiển các máy bay xung quanh các bãi rác vì chúng quá cao. Cơ quan này do đó yêu cầu các nhà lập pháp tìm cách loại bỏ các đống rác tại đây. Trong khi đó, một tòa án đã cảnh cáo các quan chức chính phủ đảm trách các dự án y tế rằng họ có thể bị buộc tội giết người nếu người dân tiếp tục bỏ mạng vì các bệnh như sốt xuất huyết vốn lây lan do muỗi sản sinh trong nước bẩn.

Hiện một trong bốn bãi rác ở Delhi đã giảm đáng kể lượng rác thải nhờ việc biến rác thành mùn. Đây là kết quả của Chương trình làm sạch Ấn Độ do đảng Nhân dân của Thủ tướng Nerendra Modi triển khai hồi năm 2014. Đến năm 2016, nhiều quy định về quản lý rác thải cũng được đưa ra. Theo đó, những ai không phân loại rác thải tại nhà để tái chế sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm đất để thành lập các bãi rác mới cũng như đối phó với dòng người phản đối mà trong đó chủ yếu là cư dân tại các khu ổ chuột sống nhờ nghề nhặt rác.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng rồi, Ấn Độ là nơi có 14 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong đó Delhi xếp hạng thứ 6.

TRÍ VĂN (Theo NYT)

Chia sẻ bài viết