27/10/2018 - 17:37

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV:

Đề xuất các giải pháp phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội 

(TTXVN)- Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, ngày 27-10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế- xã hội.

Tại phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Quyết liệt tái cơ cấu ngành công nghiệp-thương mại

Giải trình trước Quốc hội một số nội dung liên quan đến đề án tái cơ cấu của ngành công nghiệp-thương mại, về 12 dự án kém hiệu quả đang xử lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, mặc dù đầu tư nước ngoài vẫn còn vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế và xuất khẩu nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn có sự phát triển mạnh mẽ, tích cực với mức tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 17,8%. Bên cạnh đó, việc quy hoạch lại không gian lãnh thổ công nghiệp để cùng hình thành các khu công nghiệp tập trung trong khu vực lớn đã có hiệu quả như: Lĩnh vực dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ; cơ khí ô tô ở Khu công nghiệp Chu Lai; lĩnh vực điện tử tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hưng phát biểu. Ảnh: VĂN ĐIỆP  (TTXVN)

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, các hàng rào kỹ thuật là những yêu cầu đầu tiên để vươn ra thị trường thế giới. Đây là nhiệm vụ lớn để có thể tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới trong tổng thể của tái cơ cấu nền kinh tế cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc chiến tranh thương mại phức tạp.

Về 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ của ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Bộ Công Thương đã triển khai tích cực, đồng bộ và toàn diện đề án Chính phủ đã phê duyệt để khắc phục những tồn tại của 12 dự án kém hiệu quả. Theo lộ trình, trong hai năm 2018-2019 sẽ xử lý tương đối toàn diện tất cả các vấn đề tồn tại của 12 dự án này để kết thúc vào năm 2020.

Đến nay, một số dự án đã có kết quả tương đối tích cực. Đối với 6 dự án phải dừng kinh doanh, có 2 nhà máy là Nhà máy sản xuất phân bón DAP Hải Phòng và Nhà máy Thép Việt Trung đã có lãi. 4 dự án còn lại đã từng bước khôi phục hoạt động, dần có lãi. Riêng đối với dự án nhiên liệu sinh học của Phước Hậu có những vấn đề liên quan đến công nghệ, quản lý, thậm chí liên quan đến việc vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh, mức độ.

Cần có Nghị quyết chuyên đề tích hợp các chính sách vùng dân tộc thiểu số

Nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách theo hướng phân định vùng, đối tượng thụ hưởng, phương thức hỗ trợ phù hợp; rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế -xã hội vùng dân tộc thiểu số còn hiệu lực, giải quyết căn cơ hơn tình trạng di cư, di dân tự phát, từng bước sắp xếp ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, nhất là đối với đồng bào di cư, vùng tái định cư, vùng bị thiên tai. Đồng thời, Quốc hội cần có định hướng xây dựng, hoàn thiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 theo hướng tích hợp hiệu quả; hoàn thiện, ban hành cơ chế đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức dân tộc thiểu số, dành nguồn lực để bảo tồn văn hóa, trang phục tiếng nói chữ viết người dân tộc thiểu số...

Cần hình thành suy nghĩ mới về công tác giảm nghèo bền vững, đầu tư sinh kế là nhiệm vụ chủ yếu để các hộ nghèo vươn lên, chuyển từ hỗ trợ cho không thành hỗ trợ có trách nhiệm, có hoàn trả để người hưởng thụ thấy rõ trách nhiệm của mình; kết hợp chặt chẽ hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới...

Cải thiện công tác khám chữa bệnh và chất lượng tuyến y tế cơ sở

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề của ngành y tế trong đó có nội dung chất lượng khám chữa bệnh và y tế cơ sở. Về hướng phát triển ngành y tế thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thứ nhất là xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi đang còn khỏe mạnh, từ nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bộ đang xây dựng 26 mô hình điểm giống mô hình các nước đã phát triển một cách toàn diện cả về con người, cơ sở vật chất, hoạt động, cơ chế tài chính. Trong 5 năm tới có mô hình cơ bản và trong 20 năm nhân rộng trong cả nước. Thứ hai là khi người dân bị bệnh, phải vào bệnh viện thì cần được chăm sóc chu đáo, toàn diện, chất lượng, giảm thời gian nằm viện, giảm lây chéo, tăng cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho ngành y tế một cơ chế tài chính đổi mới toàn diện về tự chủ, giá dịch vụ, kết hợp công tư, mô hình bảo hiểm y tế bổ sung ngoài bảo hiểm xã hội hiện nay.

Thứ ba là vấn đề nhân lực, đề nghị có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế theo hướng học 6 năm ra trường phải học thêm 1 năm nữa thực hành rồi thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề với đánh giá của hội đồng quốc gia độc lập. Sau đó, các bác sĩ phải học chuyên khoa ít nhất 2-3 năm mới có thể hành nghề theo mô hình của quốc tế.

Tạo môi trường pháp lý công bằng, cạnh tranh trong xuất bản sách giáo khoa

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có Báo cáo kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 – 2017. Từ đó, kiến nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông mới; khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà xuất bản được cấp phép xuất bản sách giáo khoa tham gia đấu thầu rộng rãi in, phát hành và khai thác các bản thảo sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chính phủ cần kiên quyết xử lý các cơ quan nhà nước tham gia vào quá trình in lậu, in nối bản sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần triển khai tổng kết, đánh giá việc biên soạn, in, phát hành, sử dụng sách giáo khoa, sách bài tập, tài liệu tham khảo, mô hình thí điểm VNEN và thực nghiệm tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Trên cơ sở đó kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về sách giáo khoa, sách bài tập, tài liệu tham khảo, về thí điểm, thực nghiệm trong giáo dục, đồng thời thông tin rộng rãi về kết quả tổng kết, đánh giá, tạo sự chia sẻ, đồng thuận trong ngành giáo dục, trong nhân dân và xã hội.

Nhiều kiến nghị liên quan đến an sinh xã hội

Tăng cường thanh tra, ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách người có công; nâng cao năng suất lao động; tinh giản biên chế... là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngày 27-10.

Về tình trạng trục lợi chính sách người có công, các đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp khuyến khích người dân tố cáo trường hợp vi phạm, xử lý triệt để và có biện pháp bảo vệ người tố cáo an toàn nhất. Hai Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng cần tăng cường thanh tra, để ngăn chặn triệt để.

Cho ý kiến về năng suất lao động của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần quan tâm đến các nhóm yếu tố chi phối năng suất lao động. Đó là: nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất; xác định mô hình sản xuất phù hợp; đồng độ 3 khâu sản xuất, đó là thiết kế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu; thị trường tín dụng phải đủ mạnh, phù hợp cho các loại hình doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu tăng vốn. Đồng thời, cần quan tâm đến thị trường sản phẩm cả trong nước và nước ngoài đó là kích cầu trong nước; nâng cao trình độ người lao động; đầu tư cho nghiên cứu khoa học một cách xứng đáng; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, công khai, minh bạch, nghe dân vì dân.

Liên quan đến việc tinh giản bộ máy và biên chế, đại biểu Bùi Văn Phương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình khẳng định: Nghị quyết Trung ương đã chỉ đạo cụ thể, việc tinh giản bộ máy và biên chế phải tiến hành thận trọng, nhưng hiện nay, quá trình thực hiện có phần lúng túng do nhận thức chưa đầy đủ. Dường như đang có nhận thức là đơn vị, địa phương nào tinh giản, sáp nhập được nhiều, đó là thành tích. Mục tiêu của Nghị quyết đưa ra là tinh giản bộ máy nhà nước, biên chế nhưng đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ theo tinh thần của Trung ương.

Chia sẻ bài viết